Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2805

  • Tổng 1.005.456

Chuyện già làng Hồ Thao

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Con đường dẫn vào bản Lâm Ninh, men theo dòng Long Đại (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) trập trùng xa ngái. Nhưng nay lại trở nên gần gũi với nhiều người dân, đồng bào miền ngược cũng như miền xuôi khi đến tìm già làng Hồ Thao. Ông được bà con trên địa bàn ví như “cây đại thụ” giữa núi rừng, chở che dân bản. Già Hồ Thao có bí quyết gia truyền và trên 50 năm chữa bệnh cứu người bằng thứ dược liệu đặc biệt.

 Duyên nợ với Trường Xuân

Như lời chị Hồ Thị Mão, cán bộ địa chính xã Trường Xuân khi dẫn chúng tôi đến thăm gia đình già làng Hồ Thao: “Người dân bản Lâm Ninh và những ai biết đến già Hồ Thao đều yêu quý và thường gọi ông là già Thu”. Già Hồ Thao là người dân tộc Bru-Vân Kiều, sinh năm 1937, ở Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1962, ông tham gia thanh niên xung phong, rồi trở thành “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1970, Hồ Thao đến địa bàn bản Lâm Ninh thì gặp và nên duyên cùng bà Hồ Thị Nậy (sinh năm 1940), cũng người Vân Kiều. Từ đó đến nay, ông định cư tại đây.

Kể về khoảng thời gian trai trẻ, già Thu nhớ lại: “Lúc đó, bản ít người lắm, tôi là người lính trở về nên dân bản rất quý trọng, nói gì bà con cũng nghe theo, được bầu làm trưởng bản, sau này làm Bí thư chi bộ bản”.

Già Thu vui vẻ điền viên bên vợ và con cháu.
Già Thu vui vẻ điền viên bên vợ và con cháu.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Suốt từ năm 1970 đến năm 2018, Trưởng bản, Bí thư chi bộ Lâm Ninh Hồ Thao “nói được, làm được”, lại có biệt tài “bốc thuốc” chữa bệnh giúp người nên dân bản coi ông như “cây đại thụ” giữa đại ngàn. Nay, tuổi cao, Hồ Thao không làm Trưởng bản nhưng vẫn là người có uy tín nhất đối với đồng bào ở bản làng. Ông nắm chắc tình hình dân bản. Cứ hễ có việc gì liên quan đến bản làng, chúng tôi thường xuyên liên lạc với ông...”.

“Bản Lâm Ninh hiện có 51 hộ, 178 khẩu, sinh sống dựa vào việc trồng, chăm sóc rừng và sản xuất 5ha lúa nước. Ngày xưa, bản thưa thớt, ít người lắm, chi bộ bản cũng chỉ có 3 đảng viên. Bà con ngày đó chỉ biết trông chờ vào chính sách trợ cấp của Nhà nước. Nay, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng lúa tương đương với các thôn trên địa bàn xã (45 tạ/ha). Cuộc sống đồng bào ổn định và khá hơn trước rất nhiều.”, già Thu chia sẻ ngọn ngành.

Miệt mài “bốc thuốc” giúp người bệnh

Trong ngôi nhà khang trang giữa lưng chừng dốc đồi có địa thế “lưng tựa sơn, mặt hướng thủy”, già Thu với cái tuổi “xưa nay hiếm” sống vui vẻ điền viên bên vợ và cháu con, ngày ngày miệt mài tìm cây thuốc để chữa bệnh giúp mọi người. Xung quanh tường nhà xây, già Thu treo nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, treo trang trọng ngay gian giữa ngôi nhà là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng cho người có uy tín của bản Lâm Ninh.

Nụ cười hiền từ, dáng người nhỏ gọn, nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn dẫn chúng tôi ra thăm sân phơi thuốc ở phía sau nhà, già Thu cho hay, đây là thân, cành, rễ các loại cây dược liệu quý được già tìm kiếm trong rừng sâu. Kiểu “bốc” thuốc của già Thu cũng đơn giản, định lượng bằng tay, nhưng dặn dò ân cần, chu đáo. Già Thu chia sẻ: "Nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng nhờ những thứ này mà nhiều người may mắn, phù hợp nên thoát khỏi bệnh tật. Nhất là những ai bị các bệnh về xương khớp, như: thấp khớp, viêm đa khớp, thần kinh vai gáy hay sỏi thận... Ngoài ra, có các sự cố khẩn cấp, như: bị rắn cắn, gãy xương hay bị bỏng... cũng được già hỗ trợ "tạm thời" qua cơn nguy kịch. Nhiều lần, bà con đến đập cửa lúc nửa đêm, già đều thức dậy cứu chữa... Từ trước đến nay, chưa có ca nào phải thất vọng ra về cả”.

