Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 49

  • Tổng 963.502

VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 7

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trích - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày (10 - 19/5/1941)
 

 

 

 

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

III- VẤN ĐỀ DÂN TỘC

Chính sách dân tộc của Pháp: Đối với các dân tộc Đông-dương, Pháp dùng chính sách cai trị rất dã man. Chúng nó theo chính sách đế quốc chủ nghĩa mà nước Anh đã dùng để cai trị là chính sách "chia để trị". Đối với nước Việt-nam một dân tộc, một lịch sử, một văn hoá, một tính sinh hoạt như nhau, thế mà chúng chia ra làm ba kỳ, dùng ba lối cai trị khác nhau rồi gây mối thù hằn cừu thị ở các xứ đó. Làm cho sự đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng khó khăn. Đối với các dân tộc khác nhau như Cao-miên, Lào chúng nó cũng làm cho xa cách hẳn dân Việt-nam, làm cho họ ác cảm dân tộc Việt-nam, không có chút thiện cảm nào đối với nhau. Ly gián dân tộc để ngăn cản sự đoàn kết cách mạng của các dân tộc là một mục đích. Một mục đích nữa là đem dân tộc này bắn giết dân tộc khác. Trong các phong trào cách mạng Đông-dương chúng nó thường đem dân tộc này chống dân tộc khác. Đem lính Nam qua Miên, Lào, đem lính Miên, Lào về Nam.

Trong cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam-kỳ, đế quốc Pháp đem lính Cao-miên và Mọi bắn đồng bào ta ở Nam-kỳ. Ngoài ra các dân tộc Miên, Lào lại có các dân tộc thiểu số, ở Bắc-kỳ có dân Thổ, Mèo, Mường, Mán, v.v., ở Trung-kỳ có Mường, Đê, Hồi, v.v., ở Nam-kỳ cũng có các dân tộc Thượng. Như thế các dân tộc ấy phần lớn là trình độ sinh hoạt thấp, còn dại khờ nên dễ bị lừa gạt. Trong mấy năm gần đây họ đã trở nên cái lợi khí của đế quốc lợi dụng đem chống lại đồng bào Việt-nam. Muốn ly gián các dân tộc Đông-dương, đế quốc Pháp tìm cách ngăn trở sự giao thiệp, liên lạc giữa các dân tộc như không cho người Nam vào mua bán trong Thượng, không cho dân tộc Thượng bận quần áo người Nam, không được cưới hỏi lấy nhau ở các đồn điền, chúng nó lại dùng nhân công Thượng chống lại nhân công người Nam. Ở trong trại lính tụi quan binh tìm cách làm cho các dân tộc ác cảm nhau, gây ra cuộc đánh lộn nhau, rồi tìm cách ủng hộ dân tộc này chống dân tộc kia. Ly gián dân tộc cũng chưa đủ, chúng nó lại còn tìm cách mờ ám tinh thần dân tộc, xuyên tạc những trang lịch sử chiến đấu oanh liệt của các dân tộc, duy trì các phong tục mê tín, hủ lậu làm cho họ ngu muội và có lúc làm tiêu diệt các dân tộc nữa. Đứng trước chính sách dân tộc của Pháp, các dân tộc Đông-dương chỉ cần có một cuộc cách mạng mà đánh đổ cả những chính sách ấy mới làm cho các dân tộc Đông-dương tồn tại một cách hợp với tiến hoá, mới bước vào con đường văn minh chân chính được.

Chính sách dân tộc của Đảng ta: Các dân tộc Đông-dương hiện nay bị dưới hai tầng áp bức bóc lột của giặc Pháp - Nhật. Ách áp bức ấy quá nặng nề, các dân tộc Đông-dương không thể nào chịu được. Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào. Dầu là anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng nề của đế quốc là không thể nào sống được. Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng.

Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông-dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông-dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật.

Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy, trước hết tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông-dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp - Nhật xâm chiếm nước ta. Sự liên minh tất cả lực lượng của các giai cấp, đảng phái các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật, đó là công việc cốt yếu của Đảng ta. Nói như thế không phải Đảng ta thủ tiêu vấn đề giai cấp đấu tranh trong cuộc cách mạng Đông-dương. Không! Vấn đề giai cấp đấu tranh vẫn tồn tại mãi. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, quốc gia trước hết, thì tất thảy những yêu sách của bộ phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi của dân tộc, thì phải gác lại để giải quyết sau. Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc. Một điều thứ hai nữa là đã nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tuỳ theo ý muốn của mỗi dân tộc. Nói như thế nghĩa là sau lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách "dân tộc…" cho dân tộc Đông-dương. Các dân tộc sống trên cõi Đông-dương sẽ tuỳ theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hoà dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tuỳ ý. Một chính phủ cộng hoà mạnh hơn không có quyền bắt các dân tộc nhỏ yếu tuân theo chính sách mình và tham gia chính phủ mình và các dân tộc thiểu số cũng không phải bắt buộc theo các dân tộc đa số và mạnh. Văn hoá của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại và được bảo đảm. Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng. Nếu các dân tộc nhỏ muốn cùng dân tộc lớn thành lập liên bang dân chủ to lớn, đó không phải là một sự bắt buộc mà là một sự tuỳ ý muốn của nhân dân trong xứ.

Riêng dân tộc Việt-nam, một dân tộc đông và mạnh hơn hết ở Đông-dương sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt-nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt-nam đều thẩy được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy. Đối với các dân tộc… và các dân tộc thiểu số ở Đông-dương, dân tộc Việt-nam có nghĩa vụ phải dìu dắt giúp đỡ trong bước đường tranh đấu tự do độc lập. Nhưng muốn làm tròn hai nhiệm vụ trên kia là giải phóng dân tộc ta phải nhận rằng:

1. Những dân tộc sống ở Đông-dương đều chịu dưới ách thống trị của giặc Pháp - Nhật, cho nên muốn đánh đuổi chúng nó không chỉ dân tộc này hay dân tộc kia mà đủ, mà phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông-dương họp lại.

2. Cuộc cách mạng Đông-dương là một bộ phận cách mạng thế giới và giai đoạn hiện tại là một bộ phận dân chủ chống phát-xít. Bởi vì Pháp - Nhật hiện nay là một bộ phận đế quốc xâm lược và là một bộ phận phát-xít thế giới.

3. Vận mạng dân tộc Đông-dương lại chung với vận mạng nước Trung-hoa cách mạng và Liên bang Xô-viết. Cuộc tranh đấu chống phát-xít của Liên-xô và Trung-quốc là cuộc tranh đấu chung vận mạng các dân tộc Đông-dương. Bởi vậy ở Đông-dương cuộc tranh đấu chống phát-xít Nhật là cuộc tranh đấu một bộ phận của cuộc tranh đấu của Trung-quốc và Liên-xô chống lại phát-xít thế giới.

Tóm lại, phải giữ một chính sách dân tộc như trên kia hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, hợp với nguyện vọng của các giai cấp, các dân tộc ở Đông-dương, hợp với cuộc tranh đấu chung của toàn thế giới chống phát-xít và xâm lược, cuộc cách mạng Đông-dương mới thành công chắc chắn được.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 21-25. 

Nguồn: Website Ủy ban Dân tộc

Các tin khác