Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 2111

  • Tổng 1.227.386

VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 12

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trích - Nghị quyết Bộ Chính trị về chính sách dân tộc thiểu số của Đảng hiện nay (Tháng 8/1952)
 

 

 

 

I. SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT-NAM

Ở Việt-nam, ngoài dân tộc Kinh, còn có nhiều dân tộc thiểu số: Thổ, Thái, Mường, Mèo, Mán, Nùng, Ngái (ở Bắc-bộ) Ra-đê, Ba-na, Xê-đăng, Cheo-reo, Chàm, Gia-lai, Nông, Lô-lô (ở Trung-bộ) Miên, Nông (ở Nam-bộ) v.v... Tất cả trên 30 giống người, tổng số ước hơn 2 triệu, chiếm 1/10 dân số toàn quốc, ở rải rác khắp các miền rừng núi rộng hơn 40% diện tích toàn quốc, tập trung nhiều nhất ở miền Thượng du Bắc-bộ và Tây nguyên Trung-bộ.

Bị áp bức, bóc lột, dưới chế độ thuộc địa hơn 80 năm và chế độ phong kiến (thổ ty, lang đạo, phìa tạo, cà rá) từ lâu đời các dân tộc miền núi bị thiếu thốn khổ cực về mọi mặt. Trình độ chính trị, kinh tế, văn hóa của họ nói chung còn rất thấp kém. Giữa các dân tộc thiểu số trình độ cũng chênh lệch nhau: có những dân tộc thiểu số trình độ không kém người Kinh bao nhiêu như người Thổ, người Nùng ở Cao-bằng, Lạng-sơn v.v... cũng có dân tộc thiểu số còn rất lạc hậu, như người Lô-lô, người Mèo, người Mán ở một vài nơi. Kinh tế miền rừng núi là kinh tế tự nhiên, có tính chất tự cung tự cấp. Lối canh tác còn thô sơ, dụng cụ thiếu thốn, tiểu công nghệ và thương mại chưa phát triển.

Phong tục tập quán lạc hậu và mỗi nơi một khác. Trong nhân dân còn nhiều mê tín, dị đoan. Cách ăn ở thiếu vệ sinh, thêm vào đó sự áp bức dã man của thực dân Pháp, đã khiến một số chủng tộc bị tiêu mòn dần như: Mán, Sá-pho, người Lô-lô, người Chàm, người Quầy-châu.

Từ khi thực dân Pháp chiếm nước ta, chúng cấu kết với bọn phong kiến địa phương, thẳng tay áp bức bóc lột đồng bào thiểu số. Chính sách của chúng là đánh sưu cao, thiếu nặng, duy trì những hình thức bóc lột phong kiến, chia rẽ dân tộc thiểu số này với dân tộc thiểu số khác, chia rẽ các dân tộc thiểu số với người Kinh. Đầu độc các dân tộc thiểu số bằng thuốc phiện, rượu cồn, v.v... Nhiều lần các dân tộc thiểu số đã cùng người Kinh nổi dậy chống bọn cướp nước. Trong chiến tranh thế giới thứ hai nhân dân miền núi đã đoàn kết với nhân dân miền xuôi, chống phát-xít Nhật - Pháp và tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ Tịch và của Đảng Cộng sản Đông-dương, họ đã cùng nhân dân miền xuôi khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra nước Việt-nam dân chủ cộng hoà.

Cách mạng tháng Tám đã làm cho đồng bào miền núi thoát khỏi ách thực dân, được tự do về chính trị và đời sống tương đối được cải thiện. Do đó mối quan hệ thân ái như anh em giữa các dân tộc trong nước Việt-nam ngày thêm mật thiết. Đó là một sự thay đổi lớn trong lịch sử của các dân tộc ở Việt-nam.

Hiện nay, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đang xâm lược lại Việt-nam. Chúng ra sức thi hành chính sách mua chuộc, lừa bịp, chia rẽ, đàn áp, hăm dọa, gây hằn thù giữa các dân tộc, nhằm mục đích phá hoại khối đại đoàn kết của các dân tộc ở Việt-nam hòng chiếm lại Việt-nam. Chúng lập ra các xứ tự trí giả hiệu như "xứ Thái", "xứ Tây-kỳ", lăm le khôi phục lại "xứ Mường tự trị", "xứ Nùng tự trị"; dùng bọn bù nhìn thiểu số để vơ vét nhân lực, vật lực của các dân tộc miền núi sống dưới ách của chúng. Nhưng các dân tộc ở Việt-nam lại đoàn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết, kiên quyết kháng chiến cùng đặng tiêu diệt quân xâm lược, giành lấy tự do, độc lập, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc và bảo vệ hoà bình thế giới.

II- MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA ĐẢNG

Từ khi Đảng ta thành lập (1930) đến nay, tuy chưa có chính sách cụ thể đối với các dân tộc thiểu số, nhưng cương lĩnh chung của Đảng đã rõ: đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung.

Tháng 2 năm 1951, Đại hội Đảng đã quyết nghị:

"Các dân tộc sống trên đất Việt-nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc.

Kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đánh đổ âm mưu gây thù hằn chia rẽ dân tộc của đế quốc và lũ việt gian.

Cải thiện đời sống cho các dân tộc thiểu số, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương thiểu số".

Do đường lối đúng đắn của Đảng và do sự cố gắng hoạt động của cán bộ, công tác vận động các dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều thành tích: nói chung Đảng đã đoàn kết được các dân tộc ở Việt-nam, lãnh đạo được các dân tộc thiểu số và đa số nổi dậy chống Nhật - Pháp trước đây và hiện nay đang lãnh đạo họ tích cực tham gia kháng chiến chống đế quốc xâm lược, việt gian bù nhìn và tiễu trừ thổ phỉ. Được thoát khỏi ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân và nhờ chính sách tăng gia sản xuất, giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất, v.v... của Đảng và Chính phủ, nên mặc dầu trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, các dân tộc thiểu số cũng như dân tộc đa số ở vùng tự do đã được cải thiện đời sống phần nào. Đồng bào thiểu số được học tập văn hoá và chính trị trình độ được nâng cao dần.