Già Thu cho biết, việc bốc thuốc chữa bệnh được ông bà truyền lại từ đời này sang đời khác, già chỉ nhớ đến già là đời thứ 4. Do vậy, rễ, cành, lá và thân cây dược liệu làm thuốc là những cây cỏ trong rừng được già tìm kiếm bằng thói quen và nhận dạng bằng mắt. Hiện nay, vì tuổi cao nên nhiều cây thuốc trên rừng, già không còn nhớ tên.

Đang giữa câu chuyện, thì có một người đến để được đắp thuốc chữa bệnh. Đó là bà Trần Thị Nga, 61 tuổi, ở thôn Bắc Kim Sen, xã Trường Xuân, bị chớm gãy xương cánh tay. Bà Nga cho biết, hôm đầu tiên bị chớm gãy, cánh tay bà sưng gấp đôi bình thường, đau nhức suốt đêm không thể chợp mắt, người nhà phải đưa đến tìm già Thu. Được già Thu thăm khám và đắp thuốc, hôm sau cơn đau dịu dần, cánh tay đã đỡ sưng tấy. Mỗi ngày bà đến đây 1 lần để thăm khám, đắp thuốc và đến hôm nay cánh tay bị gãy của bà đã đỡ đau rất  nhiều. “Nhiều người bị chấn thương tay, chân... tìm đến già Thu đều được cứa chữa khỏi”, bà Nga chia sẻ thêm.

 Bà Trần Thị Nga, ở thôn Bắc Kim Sen bị chớm gãy tay đang được già Thu thăm khám, áp lá thuốc.
Bà Trần Thị Nga, ở thôn Bắc Kim Sen bị chớm gãy tay đang được già Thu thăm khám, áp lá thuốc.

Không chỉ riêng người dân trong bản, trong xã, huyện hay tỉnh, mà đến nay nhiều người ở xa tận Bình Dương, Bình Phước hay thành phố Hồ Chí Minh cũng đến tìm già Thu khi đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình không khỏi.

Qua điện thoại, chúng tôi đã kết nối với anh Phạm Thành Công, ở tỉnh Bình Dương. Anh Công cho biết, anh bị bệnh ở khớp háng, chỏm xương đùi hai bên từ năm 2013, hai chân teo dần, đi lại khó khăn, rất đau đớn. Anh sử dụng nhiều thuốc, liên hệ nhiều bệnh viện, có cả bệnh viện ở nước ngoài và đều được bác sỹ tư vấn phải thay 2 khớp háng. Nhưng gia đình anh cố gắng tìm kiếm khắp nơi và may mắn đã gặp được già làng Hồ Thao.

"Tại đây, sau khi hỏi han bệnh tật, già Hồ Thao bốc thuốc cho tôi. Thuốc của già trông như những “que củi” vậy, nhưng tôi kiên trì nấu nước uống, được khoảng 2 tháng sau thì đỡ dần. Tôi tiếp tục sử dụng thuốc uống của già làng Hồ Thao khoảng 2 năm, cùng với tập luyện, tôi đã đi lại bình thường. Vì công việc nên tôi đã ngừng sử dụng thuốc được khoảng 4 năm rồi nhưng sức khỏe cơ bản ổn định, đi lại, vận động bình thường.”, anh Công chia sẻ.

Trong hơn 50 năm bốc thuốc, chữa bệnh giúp người, suốt cả thời gian dài khi còn sức khỏe để lặn lội vào rừng sâu tự tay tìm kiếm, đào bới các loại rễ cây thuốc, già Thu không lấy đồng tiền công nào của người bệnh. Sau này, vì tuổi cao, sức yếu, không thể tự vào rừng tìm cây thuốc, phải nhờ vào nhiều người khác, nên già Thu có nhận chút ít tiền để chi trả công cán cho những người giúp già vào rừng lấy thuốc và trang trải cuộc sống tuổi già.

Điều già Thu mong được thỏa nguyện trước khi “trăm tuổi” là già sẽ truyền dạy trọn “bí quyết” bốc thuốc, chữa bệnh gia truyền cho người con trai, để tiếp nối mình đi tìm thuốc, chữa bệnh giúp bà con dân bản và mọi người khi gặp phải ốm đau, rủi ro tai nạn... “Tôi hy vọng vào đứa con ngoài việc nhớ hết các bài thuốc gia truyền, còn phải sống có tâm, có đức, bốc thuốc chữa bệnh thì mới có hiệu nghiệm.”, già Thu chia sẻ thêm.                                                                                                                                   

QH: Theo "Báo Quảng Bình"

Các tin khác