Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 49

  • Tổng 995.242

“Đầu tàu” của bản Khe Ngang

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Ở Bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hồ Nam được người dân rất tín nhiệm. Những năm qua, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với bản làng, ông Hồ Nam luôn gương mẫu tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong bản chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao.

 

 

“Đầu tàu” của bản Khe Ngang

Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Hồ Nam (ngoài cùng, bên trái) làm việc với lãnh đạo xã về công tác trồng rừng.

Bản Khe Ngang có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Khoảng 5 năm gần đây, cây lúa nước đã thật sự đem đến cho bà con dân bản sự đổi thay đáng kể. Người góp phần tạo nên sự chuyển biến lớn ấy chính là ông Hồ Nam. Ông chia sẻ: “Đồng bào mình lâu nay vốn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Nhà nước cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn, túng thiếu. Muốn ổn định cuộc sống thì phải tự lực sản xuất, chủ động lương thực. Cán bộ phải làm cho tốt để bà con nhìn vào đó và làm theo. Vì thế nhiều năm trước, tôi nhận đất trồng rừng và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, gia đình tôi có 5 ha rừng trồng keo, 0,5 ha cây cao-su, sản xuất lúa và hoa màu với diện tích 2.500 m2, chăn nuôi ba lợn sinh sản và 55 lợn thịt, 10 con bò,cho thu nhập ổn định”. Trên cánh đồng đang vào vụ lúa mới, chị Hồ Thị Lịch ở bản Khe Ngang mải miết cắm những cây mạ non xuống chân ruộng. Dừng tay, chị phấn khởi cho biết: “Trước đây không biết làm lúa nước cho nên gia đình thường xuyên chịu cảnh thiếu ăn, nay được cán bộ xã và trưởng bản dạy, tôi đã biết cấy lúa rồi. Có lúa nước cho nên đủ lương thực trong cả năm”.

Với phương châm “gương mẫu đi đầu rồi dân sẽ theo” và bằng uy tín của mình, ông Hồ Nam đã vận động bà con phát triển sản xuất dựa trên thế mạnh của vùng đất, đó là trồng rừng và chăn nuôi. Cả bản hiện có gần 120 ha rừng trồng đang vào giai đoạn thu hoạch. Dưới tán rừng, nhiều hộ nuôi gia súc, gia cầm mang lại nguồn thu đáng kể. Được sự hỗ trợ của cấp trên, bản Khe Ngang đã lập được ba tổ hợp tác chăn nuôi bò lai sinh sản với 39 thành viên. Đây là nét mới trong làm ăn của đồng bào dân tộc Vân Kiều thể hiện sự chuyển biến về nhận thức, đồng thời nâng cao giá trị chăn nuôi, hạn chế tập quán thả nuôi giống bò cóc địa phương ít hiệu quả như trước.

Bên cạnh đó, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hồ Nam cùng với Chi ủy và Ban công tác mặt trận bản Khe Ngang tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân hiến đất để mở đường và làm nhà văn hóa bản. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, bản Khe Ngang được đầu tư các công trình dân sinh thiết yếu phục vụ cho cuộc sống, trở thành bản có nhà văn hóa, trường mầm non khang trang trong xã Trường Xuân. Nhiều năm liền, bản Khe Ngang được UBND huyện Quảng Ninh công nhận đạt danh hiệu Bản văn hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân Nguyễn Văn Hậu nhận xét, trong công tác giảm nghèo bền vững đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương không thế không nhắc tới vai trò của cán bộ, người có uy tín ở các bản, trong đó có Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hồ Nam. Ông là “đầu tàu” của bản, là tấm gương trong vận động, tuyên truyền và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc của xã Trường Xuân.

QH: Theo "Báo Nhân dân Điện tử"

Các tin khác