Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 538

  • Tổng 963.991

Đổi thay Cà Xen

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Những năm gần đây, nhờ đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, đồng bào Mã Liềng ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa đã có cuộc sống ấm no, bản làng khang trang hơn trước.

 Bản Cà Xen hiện có 57 hộ, 191 khẩu người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) sinh sống. Do chưa quen với điều kiện canh tác mới nên trước đây cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước.

 
Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, đồng bào Mã Liềng ở bản Cà Xen không ngừng nỗ lực vươn lên, chủ động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Vụ đông-xuân năm nay, bản Cà Xen được mùa lúa, nhà nhà đều mừng. Riêng gia đình anh Hồ Bợt làm 5 sào ruộng, thu hoạch được 1,5 tấn lúa.
 
Anh Hồ Bợt phấn khởi nói: “Năm nay, lúa nhiều rồi không lo đói nữa. Vụ vừa rồi gia đình tôi thu được 40 bao lúa, chắc phải bán bớt chứ ăn không hết đâu!”. 
Toàn cảnh bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Toàn cảnh bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Phấn khởi vì được mùa lúa đông-xuân, hiện nay đồng bảo Mã Liềng ở bản Cà Xen đang tích cực sản xuất vụ hè-thu. Hơn 4,3 ha ruộng nước đã được bà con làm đất, xuống gống, không bỏ trống diện tích nào.
 
UBND xã Thanh Hóa bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi để giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào sản xuất đúng thời vụ, kỹ thuật canh tác, triển khai phương án bảo vệ đồng ruộng, không để trâu, bò vào phá hoại.
 
Trưởng bản Cà Xen Hồ Xuân cho biết: “Cứ đến mùa vụ là bà con tự giác đi làm đồng, tự bỏ tiền thuê máy phay đất, cán bộ xã chỉ đôn đốc, hướng dẫn chứ không phải làm thay như trước. Ý thức của bà con đã thay đổi nhiều lắm rồi!”. 
Người dân bản Cà Xen làm đất chuẩn bị xuống giống lúa hè-thu.
Người dân bản Cà Xen làm đất chuẩn bị xuống giống lúa hè-thu.
Không chỉ biết làm ruộng, đồng bào Mã Liềng ở bản Cà Xen bây giờ còn biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn và trồng rừng để nâng cao thu nhập. Hiện cả bản có 40 con trâu, 70 con bò, 14 con heo và 2.000 con gia cầm các loại. Người dân trong bản cũng đã trồng được 45ha rừng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người 22 triệu đồng/năm.
 
Gia đình anh Hồ Chí Thành được cấp 3ha đất rừng để trồng keo, hiện lứa keo đầu tiên đang chuẩn bị thu hoạch, anh Thành ước tính tiền bán keo đợt này được khoảng 250 triệu đồng. 
Ngoài ra, gia đình anh còn nuôi 8 con trâu, bò, làm 8 sào ruộng, mỗi năm thu trên 2 tấn lúa. Anh Thành cho biết không chỉ đủ ăn mà nhiều gia đình trong bản còn mua sắm được xe máy, ti vi... nhờ chăn nuôi và trồng rừng.
 
Kinh tế khá lên, người dân bản Cà Xen cũng ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, vận động con em đến lớp đầy đủ. Hiện cả bản có 74 em trong độ tuổi đi học, một số em học lên đến cấp 3, vào đại học và trung học chuyên nghiệp. Từ bậc THCS trở xuống, không em nào bỏ học giữa chừng, bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hầu hết hộ dân trong bản đều có nhà ở kiên cố, có phương tiện giao thông, nghe nhìn, các vật dụng sinh hoạt thiết yếu. 
Vụ đông-xuân năm nay, gia đình anh Hồ Bợt thu hoạch được 1,5 tấn lúa.
Vụ đông-xuân năm nay, gia đình anh Hồ Bợt thu hoạch được 1,5 tấn lúa.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết: “Điều đáng mừng nhất là đồng bào Mã Liềng ở bản Cà Xen đã dần thay đổi được nhận thức, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, dựa vào bao cấp của nhà nước. Người dân đã biết tự mình vươn lên, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt hơn. Đối với sản xuất, trước đây, hàng năm, xã phải huy động lực lượng vào làm giúp cho bà con, nhưng hiện nay bà con đã tự mình làm được, cán bộ xã chỉ đến kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn một phần”.
 
Bản Cà Xen hôm nay khang trang, sạch đẹp, người dân sống chan hòa, no ấm. Đó là cả một quá trình nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây cùng với sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương. Thời gian tới, cuộc sống của đồng bào nơi đây sẽ tiếp tục có những "trang mới".
 
Ban Biên tập

Các tin khác