Đối với thổ ty, lang đạo v.v... ta đã thuyết phục được một số đi theo kháng chiến, ủng hộ chính quyền dân chủ nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích và ưu điểm đó, chúng ta còn mắc nhiều khuyết điểm như dưới đây:

1- Coi nhẹ công tác đoàn kết các dân tộc: chủ quan, coi thường những mưu mô chia rẽ của giặc. Không kiên nhẫn giáo dục nhân dân để xoá bỏ những thành kiến cũ và giải quyết những mâu thuẫn, xích mích giữa các dân tộc. Đôi khi còn có những hành động vô ý trong việc trừ gian, diệt tề ở một vài vùng tạm bị chiếm, đem người ở dân tộc thiểu số này đi trừ bạn phản động trong dân tộc thiểu số kia và sau khi trừ gian, không giải thích cho nhân dân để nhân dân hiểu lầm do đó thành kiến dân tộc càng tăng thêm (Sơn-la, Lai-châu, Lào-cai).

2- Vận động dân tộc thiểu số lệch một chiều: chưa vận động được sâu rộng quần chúng cơ sở trong vùng dân tộc thiểu số, thường chỉ tuyên truyền hời hợt bề ngoài hoặc chỉ chú ý lôi kéo thổ ty, lang đạo. Trái lại cũng có nơi chỉ chú trọng vận động quần chúng đấu tranh chống thổ ty, lang đạo mà không chú ý lôi kéo tầng lớp này để mở rộng đoàn kết kháng chiến.

3- Ở vùng bị tạm chiếm, nhiều nơi cán bộ chưa tích cực khắc phục khó khăn để phát triển cơ sở trong những vùng dân cư tương đối đông đúc (Sơn-la, Lai-châu, v.v...) ở những vùng dân cư tương đối đông đúc đã gây được cơ sở thì cán bộ lại xao lãng việc vận động các dân tộc sống lẻ tẻ trong rừng sâu hay trên núi cao (Cao-bằng, Bắc-cạn, Lạng-sơn, v.v...).

4- Chưa tích cực giúp đỡ đồng bào thiểu số cải thiện đời sống. ít quan tâm đến quyền lợi thiết thực của quần chúng thiểu số. Chỉ chăm chú bắt họ nộp thuế, đi dân công, v.v... mà ít chú ý giúp đỡ họ những phương tiện cần thiết để gia tăng sản xuất, hoặc tiếp tế vải muối, thuốc men, phát triển bình dân học vụ, giáo dục văn hoá, chính trị cho họ, v.v... Không những thế, có nơi cán bộ còn đầu cơ, buôn rẻ bán đắt cho đồng bào thiểu số, gây nên thành kiến và tâm lý bất mãn trong đồng bào.

5- Cán bộ hoạt động trong các vùng dân tộc thiểu số nhất là cán bộ miền xuôi, lên công tác miền ngược thường còn nhiều thắc mắc về tư tưởng, không yên tâm công tác, do đó không chú ý điều tra, nghiên cứu kỹ tình hình địa phương về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để hiểu rõ những đặc điểm của từng địa phương, nguyện vọng, trình độ của đồng bào thiểu số ở từng vùng để đặt khẩu hiệu tuyên truyền vận động, hình thức tổ chức và đấu tranh cho thích hợp; thường hay mắc bệnh đại khái và có tư tưởng tạm bợ; không chịu tổng kết kinh nghiệm để cải tiến công tác và đề nghị lên Trung ương bổ sung chính sách vận động dân tộc thiểu số; không học tiếng địa phương đề gần gụi, hiểu biết đồng bào địa phương và để vận đồng đồng bào.

6- Nóng nảy, vội vàng, áp dụng máy móc kinh nghiệm của miền xuôi lên miền ngược, của vùng dân tộc thiểu số tương đối tiến bộ hơn vào vùng dân tộc thiểu số còn non kém. Có nơi không tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân. Coi thường khả năng tự giải phóng của quần chúng nhân dân vùng dân tộc thiểu số. Làm việc gì thường không kiên nhẫn giác ngộ quần chúng, không phát động quần chúng để họ tự giác, tự nguyện thi hành chính sách; trái lại thường dùng lối mệnh lệnh ép buộc (Sơn-hà, Quảng-ngãi).

7- Chưa chú trọng việc đào tạo cán bộ địa phương. Cán bộ nơi khác đến thường có tư tưởng ban ơn cho quần chúng, bao biện và ba hoa, chưa hết lòng hết sức phục vụ nhân dân địa phương, nên chưa đoàn kết được với cán bộ địa phương, chưa được đồng bào địa phương mến phục.

8- Vì thiếu điều tra nghiên cứu tình hình các vùng dân tộc thiểu số và những kinh nghiệm vận động dân tộc thiểu số ở các địa phương, nên Trung ương chậm đề ra chính sách cụ thể để đẩy mạnh công tác vận động dân tộc thiểu số.

Do những khuyết điểm, sai lầm trên đây nên ta chưa phát huy được tinh thần yêu nước và khả năng của đồng bào thiểu số đến cao độ, để đồng bào có thể góp sức nhiều hơn nữa vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Cũng do những khuyết điểm sai lầm của ta, nên giặc Pháp đã lôi kéo được một số thổ ty, lang đạo lừa gạt được một số nhân dân miền núi ở một vài nơi.

III- CHÍNH SÁCH DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA ĐẢNG

Để sửa chữa những khuyết điểm nói trên và đẩy mạnh công tác vận động dân tộc thiểu số, chúng ta phải nhận thức và giải quyết vấn đề như thế nào?

