Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 763

  • Tổng 1.031.430

Nuôi ong lấy mật ở huyện miền núi Tuyên Hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+
        Tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), người dân từ lâu đã biết đến nghề nuôi ong lấy mật, nhưng do quy mô nuôi nhỏ lẻ, thiếu gắn kết cho nên hiệu quả chưa cao. Những năm gần đây, huyện đã xây dựng và phát triển thương hiệu "Mật ong Tuyên Hóa" với chuỗi giá trị khép kín, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có uy tín trên thị trường.

 

 

Nuôi ong lấy mật ở huyện miền núi Tuyên Hóa

Người nuôi kiểm tra chất lượng đàn ong.

Ông Nguyễn Quyết Thắng ở xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa đến với nghề nuôi ong mật sau những chuyến xuyên rừng lấy mật, gắn bó với nghề đã gần 20 năm. Trước đây, những người nuôi ong trong xã như ông Thắng tự thành lập các câu lạc bộ để chia sẻ, học hỏi kiến thức nhưng chỉ hoạt động được một thời gian. Nhận thấy hạn chế này, huyện Tuyên Hóa đã ban hành các chính sách, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh Quảng Bình để cung cấp giống, kỹ thuật nuôi và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi ong. Các câu lạc bộ nuôi ong trong huyện được tổ chức lại và tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất mật ong.

Là một người có nhiều năm làm việc trong các dự án nghiên cứu kiến thức bản địa, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Châu Văn Huệ nhận thấy vùng núi Tuyên Hóa được thiên nhiên ban tặng nhiều loài hoa và thảo mộc quý để tạo ra mật ong thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, năm 2014 ông Châu Văn Huệ và những người bạn đã thành lập Công ty TNHH Sinh thái miền tây Quảng Bình. Ông Huệ cho biết, công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội với mục tiêu hỗ trợ người nuôi ong ở các xã miền tây của tỉnh xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong. Bên cạnh đó, công ty tư vấn, hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, kỹ năng cho các hộ nuôi ong; cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong tự sản xuất và quản lý chất lượng mật ong trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Trước đây, khi tạo ra sản phẩm mật ong, người nông dân thụ động chờ người đến thu mua. Hiện nay, Công ty đến tận từng hộ mua sản phẩm rồi đóng chai có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng cho nên người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. "Năm 1998, câu lạc bộ nuôi ong xã Thuận Hóa chỉ có 43 đàn ong mật, thu về 175 kg mật/năm, thu nhập của thành viên cao nhất chỉ 15 triệu đồng/hộ/năm, thì nay, tổng đàn ong hơn 350 đàn, mỗi năm thu hơn ba tấn mật, cho thu nhập từ 60 đến 65 triệu đồng/hộ/năm"- ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Sinh thái miền tây Quảng Bình Châu Văn Huệ, quy trình sản xuất, xử lý và thành phẩm của "Mật ong Tuyên Hóa" đều được giám sát chặt chẽ, từ khâu lấy mẫu, phân loại, xử lý mật bằng máy hạ thủy phần cho đến kiểm định chất lượng, đóng chai. Sản phẩm hoàn toàn nguyên chất từ thiên nhiên, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Ðể phát triển và khẳng định thương hiệu "Mật ong Tuyên Hóa", bên cạnh xây dựng một mạng lưới người nuôi ong, công ty đã hợp tác với các chuyên gia hàng đầu về nghề nuôi ong lấy mật trong việc tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi ong. Hiện, sản phẩm "Mật ong Tuyên Hóa" đã có mặt khắp nơi trong tỉnh, khu vực miền trung và các siêu thị lớn, nhờ đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân ở huyện miền núi Tuyên Hóa.

QH: Theo "Báo Nhân dân điện tử"

Các tin khác