Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 348

  • Tổng 999.124

Giấc mơ có thật của em gái người Khùa

Xem với cỡ chữ : A- A A+
           Gặp các nhà báo tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phấn khởi thông báo tin: “Em Hồ Thị Thây đã nhập học vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình. Giấc mơ của em gái người Khùa đã thành hiện thực”. Cảm xúc của chúng tôi khi ấy là hơn cả vui mừng, bởi câu chuyện về cô học trò nghèo vượt khó Hồ Thị Thây đã có cái kết viên mãn.

 

stua_4a
Hồ Thị Thây ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trúc Hà

Tôi gặp Hồ Thị Thây gần 1 năm trước trong chuyến đi viết bài về hiệu quả của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên biên giới Quảng Bình. Tháng 6-2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đồng Hới tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Dân Hóa. Với số tiền vận động được, Hội LHPN thành phố Đồng Hới dự định sẽ làm nhà cho 1 phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi ấy, Trung tá Dương Đình Hoàn đã đề nghị: Thay vì làm nhà tặng cho 1 phụ nữ, số tiền ấy chuyển sang mua con giống tổ chức mô hình chăn nuôi và mua nhu yếu phẩm hàng ngày, như vậy sẽ có nhiều phụ nữ được chia sẻ, giúp đỡ hơn. Trước đề nghị rất hợp tình, hợp lý ấy, Hội LHPN thành phố Đồng Hới đã nhanh chóng đồng ý và nhờ đồn Biên phòng khảo sát, lên danh sách phụ nữ khó khăn trên địa bàn đơn vị quản lý.  

Trong số phụ nữ được nhận quà có chị Hồ Thị Coong, ở bản Hà Nôông, xã Dân Hóa. Chị Coong được tặng 2 con lợn giống và có 1 con lợn đang chửa nhằm rút ngắn thời gian sinh đàn, sớm giúp gia đình bớt khó khăn. Chồng mất sớm, một mình chị Coong nuôi 4 người con khôn lớn. Năm 2015, chị bị thoát vị đĩa đệm và lao xương nên chỉ nằm một chỗ. Con gái lớn đã lấy chồng, con trai đang đi học ở thành phố, con út mới chỉ lớp 5, bởi vậy, dù mới 14 tuổi nhưng cô con gái thứ 3 tên Hồ Thị Thây phải trở thành trụ cột gia đình. Lúc ấy, Thây cứ 1 buổi đi học, 1 buổi đi nương lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em trai Hồ Phong và gửi tiền cho anh Hồ Thi đang học ở thành phố. 

Cuối 2016, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình kết nối với tổ chức từ thiện Chí Thiện để chị Coong được đưa ra Bệnh viện 108 chữa trị. Trong 2 tháng, tổ chức từ thiện đã lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại cho 2 mẹ con. Vì việc chữa bệnh của mẹ mà Thây phải nghỉ học luôn. Tuy nhiên, ước muốn được đến trường chưa bao giờ tắt trong lòng cô gái trẻ này dù việc học là rất khó, còn biết bao trở ngại.

Trở ngại lớn là dù đã khỏi bệnh, nhưng mẹ em vẫn không đủ sức chăm đàn lợn chứ đừng nói lên nương cấy lúa, trồng ngô. Mẹ, các chú ở đồn Biên phòng cũng động viên Thây quay trở lại trường học, nhưng học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình thì em không đủ tiêu chuẩn mà học bán trú ở xã Hóa Tiến thì em cũng không đủ tiền chi phí ăn ở, đi lại những ngày nghỉ. Nếu đi học thì gia đình chắc chắn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

Trong một lần đến thăm, Trung tá Dương Đình Hoàn đã nói với mọi người trong gia đình của Thây rằng, nếu em quyết tâm, dù không xin được vào trường nội trú của tỉnh mà học ở Hóa Tiến thì anh sẽ xin học bổng của Hội LHPN, mỗi tháng cũng được 500 ngàn đồng. Rồi sang năm nữa, đơn vị sẽ nhận đỡ đầu em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. 2 năm qua, Thây đã vì tất cả mọi người trong gia đình, lúc này là lúc mọi người hãy vì giấc mơ rất chính đáng của em ấy. Nói vậy nhưng sau đó Trung tá Dương Đình Hoàn đã liên hệ nhiều nơi để mong Hồ Thị Thây có thể tiếp tục con đường đến trường. 

Thật may, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình đã đồng ý tiếp nhận bởi hoàn cảnh đặc biệt của cô học sinh ham học, vượt khó tận nơi vùng cao biên giới. Ngày nhập học, Trung tá Dương Đình Hoàn đã đưa Thây số tiền của Hội LHPN thành phố Đồng Hới tặng trước đó để em mua thêm quần áo, đồ dùng học tập. Cô gái nhỏ đã rơm rớm nước mắt hứa với chú Hoàn: “Cháu chẳng biết nói gì để thể hiện được sự biết ơn đối với các cô, các chú. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để mọi người không phải phiền lòng”.

Hỏi giờ em đã được đi học, em sẽ lại ước mơ gì, Hồ Thị Thây nói nhỏ: “Em không dám nghĩ chuyện gì xa xôi vì vẫn còn phải cố gắng 2 năm học nữa. Hè này được nghỉ, em sẽ tranh thủ nuôi lợn, gà, trồng thêm lúa, ngô để cho mẹ và em trai có chút tiền chi tiêu những ngày em đi học. Ở nhà có ổn thì em mới chuyên tâm học hành được”. Chao ơi, có gì quý và đẹp hơn tấm lòng của cô học trò nghèo hiếu thảo lúc nào cũng nghĩ cho người khác?

QH Theo "Báo Biên phòng"

Các tin khác