Việc vận động các dân tộc thiểu số là một trong những công tác quan trọng vào bậc nhất của Đảng, Mặt trận và Chính phủ. Chính sách dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong chính sách đại đoàn kết của Đảng.

Thật thế, về mặt chính trị, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước kia cũng như trong cuộc kháng chiến ngày nay, các dân tộc thiểu số luôn luôn cùng dân tộc Kinh đoàn kết để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến không thể không bao gồm các dân tộc thiểu số.

Mới đây, theo lệnh của Pháp - Mỹ, bọn bù nhìn đã thành lập cơ quan phụ trách các dân tộc thiểu số, nhằm mục đích tranh thủ các dân tộc đó với ta.

Về mặt kinh tế, những vùng dân tộc thiểu số ở hầu hết là những vùng có nhiều nguyên liệu và lâm thổ sản những vùng đó hiện đang đóng một vai trò đáng kể trong việc tăng gia sản xuất, đảm bảo cung cấp và sẽ góp một phần quan trọng vào việc kiến thiết kinh tế quốc dân. Đối với thực dân Pháp những vùng dân tộc thiểu số là những vùng mà chúng nhằm để thực hiện một phần chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của chúng.

Về mặt quân sự, những vùng dân tộc thiểu số rừng núi hiểm trở, phần nhiều sát biên giới các nước láng giềng như Trung-quốc, Lào, Miên. Những căn cứ kháng chiến phần nhiều cũng ở các vùng dân tộc thiểu số. Và hiện nay đế quốc Pháp, Mỹ đang nhằm vào các vùng đó để tuyển mộ nguỵ binh, xây dựng căn cứ chống lại kháng chiến, phá hoại chế độ dân chủ nhân dân của ta, đồng thời dùng làm bàn đạp chống kháng chiến Miên, Lào và chuẩn bị tiến công Trung-quốc.

Bởi thế, vấn đề vận động các dân tộc thiểu số hiện nay là một vấn đề rất quan trọng.

Căn cứ vào chính sách chung đối với dân tộc thiểu số trong chính cương của Đảng, và tình hình cụ thể của các dân tộc thiểu số trng nước ta hiện nay, căn cứ vào nhu cầu của cuộc kháng chiến kiến quốc và kinh nghiệm vận động các dân tộc thiểu số của ta, Trung ương đề ra chính sách cụ thể đối với dân tộc thiểu số như dưới đây:

1- Phương châm vận động dân tộc thiểu số:

a) Phương châm chung:

Kiên nhẫn, thận trọng và chắc chắn:

Cán bộ hoặc bộ đội được phái đến công tác ở các vùng dân tộc thiểu số phải quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, chịu đựng mọi gian khổ, kiên nhẫn vận động quần chúng.

Trong mọi công tác, phải điều tra nghiên cứu nắm tình: đề ra chủ trương gì phải căn cứ vào trình độ giác ngộ của quần chúng và vận động quần chúng tự giác, tự nguyện thi hành, không được dùng mệnh lệnh ép buộc.

Việc gì cũng phải có kế hoạch, tiến hành từng bước một và có trọng tâm.

b) Phương châm cụ thể:

1- Mở rộng và làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số với bọn đế quốc xâm lược, làm cho các dân tộc đó căm thù đế quốc đến cực điểm.

2- Thu hẹp và xoá bỏ những mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số với nhau và giữa các dân tộc thiểu số với nhau và giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh.

3- Điều chỉnh và giải quyết một cách thoả đáng những mâu thuẫn nội bộ của mỗi dân tộc thiểu số (giữa nhân dân lao động và thổ ty, lang đạo, phìa tạo, cà rá); nắm vững chủ trương đoàn kết kháng chiến, nhưng đồng thời phải đấu tranh chống những tư tưởng, hành động sai lầm và ngoan cố của từng lớp trên.

2- Nội dung chính sách cụ thể đối với dân tộc thiểu số

a- Về chính trị:

1- Đoàn kết các dân tộc để kháng chiến và kiến quốc:

- Củng cố và phát triển khối đoàn kết các dân tộc. Mọi hoạt động đều phải nhằm vào việc tập trung lực lượng toàn dân kháng chiến tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, đánh đổ bọn Việt gian bù nhìn, giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho các dân tộc ở Việt-nam.

- Tăng cường việc giáo dục tinh thần yêu nước của các dân tộc; phá tan âm mưu chia rẽ của giặc; vạch cho mọi người hiểu rõ kẻ thù chung của các dân tộc ở Việt-nam là thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bọn Việt gian bù nhìn, còn các dân tộc sống trên đất nước Việt-nam, dù đa số hay thiểu số đều là anh em. Phải đối đối với nhau một cách bình đẳng và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến và cải thiện sinh hoạt.

- Giải quyết hợp lý những mâu thuẫn giữa các dân tộc. Giải quyết mọi thắc mắc của họ, dùng mọi hình thức thông thường thích hợp để các dân tộc có dịp gần gũi nhau, như mở hội nghị liên hoan trong những ngày kỷ niệm lớn hay tổ chức phái đoàn đi thăm, gồm đủ đại biểu các dân tộc, lập hội đổi công, hợp công, hội mua bán giúp nhau, v.v... để dần dần xoá bỏ thành kiến và hằn thù giữa các dân tộc do thực dân Pháp gây nên. Đề cao tinh thần tự tin của các dân tộc, nhưng đồng thời phải phá tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc nọ hằn thù, khinh miệt dân tộc kia.

- Về công tác vận động quần chúng cần nắm vững phương châm thật thà đoàn kết, nắm vững quần chúng cơ bản chủ yếu là nông dân; phát triển lực lượng tiến bộ, lôi kéo những phần tử ở lớp trên, cô lập và đánh bại bọn phản động, bọn đi theo Pháp chống kháng chiến, làm hại nhân dân.

