Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 2315

  • Tổng 998.451

Hạt nhân nòng cốt vùng sơn cước

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng, bà Phạm Thị Lâm được bà con tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở bản Cáo, xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa). Bằng những việc làm thiết thực, xuất phát từ ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống, bà Phạm Thị Lâm trở thành hạt nhân nòng cốt, tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với người dân địa phương.

 Cách trung tâm xã khoảng 6km, bản Cáo là bản vùng cao, đặc biệt khó khăn của xã Lâm Hóa. Bản có 43 hộ, với 170 nhân khẩu; trong đó 95% số hộ là người Mã Liềng. Bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, với vai trò là Trưởng bản, bà Lâm đã cùng với Chi bộ, Ban công tác Mặt trận tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển sản xuất bằng nhiều hình thức phong phú.

Bên cạnh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt bản, bà Lâm đã đến từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, qua đó, kịp thời phản ánh, báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lâm cho hay: “Là đảng viên, Trưởng bản, tôi luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm với bà con. Và để làm gương cho bà con, tôi luôn nêu cao tính tiên phong trong phát triển kinh tế hộ, giáo dục con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng".

Bà Phạm Thị Lâm, người có uy tín tiêu biểu trong vùng ĐBDTTS huyện Tuyên Hóa.
Bà Phạm Thị Lâm, người có uy tín tiêu biểu trong vùng ĐBDTTS huyện Tuyên Hóa.

Bà Lâm luôn gần gũi, trao đổi, trò chuyện với bà con về những vấn đề liên quan đến cuộc sống xung quanh, tuyên truyền bà con giữ gìn sự đoàn kết các dân tộc, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, trên địa bàn bản Cáo đã xuất hiện một số mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo, có con cái chăm ngoan, học giỏi. Hàng năm, bà con bản Cáo luôn gieo trồng hết diện tích đất sản xuất, tích cực chăm sóc, bảo vệ nên cho năng suất, sản lượng cao.

Xác định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là thế mạnh của bản, bà Lâm tích cực tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm của bản tăng qua hàng năm, trong đó, nhiều hộ có đàn gia súc từ 5 đến 15 con, gia cầm từ 20 đến 100 con.

Thực hiện định hướng phát triển kinh tế của xã là đưa trồng rừng thành ngành kinh tế mũi nhọn và trên cơ sở thực tiễn của bản, bà Lâm đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền vận động bà con tự nguyện trả đất đã cấp để giao rừng cộng đồng cho bản và liên kết sản xuất theo mô hình cộng đồng nhằm thuận lợi cho việc bảo vệ, hỗ trợ lẫn nhau và nâng cao giá trị hàng hóa.

Trong 5 năm qua, dân bản đã trồng trên 50ha rừng và đã khai thác được trên 20ha, bảo vệ trên 230ha rừng tự nhiên, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Trong xây dựng nông thôn mới, bà Lâm đã vận động người dân tích cực hiến đất, tài sản để giải tỏa, mở rộng, xây dựng đường giao thông nông thôn vào khu sản xuất. Kết quả, toàn bản có 20 hộ hiến trên 2.000m2 đất rừng trồng, 3.000 cây keo, hàng chục mét hàng rào các loại.

Với cương vị là Trưởng bản, Trưởng ban An ninh của bản, bà Lâm luôn làm tốt công tác hòa giải và xử lý các vụ việc xảy ra theo hương ước của bản, không để có vụ việc phức tạp kéo dài. Nhờ đó, tình hình an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững. Bà Lâm còn vận động dân bản xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình an ninh trật tự "Bản bình yên", mô hình dân vận khéo "Sạch nhà, xanh vườn".

Từ khi mô hình đi vào hoạt động, bà Lâm và Ban vận động thực hiện mô hình, các tổ tự quản đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hội viên phụ nữ và các hộ dân trong bản tự giác giữ gìn vệ sinh, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Định kỳ mỗi tháng 3 lần và vào các ngày lễ, Tết, bà con tổ chức làm tổng vệ sinh, phong quang đường vào bản sạch đẹp.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động "3 sạch" trong phong trào "5 không, 3 sạch" của phụ nữ, bà Lâm và Ban vận động thực hiện mô hình còn vận động hội viên phụ nữ và bà con tự giác trồng rau, các loại cây trong vườn để cải thiện đời sống. Đến nay, toàn bản có 70% số hộ không để vườn hoang hóa.

Mô hình đã tạo ý thức tự giác trong cán bộ, hội viên và bà con, góp phần xây dựng bản làng sạch sẽ, văn minh, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Năm 2018, mô hình đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa công nhận là mô hình dân vận khéo tiêu biểu và được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.

“Bản Cáo nói riêng và vùng ĐBDTTS huyện Tuyên Hóa nói chung vẫn còn rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao, trình độ, nhận thức của bà con về các vấn đề kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng của các bản chưa được đầu tư đồng bộ.

Để thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS phát triển, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các vùng, tôi rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân. Chúng tôi sẽ cố gắng phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ để đưa quê hương ngày một khởi sắc.”, bà Phạm Thị Lâm chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa khẳng định: “Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong bản Cáo được cải thiện rõ rệt, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, bà con Mã Liềng luôn chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế.

Có được những kết quả này, không thể không kể đến vai trò và những đóng góp tích cực của bà Phạm Thị Lâm. Bà Lâm là người có uy tín tiêu biểu trong vùng ĐBDTTS huyện Tuyên Hóa, rất xứng đáng được nêu gương”.

QH: Theo "Báp Quảng Bình"

Các tin khác