Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 685

  • Tổng 964.138

Vượt qua rào cản

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Giữa đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm và cao vợi, anh có thể là người Vân Kiều đầu tiên kết hôn với một phụ nữ người Sách. Vượt qua mọi rào cản, phong tục, tập quán, văn hóa, họ sống hạnh phúc với nhau bằng một tình yêu đẹp…

 Lương duyên một mối tình đẹp

 
Chúng tôi đến bản Khe Khế, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) vào một buổi chiều muộn của những ngày tháng tư. Trên con đường vào bản đã được bê tông hóa, thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ríu rít nô đùa, vui chơi. Hỏi nhà của trai bản lấy phụ nữ người Sách, những đứa trẻ chỉ cho chúng tôi ngôi nhà có quán tạp hóa, nằm ngay giữa bản.
 
Theo chỉ dẫn của những đứa trẻ, chúng tôi đi vào bản và ghé nhà của Hồ Văn Mừng (SN 1984) và chị Đinh Thị Trúc (SN 1990), những người được xem là vượt qua mọi rào cản về phong tục, tập quán, văn hóa để có một câu chuyện tình đẹp giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ.
 Anh Hồ Văn Mừng và chị Đinh Thị Trúc.
Anh Hồ Văn Mừng và chị Đinh Thị Trúc.

Nhấp chén chè xanh, Mừng kể, anh và Trúc quen nhau khi hai người đang theo học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Trong thời gian theo học tại đây, cả hai đã nảy sinh tình cảm đôi lứa, nhưng bị gia đình hai bên ngăn cấm vì lý do Mừng là người dân tộc Bru-Vân Kiều sống xa tít tắp tại xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy). Trong khi đó, Trúc là người Sách, sống tại xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa).

“Ngoài khoảng cách về địa lý, tôi và Trúc còn bị gia đình ngăn cấm bởi hai đứa là người hai dân tộc có những phong tục, tập quán, văn hóa khác nhau. Lúc đó, chúng tôi rất buồn, nhưng vẫn quyết tâm đến với nhau và chứng minh cho gia đình hai bên biết, chúng tôi thực sự yêu thương nhau...”, Mừng tâm sự.
 
“Hồi ấy, tôi sợ nhất là mỗi lần lên nhà bạn gái thuyết phục gia đình. Chung quy lại, gia đình Trúc ngăn cản cũng vì thương con nên không muốn cho con lấy chồng xa, rồi phong tục mỗi dân tộc mỗi khác nhau khi về sống chung sợ Trúc khó hòa đồng. Nói mãi thì “nước cũng chảy, đá cũng mòn”, gia đình Trúc đã đồng tình. Khi nhận được sự đồng ý của gia đình Trúc, hai đứa đã mừng không tả nỗi. Đến bây giờ, cảm giác đó khó có lại lần thứ hai lắm anh ạ!”, Mừng hồ hởi kể lại.
 
Sau gần 3 năm vận động, thuyết phục, năm 2008, được sự đồng ý của gia đình, Mừng và Trúc quyết định tiến tới hôn nhân trong sự ngỡ ngàng của dân bản. Nhiều người trong bản Khe Khế bảo rằng, đó cũng là “duyên kiếp” và cũng chúc phúc cho họ vì họ đã biết kiên trì, nhẫn nại để vượt qua mọi rào cản.
 
“Đến nay, vợ chồng tôi đã có với nhau hai đứa con gái, sống hạnh phúc cũng đã hơn mười năm. Nhớ lại những ngày đầu bị gia đình hai bên ngăn cấm, đến bây giờ nhiều đêm ngủ cũng phải giật mình. Chúng tôi vui vì đã chứng minh được được tình yêu đẹp thì không có rào cản, giới hạn nào cả…”, Trúc cho biết.
 
“Cánh chim đầu đàn” của bản…
 
Mối tình của Mừng và Trúc đã vượt qua mọi rào cản của phong tục, tập quán cũng như những khoảng cách về văn hóa để trở thành một câu chuyện tình đẹp giữa đại ngàn Trường Sơn. Nhưng trong câu chuyện với đôi vợ chồng trẻ này, chúng tôi còn nhận ra, họ không chỉ chăm lo cho gia đình mình mà còn là những “cánh chim đầu đàn” trong vận động bà con bản Khe Khế phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tiến tới làm giàu.
 
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Hồ Văn Mừng theo học trung cấp lâm sinh tại Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình. Sau khi ra trường, anh Mừng được nhận về làm hợp đồng bảo vệ rừng tại Lâm trường Kiến Giang. Sau nhiều năm rèn luyện, phấn đấu, năm 2010, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 26 tuổi.
 
“Bây giờ, tôi đã có 10 năm tuổi Đảng, hiện cũng làm Bí thư Chi bộ bản Khe Khế với 19 đảng viên. Từ khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, bản thân tôi cùng gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc, nhất là vận động bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, sát cánh cùng dân bản Khe Khế vượt qua đói nghèo…”, Hồ Văn Mừng chia sẻ.
 Trên cương vị là Bí thư Chi bộ bản Khe Khế, Hồ Văn Mừng đã vận động bà con trồng được hơn 10ha lúa nước.
Trên cương vị là Bí thư Chi bộ bản Khe Khế, Hồ Văn Mừng đã vận động bà con trồng được hơn 10ha lúa nước.
Hồ Văn Mừng cho biết, hiện nay, bản Khe Khế có đến 99% đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống, đời sống của dân bản những năm qua đã được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao. Trước những khó khăn đó, với cương vị là Bí thư chi bộ, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con tập trung vào lao động sản xuất. Ngoài việc đến từng nhà vận động, anh Mừng còn “bắt tay, chỉ việc” để bà con học tập, làm theo, đặc biệt là trong việc trồng lúa nước và trồng rừng. Noi gương gia đình anh, người Vân Kiều ở Khe Khế đều hăng say tăng gia sản xuất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
 
Không tiếp bước hết con đường học hành, sau khi học xong cấp ba, Đinh Thị Trúc đã theo học sơ cấp y tế và về gắn bó với y tế thôn bản Khe Khế. Công việc y tế hàng ngày của Trúc là trình diễn những bữa ăn cho trẻ em trong bản, uống vitamin, rồi vận động dân bản sinh đẻ có kế hoạch…
 
“Bây giờ, y tế thôn bản tôi vẫn làm nhưng không được hưởng lương. Để nuôi sống gia đình, hàng ngày, tôi phải chạy chợ, thu mua nông sản của bà con trong bản rồi bán lại cho thương lái. Gần đây, tích góp được ít vốn liếng, tôi có mở một quán tạp hóa để phục vụ nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con trong bản Khe Khế. Qua một thời gian phấn đấu, tôi cũng mới vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng…”, Trúc vui mừng cho biết.
 
Theo đánh giá của ông Hoàng Bình, người có uy tín nhất của bản Khe Khế, chuyện tình đẹp giữa anh chàng dân tộc Bru-Vân Kiều và cô gái người Sách ở bản Khe Khế bao năm qua vẫn được dân bản ưu ái, ngưỡng mộ. Họ đã vượt qua nhiều rào cản để đến với nhau, sống hạnh phúc và cùng nhau viết tiếp cho sự đoàn kết dân tộc bền chặt hơn bao giờ hết…
 
QH: Theo "Báo Quảng Bình"

Các tin khác