Việc vận động quần chúng đấu tranh chống những thủ đoạn bóc lột của thổ ty, lang đạo, phìa tạo, cà rá phải rất thận trọng: chỉ khi nào ta tuyên truyền cho quần chúng đã giác ngộ quyền lợi cho họ, mới phát động quần chúng đấu tranh. Trước khi phát động đấu tranh phải điều tra nghiên cứu, đặt kế hoạch báo cáo lên cấp trên và xin chỉ thị

2- Vấn đề các dân tộc thiểu số tham gia chính quyền:

- Để thực hiện đầy đủ nguyên tắc các dân tộc bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, chính quyền ở xã phải gồm đủ đại biểu các dân tộc trong xã. Từ xã đến tỉnh tuỳ theo nhân số các dân tộc ở địa phương nhiều hay ít mà định số đại biểu các dân tộc đó tham gia chính quyền. (Nhưng cũng có khi ở địa phương có một dân tộc nào đó tính nhân số thì rất ít, song cũng cấn có đại biểu trong chính quyền để đảm bảo đoàn kết và thi hành chính sách cho khỏi thiên lệch). Đặt nghĩa vụ đóng góp công bằng cho các dân tộc, tuy nhiên không nên máy móc đặt mức nhất loạt mà phải châm chước đối với các dân tộc trình độ sinh hoạt và giác ngộ còn thấp kém quá.

- Vận động nhân dân lựa chọn những phần tử tích cực trong thành phần trung, bần, cố nông vào các cơ quan chính quyền đồng thời cũng đưa một số ít thổ ty, lang đạo thương đối tiến bộ, có uy tín trong nhân dân tham gia chính quyền. Nếu cần thiết lắm thì cán bộ người Kinh mới tham gia cơ quan chính quyền địa phương, còn thường thường chỉ nên giúp đỡ các đại biểu chính quyền địa phương và dần dần làm cho cơ quan chính quyền ở các địa phương đó hoàn toàn do đại biểu của các dân tộc thiểu số đảm nhiệm.

- Các Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh và Liên khu ở những nơi có dân tộc thiểu số cần tổ chức các ban chuyên môn cho thích hợp với việc giúp Uỷ ban giải quyết những yêu cầu thiết thực của các dân tộc thiểu số.

- Ở những xã thiểu số mới được giải phóng, cơ sở quần chúng và cơ sở Đảng chưa có hoặc còn non kém mà thổ ty, phìa tạo còn nhiều uy tín trong nhân dân, thì trong thời gian đầu có thể tạm thời để nguyên những chức thổ ty, phìa tạo ấy. Đồng thời nên có chương trình giáo dục chính trị thường thức cho nhân dân, để dần dần chính quyền địa phương nơi nào đều do nhân dân nơi ấy chính thức bầu ra. Trong khi chưa có Hội đồng nhân dân cần tổ chức những hội nghị đại biểu nhân dân để quần chúng có dịp tham gia bàn bạc công việc chính quyền.

- Nếu có mâu thuẫn xảy ra giữa các dân tộc thì chính quyền và Mặt trận Liên Việt điều giải công bằng giúp các dân tộc tự kiểm thảo để sửa chữa khuyết điểm không xâm phạm mà trái lại tôn trọng quyền lợi của nhau. Đó là công việc thiết thực để đoàn kết các dân tộc.

3- Vận động quần chúng:

Khi mới đến một địa phương thiểu số vận động, cần gây cho quần chúng ở đó có ý thức đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược can thiệp Mỹ và bọn Việt gian, thổ phỉ; không nên vận động quần chúng chống lại thổ ty lang đạo. Lúc đưa quần chúng ra đấu tranh chống những tên thổ ty, lang đạo, phìa tạo, cà rá làm Việt gian, thổ phỉ thì chỉ cần nêu khẩu hiệu đấu tranh chống bọn Việt gian, thổ phỉ đã làm tay sai cho giặc và đã làm hại nước, hại dân. Đồng thời nêu rõ tội ác những tên phản quốc ấy cho dân rõ.

- Việc tổ chức quần chúng cũng không nên làm vội. Cần tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng, khi quần chúng giác ngộ có ý thức tổ chức thì mới thành lập các tổ chức họp với trình độ của họ. Hình thức tổ chức cần giản đơn để quần chúng dễ hiểu, dễ sinh hoạt. Lúc đầu chỉ nên lập Liên Việt và các đoàn đổi công, hợp công, hoặc hội mua các thứ cần dùng hàng ngày và bán các sản phẩm, v.v... để quần chúng thấy rõ lợi ích thiết thực mà vui vẻ tham gia các tổ chức đó. Trong quá trình vận động thành lập những tổ chức nói trên, có thể tuỳ điều kiện mà tổ chức Hội Nông dân cứu quốc sớm hay muộn. Khi quần chúng đã tương đối tiến bộ và điều kiện cán bộ cho phép thì sẽ lập ra tổ chức thanh niên, phụ nữ và thiếu nhi.

- Cần vận dụng những tổ chức quần chúng để động viên nhân dân cải thiện sinh hoạt, để giáo dục nghĩa vụ kháng chiến, giáo dục ý thức phòng gian bảo vệ bí mật cho nhân dân. Ở vùng tạm bị chiếm thì cần vận dụng các tổ chức ấy để động viên nhân dân chống mọi áp bức bóc lột của giặc và gây tinh thần kháng chiến cho nhân dân.

4- Lôi kéo tầng lớp trên:

- Vận động quần chúng nhân dân, tranh thủ quần chúng cơ bản trong dân tộc thiểu số là chính; nhưng đồng thời cũng phải tranh thủ và đoàn kết với tầng lớp trên (thổ ty, lang đạo, phìa tạo, cà rá), vì họ còn nhiều ảnh hưởng trong nhân dân miền núi.

