Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 602

  • Tổng 964.055

Khát vọng thoát nghèo của Kim Thủy

Xem với cỡ chữ : A- A A+

             Kim Thủy là xã miền núi rẻo cao của huyện Lệ Thủy. Những năm qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng tại địa phương. Thành quả ấy không chỉ nhờ vào sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách thiết thực mà còn có sự cố gắng nỗ lực, vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhưng, trong hành trình thoát nghèo ấy, Kim Thủy vẫn còn những khó khăn, thách thức để đích đến với ấm no vơi bớt nhọc nhằn…

 Thay đổi tư duy để… đổi đời!

 
Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống trên hành trình chúng tôi đến với Kim Thủy như xoa dịu đi cái nóng bức, oi ả của những ngày tháng 8. Đường 16 dẫn vào xã thênh thang và dễ đi hơn trước.
 
Đã hẹn trước với lãnh đạo địa phương nên khi gặp chúng tôi ngay tại con dốc vào trụ sở xã, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Tuyên đã bắt tay hồ hởi: “Đồng bào miềng những năm qua đã có nhiều thay đổi lắm, bớt phụ thuộc dần vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước, nhất là đã thay đổi trong tư duy để phát triển kinh tế, tiến tới làm giàu…”.
 
Minh chứng cho những lời nói này, chúng tôi đã có một ngày rong ruổi ở những bản xa xôi tại địa phương để được tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong tư duy, cung cách làm kinh tế của bà con đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều.
 
Theo chân cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Kim Thủy Hồ Văn Thắng, chúng tôi đi vào bản Hà Lẹc. Đường vào bản nhiều dốc, quanh co nhưng vừa được bê tông hóa từ các chương trình, dự án của Nhà nước nên cũng rất dễ đi. Hai bên đường, những rừng keo mới trồng đang lên xanh tốt, tạo cảm giác yên bình, ấm no.
 
Gần 30 phút vượt đường rừng dưới cơn mưa chiều, chúng tôi đã có mặt ở Hà Lẹc. Đón chúng tôi bên bậc cầu thang nhà sàn, ông Hồ Thắng (56 tuổi) cười lớn bảo rằng: “Miềng có làm được chi đâu mà nhà báo muốn viết. Có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ miềng tìm hiểu, học hỏi cách làm ăn thông qua tivi, cán bộ xã và người miền xuôi mà thôi…!”
 
Theo chia sẻ của ông Hồ Thắng, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở vùng Hà Lẹc này cũng như bao thế hệ trước, chỉ quen dựa vào rừng và phát nương, làm rẫy để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Nhiều năm trước, họ chưa biết cách trồng lúa nước và hầu như cũng chẳng biết trồng cây keo, tràm, hồ tiêu nên cuộc sống rất khó khăn.
 
Ông Hồ Thắng cũng chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của gia đình miềng rất vất vả, làm cả năm mà cũng chỉ đủ ăn trong vòng một tháng. Nhưng giờ cuộc sống của gia đình miềng đã khấm khá hơn nhờ vào việc đầu tư trồng rừng kinh tế, trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi”.Đến nay, gia đình ông đã trồng được 3ha rừng keo, nuôi 4 con dê, 200 con gà, trồng hơn 100 gốc tiêu và 50 cây ăn quả… Cuộc sống gia đình ông bây giờ không còn lo đói và cũng khấm khá nhất bản Hà Lẹc.
 
Trong câu chuyện với ông Hồ Thắng, chúng tôi được biết rằng, ngoài là người tiên phong trong phát triển kinh tế ở Hà Lẹc, ông còn có một rừng huỵnh đã trồng được gần 30 năm nay đang lên xanh tốt.
 
“Gia đình miềng trồng rừng huỵnh này từ năm 1993. Lúc đó, hàng ngày, miềng đi rừng, cứ gặp cây huỵnh con là bứng đem về nhà trồng dọc theo rẫy lúa nương. Gần 30 năm vun trồng, rừng huỵnh hiện đã có hơn 200 cây lớn nhỏ, trong đó, cây lớn nhất có đường kính hơn 30cm, giá trị của rừng huỵnh này cũng có cả trăm triệu rồi…”, ông Hồ Thắng tươi cười chia sẻ.
Ông Hồ Thắng bên một góc rừng huỵnh gần 30 năm tuổi của mình.
Ông Hồ Thắng bên một góc rừng huỵnh gần 30 năm tuổi của mình.
Rời Hà Lẹc, ngược đường 16, trên hành trình về xuôi, chúng tôi ghé nhà ông Hồ Văn Quang, ở bản Bang. Ông Hồ Văn Quang (57 tuổi) là Bí thư chi bộ và là người có uy tín trong bản. Ông được dân bản Bang gọi là “Quang liều”.
 
