Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2488

  • Tổng 1.016.767

Thoát nghèo nhờ đa dạng mô hình sản xuất

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ dám làm, luôn nỗ lực lao động, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa mô hình làm ăn, đó là cách mà gia đình anh Hồ Thương và chị Hồ Thị Ấn, dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) áp dụng để vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả của bản.

 Ở bản Cửa Mẹc, người dân luôn dành cho vợ chồng anh chị Thương-Ẩn nhiều tình cảm trân trọng, yêu quý bởi ý chí, quyết tâm vươn lên để thoát khỏi cuộc sống khó khăn và tấm lòng nhân ái của anh chị đối với bà con dân bản.


Mô hình nuôi cá cho thu nhập cao của gia đình anh Hồ Thương.

 

Cả hai anh chị đều xuất thân từ gia đình dân tộc Bru-Vân Kiều nghèo trong bản, lớn lên nhờ củ sắn ngoài rẫy, củ mài trong rừng nên cả hai dễ đồng cảm, xích lại gần nhau rồi lập gia đình…

Ngày mới lập gia đình, khó khăn chồng chất khó khăn khi những đứa con lần lượt ra đời. Sau mỗi ngày kết thúc việc lên nương rẫy, hoặc tranh thủ làm thuê kiếm thêm đồng thu nhập, tối về trong ngôi nhà tạm bợ, anh chị rì rầm bàn bạc chuyện làm ăn.
Rồi hàng xóm thấy anh Thương đi đâu đó mấy ngày, sau đó quay về, hỏi ra mới biết, anh đi học lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên huyện tổ chức.

Anh Hồ Thương chia sẻ: Muốn phát triển kinh tế, phải có kiến thức. Nhận thấy vùng đất của bản làng có nhiều tiềm năng để trồng trọt, chăn nuôi nên anh chị đã bàn bạc quyết tâm học hỏi theo đuổi nguyện vọng. Sau khi được học kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, vợ chồng anh chị đã chuyển hướng phát triển kinh tế theo mô hình VAR.

Để khởi nghiệp, anh chị đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua một cặp bò sinh sản (ngày đó giống bò còn rẻ, mỗi cặp bò chưa đến 10 triệu đồng) và trồng 5ha keo, 1ha sắn, chăn nuôi thêm gà, vịt. Phương châm là “lấy ngắn, nuôi dài” tích lũy vốn dần.

Tuy nhiên, theo anh Thương khởi đầu lúc nào cũng khó khăn, thời tiết khô hạn nắng nóng nên cây trồng bị chết nhiều. Không thất vọng, anh quyết tâm khôi phục lại. Vợ chồng anh chị đã vay anh em thêm 20 triệu đồng nữa để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sắn lên 2ha và trồng thêm 5ha keo…

Đất không phụ công người. Vụ thu hoạch sắn đầu tiên, anh đã hoàn trả được tiền vay. Không dừng lại ở kết quả này, anh chị quyết định mở rộng thêm chăn nuôi tập trung. Theo đó, anh Thương đã đào ao thả cá, mua thêm bò, gà và vịt về nuôi. Để có thức ăn cho gia súc, gia cầm vợ chồng anh chị Thương-Ẩn đã đầu tư mua máy xát gạo. Ngoài phục vụ bà con trong bản còn tận thu phụ phẩm để làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Thương và chị Ấn có 20ha keo, 2ha sắn, hơn 1ha ruộng nước, 3 ao thả cá cùng hàng trăm gia súc gia cầm… Thu nhập trung bình mỗi năm gần 100 triệu đồng đã trừ chi phí.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, anh chị còn là tấm gương sáng trong việc nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện tại, 3 đứa con của anh chị đều đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Bên cạnh đó, gia đình anh còn thường xuyên vận động bà con tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình; tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng bản làng văn hóa, đền ơn đáp nghĩa, vợ chồng anh chị luôn nhiệt tình tham gia.

Sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của gia đình anh Hồ Thương và chị Hồ Thị Ấn đã trở thành tấm gương minh chứng cho tinh thần quyết tâm và cần cù lao động sản xuất sẽ thoát được đói nghèo.

QH: Theo "Báo DT&MN"

 

Các tin khác