- Giải thích cho họ hiểu rõ chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ Tịch, Chính phủ và Mặt trận. Vận động họ tham gia kháng chiến ủng hộ Chính phủ. Song kẻ nào ngấm ngấm phá hoại đoàn kết, phá hoại kháng chiến, cấu kết với địch, liên lạc với thổ phỉ, mà sau khi đã được khuyên bảo và cảnh cáo vẫn không nghe, thì chính quyền nhân dân phải trừng trị.

5- Đối với nguỵ binh và gia đình nguỵ binh:

- Đối với nguỵ binh, phải vận động tuyên truyền làm cho nguỵ binh tan rã, kêu gọi nguỵ binh về với Chính phủ để kháng chiến chống kẻ thù chung của dân tộc là bọn xâm lược Pháp - Mỹ và bọn Việt gian bù nhìn.

- Đối với gia đình nguỵ binh, không làm phiền không xách nhiễu, không làm hại. Chẳng những thế nếu gia đình nguỵ binh nào gặp khó khăn, ta có thể giúp đỡ một cách đúng mực. Đó là một cách thiết thực để tuyên truyền giáo dục gia đình nguỵ binh đặng lôi kéo nguỵ binh.

- Bắt được nguỵ binh người thiểu số, nên giáo dục ngắn hạn rồi thả ngay. Có thể qua những tù binh được tha đó mà tuyên truyền tranh thủ quần chúng. Kiên quyết thi hành chính sách tù binh, không đánh đạp, không ngược đãi, không giết bừa.

6- Vấn đề đàn áp bọn phản cách mạng:

- Đối với bọn Việt gian cố tâm bán nước, hại dân không chịu hối cải, phải kiên quyết trừng trị. Nếu chúng biết hối cải và lập công chuộc tội, sẽ được xét xử theo chính sách khoan hồng của Hồ Chủ Tịch và Chính phủ.

- Đối với những tên Việt gian là thổ ty, lang đạo còn có nhiều ảnh hưởng trong nhân dân, thì tuỳ theo tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc mà xử sớm hay muộn nặng hay nhẹ. Trước khi xử, phải báo cáo và xin chỉ thị và trong khi xử phạt phải phát động quần chúng tham gia việc xử.

- Đối với những tên phản động có quân đội chống lại kháng chiến hoặc vũ trang nổi loạn, thì áp dụng phương châm kêu gọi trước, nếu không hàng, mới đánh mà đã đánh thì kiên quyết tiêu diệt cho bằng được.

- Những kẻ vì lầm đường theo giặc, hoặc bị giặc ép buộc đi theo chúng, nay tỏ ra thành thật hối cải, trở về với Tổ quốc thì sẽ được đảm bảo quyền tự do.

- Việc trừng trị những tên Việt gian người thiểu số phải công khai trước nhân dân, chứng cớ phải xác nhận làm theo pháp luật và có nhân dân tham dự, không được làm ẩu, làm bừa.

7- Vấn đề đào tạo cán bộ địa phương:

- Khi mới bắt đầu công tác ở một địa phương, cố nhiên cầu cán bộ nơi khác đến giúp đỡ. Nhưng muốn hiểu rõ tình hình và mau vận động được quần chúng nhân dân địa phương, đồng thời làm cho phong trào địa phương do người địa phương tự đảm nhiệm, thì cần gấp rút đào tạo cán bộ địa phương. Có cán bộ địa phương làm việc sẽ làm cho nhân dân nơi đó không nghi ngờ, hoặc hiểu lầm là bị người Kinh đến "cai trị".

- Muốn có cán bộ dân tộc thiểu số thì mỗi cán bộ nơi khác đến phải kèm một hay hai cán bộ địa phương để dìu dắt họ ngay trong công tác thực tế. Trong tổ chức quần chúng hoặc chính quyền, nên để họ làm chánh, mình làm phó hoặc nếu cần thì mình làm chánh, họ làm phó, song dù ở chức vụ gì chăng nữa, cán bộ nơi khác đến cũng chỉ nên làm nhiệm vụ giúp đỡ cán bộ địa phương chứ không nên bao biện, làm một mình. Đồng thời lựa một số thanh niên nam nữ tích cực công tác mở lớp huấn luyện, đào tạo họ thành cán bộ.

- Hiện giờ có một số thanh niên thiểu số làm việc ở các cơ quan hay ở bộ đội. Nên lựa một số người có thành tích cho vào học các trường riêng của người miền núi. Nên dạy họ học cả văn hoá và chính trị để rồi đây họ trở thành cán bộ cốt cán ở các địa phương miền núi.

Nếu không làm được như vậy thì không thể thực hiện đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng đối với các dân tộc thiểu số.

b- Về kinh tế:

Một điều cần chú ý là hiện nay ta chưa chủ trương thủ tiêu chế độ bóc lột phong kiến ở miền núi mà mới hạn chế dần dần chế độ đó một cách thận trọng, vì trình độ của quần chúng còn thấp kém và ảnh hưởng của tầng lớp phong kiến (thổ ty, lang đạo, v.v...) còn mạnh trong nhân dân.

Tuỳ nơi, tuỳ lúc, căn cứ vào trình độ giác ngộ và nguyện vọng trước mắt của quần chúng mà vận động hạn chế sự bóc lột phong kiến của thổ ty, lang đạo... Việc làm cần có trọng điểm, thí dụ: ở nơi nào, đòi giảm nhẹ mọi hình thức bóc lột nhất định nào đó, v.v... phải lấy việc kiên nhẫn giác ngộ quyền lợi cho quần chúng phát động quần chúng để tự họ đấu tranh là chính không nên làm thay và ban ơn cho quần chúng. Đi đôi với việc vận động quần chúng đấu tranh, phải thuyết phục thổ ty, lang đạo để họ tự nguyện giảm bớt bóc lột.