Theo chia sẻ của Hồ Văn Quang, hơn 20 năm về trước, cũng như mọi người, gia đình ông cũng sinh sống bằng tập quán cũ là đốt nương, làm rẫy. Nhưng, nhờ sự vận động, giải thích của cán bộ, ông đã nhận ra những thuận lợi của địa phương mình. Từ đó, ông quyết tâm đầu tư mô hình trồng rừng gắn với chăn nuôi để làm giàu.
 
“Ngày đó, mới lấy vợ, miềng đã dám liều ra ngân hàng vay vốn ưu đãi được 1,5 triệu đồng, có tiền miềng tậu ngay 2 con bò giá 1,3 triệu đồng rồi đưa về nhà. Vợ bảo lấy tiền mô mà mua bò, miềng bảo vay của ngân hàng, rồi vợ nói lấy tiền đâu mà trả, miềng đánh liều bảo để đó…!”, Hồ Văn Quang cho biết.
 
Từ câu nói “để đó” mà chỉ 3 năm sau ông Quang đã trả hết nợ và trong suốt hơn 20 năm qua, ông đã xây dựng cho gia đình mình một mô hình kinh tế tổng hợp có quy mô với 11ha rừng keo, đàn bò 20 con cùng nhiều cây ăn quả. Những con số nhiều ý nghĩa ấy là kết quả từ sự nỗ lực của gia đình ông Quang trong mạnh dạn từ bỏ lối canh tác lạc hậu, tìm ra một con đường mới cho bà con dân bản Bang học tập và làm theo.
 
Khát vọng trên đất khó…
 
Theo ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, toàn xã có 1.200 hộ với 4.200 nhân khẩu (trong đó, đồng bào Bru-Vân Kiều chiếm 65%); tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm gần 36% ; 3 bản biên giới gồm: Ho-Rum, Trung Đoàn, Mít-Cát, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 90%; xã mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm… Những con số này cho thấy hành trình thoát nghèo của Kim Thủy còn nhiều khó khăn, thách thức.
 
Hiện tại, khó khăn mà Kim Thủy đang gặp phải chính là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5-7% và tăng mức thu nhập lên 25-27 triệu đồng/người/năm.
 
Theo lý giải của ông Tuyên, hiện nay, Kim Thủy có 12 thôn, bản và một cụm dân cư, được chia thành 2 vùng riêng biệt, đó là vùng trong và vùng ngoài. Vùng ngoài là các thôn, bản ở vùng trung tâm xã có giao thông thuận tiện, đất đai màu mỡ nên việc phát triển kinh tế tương đối thuận lợi, do vậy, đời sống của bà con khấm khá hơn. Còn vùng trong là các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất không có nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đã ảnh hưởng chung đến công tác giảm nghèo bền vững của Kim Thủy.
 
“Gánh nặng và khó khăn lớn nhất mà Kim Thủy đang gặp phải là tình trạng người dân thiếu đất sản xuất. Trong đó, tại 3 bản biên giới hiện giờ hầu như các hộ dân vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là do đất bà con canh tác manh mún, lấn chiếm. Bên cạnh đó, địa phương rất cần các cấp ngành hỗ trợ các mô hình cho bà con phát triển sản xuất, hỗ trợ các thiết chế văn hóa và xây dựng đường giao thông vào các vùng sản xuất…”, ông Tuyên chia sẻ.
 
Nhiều giải pháp để tăng mức thu nhập, phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương vừa được Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã Kim Thủy thông qua với những mục tiêu, định hướng lớn, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tập trung phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, trong đó, chú trọng trồng rừng gỗ lớn… Hy vọng với những giải pháp căn cơ, Kim Thủy sẽ ngày càng phát triển, thoát nghèo.
 
QH: Theo "Báo Quảng Bình"

Các tin khác