Cần chú trọng thi hành những công tác cụ thể dưới đây:

1- Việc cần làm ngay là vận động thực hiện xong xuôi việc tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian cho dân cày không ruộng hoặc ít ruộng; đồng thời giúp họ phương tiện canh tác.

Đối với những việc tranh chấp ruộng đất hiện nay chú trọng điều giải nhiều hơn để vừa có lợi cho nông dân, vừa không hại cho đoàn kết kháng chiến.

Việc giảm tô, giảm tức và giảm bớt chế độ làm sâu (làm không công), phải tiến hành từ từ và hết sức thận trọng. Phải làm cho quần chúng tự giác, tự nguyện đòi giảm, không nên làm theo lối mệnh lệnh và ban ơn.

Khi chủ trương phát động quần chúng, đấu tranh giảm bớt hoặc xóa bỏ một hình thức bóc lột nào của thổ ty, lang đạo, phìa tạo, cà rá, đều phải báo cáo và xin chỉ thị cấp trên. Cấp uỷ và cán bô công tác ở vùng thiểu số có nhiệm vụ điều tra và báo cáo cho Trung ương rõ về chế độ ruộng đất và các hình thức bóc lột ở mỗi nơi để Trung ương đủ tài liệu nhận xét đúng và chỉ thị cho sát.

2- Giúp đỡ đồng bào miền núi cải tiến lối canh tác; tiếp tế nông cụ, hạt giống, hướng dẫn cách dùng phân bón, tăng cường công tác tiểu thuỷ nông, khuyến khích trồng rau và cây ăn quả. Giúp đỡ đồng bào dần dần biết cày sâu, bừa kỹ, làm cỏ kỹ, bỏ đủ phân, đồng thời giúp họ cách khai hoang ở các vùng đất bằng (đó cũng là một điểm trong kế hoạch bảo vệ rừng). Khuyến khích việc thu nhặt lâm thổ sản, khuyến khích chăn nuôi và giúp đỡ phát triển các nghề thủ công (nghề làm nón, nghề dệt vải, trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, làm nón, áo tơi, đan lát, dệt chiếu bằng vỏ chuối, v.v...).

3- Xây dựng và phát triển công tác mậu dịch cung cấp những hàng cần thiết cho dân tộc thiểu số, đặc biệt là muối, vải, thuốc. Cần tổ chức việc thu và mua lâm thổ sản, tổ chức vận tải để tiêu thụ lâm thổ sản một cách có kế hoạch. Phải chống tư tưởng thu mua bằng giá hạ, làm cho đồng bào miền núi không hăng hái thu nhặt lâm thổ sản bán cho mậu dịch. Công tác mậu dịch lúc đầu không nên nặng về thu lợi, mà nặng về cải thiện đời sống cho nhân dân và gây ảnh hưởng chính trị trong nhân dân.

4- Mở chợ một cách có kế hoạch và từng bước một và phải thi hành chính sách buôn bán tự do ở các vùng miền núi. Chú ý hướng dẫn đồng bào thiểu số buôn bán. Tuy trình độ của dân từng nơi mà giúp họ tổ chức hội mua chung, hội bán chung để tự cải thiện sinh hoạt.

5- Chính sách thuế khoá cần có sự nhân nhượng mềm dẻo đối với những vùng trình độ sinh hoạt và giác ngộ của nhân dân có thấp kém. Đối với những sản phẩm đặc biệt của đồng bào miền núi, như thuốc phiện của người Mèo, v.v... thì, không được cấm dân trồng. Việc đánh thuế những sản phẩm đó phải xin chỉ thị cấp trên.

6- Nơi mới giải phóng, chưa nên thu thuế ngay; đợi khi nào chính quyền đã được ổn định, nhân dân đã yên tâm làm ăn, lúc đó tuỳ theo điều kiện cụ thể mà quyết định việc thu thuế. Trong khi ban hành chế thuế khoá mới, chính quyền cần tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế do Pháp đặt ra.

7- Nơi nào nhân dân tiêu tiền đồng, bạc trắng hay tiền Đông-dương mà công tác kinh tế tài chính của ta chưa xây dựng được cơ sở, thì cứ để dân tiêu những thứ tiền đó, nhưng đồng thời phải dần dần phổ biến cách tiêu tiền Việt-nam, và đổi tiền Đông-dương. Cần quy định ngay giá trị các thứ tiền đó đối với đồng tiền Việt-nam theo giá thị trường. Việc đầu cơ buôn bán những thứ tiền đó thì tuyệt đối cấm chỉ.

c- Về văn hoá, xã hội:

1- Tôn trọng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc. Dân tộc thiểu số nào có sẵn chữ viết rồi thì dùng chữ viết ấy mà dạy trong các trường của họ ở các lớp dưới (cấp I trường phổ thông). Đối với dân tộc không có chữ riêng thì dùng chữ quốc ngữ phiên âm tiếng địa phương để dạy họ. Nhưng bất cứ ở cấp I trường phổ thông lớp bình dân học vụ hay bổ túc bình quân, cũng cần dạy kèm tiếng phổ thông và chữ quốc ngữ.

2- Tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các dân tộc. Giúp đỡ các dân tộc thiểu số phát triển những phần tốt đẹp trong phong tục, tập quán cũ và giúp họ tự giác bỏ dần những cái có hại.

3- Cần phát triển những hình thức văn nghệ như thơ ca, nhạc, nhảy múa của các dân tộc. Trong công tác tuyên truyền cũng như tổ chức, phải biết lợi dụng những hình thức cũ mà đưa nội dung mới vào cho phù hợp với tâm lý và trình độ của nhân dân thiểu số. Tổ chức việc trao đổi văn hoá giữa các dân tộc để tăng cường đoàn kết.

4- Viết và in những sách nhỏ phản ánh sinh hoạt và đấu tranh của các dân tộc thiểu số, nêu cao thành tích kháng chiến kiến quốc và truyền thống chống xâm lăng của các dân tộc ấy để giáo dục tinh thần yêu nước và dùng làm tài liệu học tập cho đồng bào thiểu số.

5- Truyền bá vệ sinh và giúp nhân dân miền núi sửa đổi dần cách ăn ở cho sạch sẽ, giáo dục cho họ biết cách phòng bệnh, chữa bệnh.

6- Việc vận động cải cách phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số, không nên làm hấp tấp vội vàng; tuyệt đối không được dùng mệnh lệnh bắt buộc. Phải hết sức thận trọng và tiến hành từng bước một.

d- Về quân sự:

1- Miền núi có địa hình, địa vật hiểm trở, dân tộc miền núi có tinh thần chiến đấu hăng hái và thường bắn giỏi. Cần dựa vào những điều kiện thuận lợi đó để phát triển dân quân du kích chống giặc, tiễu phỉ, giữ làng. Nhưng cũng cần chú ý: nơi nào quần chúng còn chịu nhiều ảnh hưởng của thổ ty, lang đạo, v.v... cơ sở của ta còn non yếu thì việc tổ chức và lãnh đạo các lực lượng võ trang phải thận trọng: đã tổ chức ra thì phải nắm vững không để cho bọn thổ phỉ, lang đạo, v.v... lợi dụng.

2- Nơi nào còn thổ phỉ thì phải ra sức phát động nhân dân lấy việc tổ chức dân quân du kích địa phương là chính để tiễu trừ thổ phỉ.

3- Khi tiễu phỉ hay đánh Pháp ở vùng nào, không nên trưng dụng vũ khí riêng của nhân dân lương thiện, vì nhân dân thiểu số rất quý khẩu súng của họ; tuy nhiên phải đề phòng bọn thổ phỉ lợi dụng súng của dân để bắn lại ta.

4- Trong khi bộ đội đến hoạt động tại các vùng dân tộc thiểu số còn tạm bị chiếm hoặc vừa được giải phóng phải hết sức hạn chế việc lấy dân công địa phương và đối với những nơi nghèo thì việc tiếp tế phải có tổ chức để tránh làm phiền nhiễu cho dân, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân.

5- Đối với những tổ chức vũ trang sẵn có ở địa phương cần vận động để thống nhất vào biên chế của Quân đội nhân dân Việt-nam đặng bảo vệ an ninh chung của nhân dân địa phương và tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang diệt quân xâm lược.

IV- VIỆC XÂY DỰNG ĐẢNG Ở CÁC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

1- Nhiệm vụ của Đảng:

Chỉ có Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng trên lập trường và quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin mới có thể thực hiện một chính sách dân tộc đúng mực. Nghĩa là chỉ có Đảng ta mới có thể đánh tan được mọi tư tưởng sai lầm của cán bộ và nhân dân, thí dụ: tư tưởng "dân tộc lớn" (1) hay tư tưởng "dân tộc hẹp hòi" (2), để đoàn kết giai cấp công nhân, đoàn kết các dân tộc, lãnh đạo các dân tộc đấu tranh công xâm lược để tự giải phóng và để kiến thiết chủ nghĩa dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của Đảng ta. Cho nên việc xây dựng đảng trong các địa phương dân tộc thiểu số là rất cần. Song điều quan trọng là phải điều tra nghiên cứu kỹ hoàn cảnh từng nơi mà ấn định khi nào nên tổ chức chi bộ, tổ chức đảng ở những nơi đó.

2- Ở địa phương chưa có cơ sở Đảng:

Ở những nơi này việc gây dựng tổ chức đảng phải hết sức thận trọng. Lúc đầu hãy chú ý giác ngộ và đoàn kết quần chúng, giúp đỡ quần chúng tự cải thiện đời sống, làm những việc lợi ích chung và tham gia mọi công tác kháng chiến. Do đó quần chúng tự giác ngộ và đi vào tổ chức; bấy giờ mới đặt vấn đề xây dựng Đảng.

Về việc kết nạp đảng viên, điều lệ đảng đã nói rõ điều kiện kết nạp đảng viên ở các vùng dân tộc thiểu số. phải theo đúng như điều lệ đã quy định, song có thể châm chước về những điểm phụ thuộc. thí dụ: một người chưa có ý thức giai cấp công nhân rõ rệt lắm, nhưng họ giác ngộ quyền lợi dân tộc và quyền lợi nhân dân lao động; trung thành, hăng hái, tán thành mục đích của Đảng, chịu làm việc trong một tổ chức của Đảng, thì cũng có thể kết nạp vào Đảng. Song khi đã kết nạp rồi phải chú ý giáo dục cho họ để họ trở nên một đảng viên xứng đáng. Những nơi như thế không phải bất cứ người dân thiểu số nào hăng hái tham gia kháng chiến ta cũng đều kết nạp vào Đảng cả, vì nếu kết nạp như thế sẽ làm cho Đảng trở nên phức tạp.

Hướng phát triển Đảng ở các vùng dân tộc thiểu số là chú trọng phát triển trước nhất vào trong tầng lớp nhân dân lao động.

3- Ở những nơi đã có cơ sở Đảng:

Củng cố và phát triển tổ chức Đảng ở những nơi này như thế nào?

Trước hết cần nêu vài nhược điểm của tổ chức đảng ở những nơi đó:

- Có chi bộ phần đông là anh chị em trong một gia đình hay trong một họ, vì cảm tình, tin nhau mà tổ chức nhau vào Đảng. Vì tổ chức chi bộ gia đình như thế, nên nhiều địa phương công tác quân, dân, chính, đảng thường thâu tóm trong tay một gia đình hay một gia tộc.

- Vì trình độ đảng viên quá thấp, tổ chức quá ô hợp, phức tạp, tổ chức mà không có giáo dục về ý thức và nhiệm vụ đảng viên, nên nhiều chi bộ chỉ có hình thức, sinh hoạt không đều hay sinh hoạt chiếu lệ, không lãnh đạo được các tổ chức chính quyền và quần chúng ở địa phương.

Vậy chấn chỉnh như thế nào?

Cần căn cứ vào công tác thực tế ở địa phương mà kiểm soát lại tất cả các đảng viên trong chi bộ. đảng viên nào quá kém, không làm được việc và còn phạm kỷ luật, thì phải tích cực giáo dục, nếu không tiến bộ thì sẽ đưa ra ngoài Đảng.

Nếu chi bộ nào nát, có nhiều đồng chí xấu làm mất ảnh hưởng của đảng, đến nỗi chi bộ không có tác dụng lãnh đạo nữa thì do đề nghị của tỉnh và huyện, khu sẽ quyết định giao cho tỉnh và huyện về cải tổ lại chi bộ đó, có khi phải giải tán hoàn toàn để lập lại cho bộ mới.

Nói chung, muốn thực sự củng cố và phát triển đảng cần phải tích cực phát động quần chúng, làm cho quần chúng đông đảo hăng hái tham gia mọi mặt công tác (sản xuất, thu thuế nông nghiệp, đánh giặc, v.v...). Trong quá trình thực hiện những công tác ấy, ta kiểm tra hàng ngũ Đảng ở địa phương, giáo dục các đảng viên, lựa chọn những phần tử ưu tú trong thanh niên nam nữ lao động đưa vào Đảng để củng cố và phát triển Đảng. Có như thế việc xây dựng đảng mới được chắc chắn.

V- NHỮNG ĐIỀU CHÚ Ý TRONG LÚC TIẾN HÀNH CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Để thực hiện chính sách vận động dân tộc thiểu số đạt được kết quả tốt, trong lúc thi hành cần chú ý những điểm sau đây:

1- Phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các dân tộc. Mọi việc cần phải làm dần dần bằng cách kiên nhẫn giác ngộ quần chúng, không hấp tấp vội vàng. phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến dân, động viên nhân dân, dựa vào sức dân, làm theo đúng tác phong của hồ chủ tịch. Có vậy mới biến được chính sách của đảng và chính phủ thành chính sách của quần chúng. không được thấy dân lành, dân kém mà hạ lệnh bắt buộc.

2- Phải điều tra, nghiên cứu kỹ tình hình các vùng dân tộc thiểu số về mọi mặt để định ra những chủ trương, kế hoạch thích hợp với hoàn cảnh và trình độ của nhân dân từng địa phương, đồng thời báo cáo lên cấp trên. kế hoạch cần đơn giản thiết thực nhưng cụ thể. Tránh áp dụng máy móc kinh nghiệm công tác của vùng thiểu số khá vào vùng thiểu số còn kém, kinh nghiệm của miền xuôi lên miền ngược để tránh những vụ đáng tiếc đã xảy ra như ở Sơn-hà (Quảng-ngãi).

3- Bộ đội, cán bộ và các cơ quan đến địa phương thiểu số phải giữ kỷ luật, kiên quyết triệt để thi hành chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ và Mặt trận để gây tin tưởng cho đồng bào thiểu số.

4- Đối với các vấn đề quan trọng, các vấn đề có tính chất nguyên tắc, các cấp bộ phải báo cáo và xin chỉ thị cấp trên, tuyệt đối không được làm rồi mới báo cáo, hoặc làm rồi mà không báo cáo.

5- Phổ biến chính sách dân tộc của đảng một cách rộng rãi trong đảng và ngoài nhân dân. Chú trọng khắc phục những tư tưởng sai lầm của cán bộ: đề phòng và chống "chủ nghĩa dân tộc lớn" hay coi thường những đặc điểm dân tộc, những hình thức dân tộc, chống tư tưởng ban ơn của cán bộ miền xuôi lên công tác ở các vùng thiểu số. Đồng thời cần chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi của cán bộ và nhân dân địa phương.

6- Đánh thông tư tưởng cho cán bộ hoạt động ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền ngược, chú ý giải quyết những vấn đề thắc mắc cho họ để họ yên tâm công tác và có tinh thần quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.

KẾT LUẬN

Mục đích chính sách vận động dân tộc thiểu số của Đảng là đoàn kết các dân tộc ở Việt-nam, làm cho các dân tộc căm thù sâu sắc đế quốc xâm lược và quyết tâm đánh bại chúng, là nâng cao đời sống vật chất và trình độ chính trị, văn hoá của các dân tộc thiểu số để các dân tộc ấy tiến kịp đà tiến hoá chung.

Trong khi hoạt động, cán bộ phải luôn luôn nắm vững chính sách và thận trọng thi hành. Chỉ có vậy, chúng ta mới triệt để thực hiện được chính sách cụ thể trên đây của Đảng và Chính phủ, chúng ta mới thực sự bồi dưỡng lực lượng của các dân tộc thiểu số, nâng cao được trình độ của họ để thực hiện sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc thiểu số và đa số, đặng tiêu diệt bọn xâm lược Pháp, đánh bại can thiệp Mỹ, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thế giới, hoàn thành chủ nghĩa dân chủ mới, tiến tới chủ nghĩa xã hội.

(1) Tư tưởng "dân tộc lớn" là tư tưởng của người kinh cho rằng mình trình độ cao hơn các dân tộc thiểu số muốn cai trị và đồng hoá các dân tộc thiểu số. (2) Tư tưởng "dân tộc hẹp hòi" là tư tưởng chỉ biết yêu dân tộc mình và có thành kiến với dân tộc khác, cho dân tộc mình là cao quý hơn cả, còn các dân tộc khác đều thấp kém, đáng khinh.

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 38-60.

Nguồn: Website Ủy ban Dân tộc 

Các tin khác