Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 521

  • Tổng 963.974

VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 3

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề phát triển nông nghiệp ở miền núi số 71-NQ/TW ngày 23/2/1963
 

 

 

 

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành trung ương Đảng đã đề ra đường lối, phương hướng nhiệm vụ và các chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Công tác phát triển nông nghiệp ở miền núi về căn bản cũng phải chấp hành theo đúng tinh thần Nghị quyết đó. Nhưng nông nghiệp miền núi có những đặc điểm riêng, vì vậy cần có những quy định thích hợp.

I- TÌNH HÌNH HỢP TÁC HOÁ NÔNG NGHIỆP VÀ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI

Trong những năm vừa qua, chúng ta đã tiến hành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi và đã đạt được những thành tích to lớn.

Tình hình hợp tác hoá

Hiện nay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp miền núi đã bao gồm trên 76% nông hộ và trên 67% diện tích ruộng đất. Hợp tác xã bậc cao đã bao gồm 25% nông hộ. Quy mô bình quân chung của một hợp tác xã là 31 hộ. Việc tổ chức nông dân lại ở vùng thấp căn bản đã làm xong.

Cũng tình hình chung, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi đã phát triển nhanh, lành mạnh và nói chung là tốt. Tuy quy mô nhỏ, trình độ quản lý thấp, nhưng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp miền núi đã bước đầu phát huy tác dụng trong việc mở rộng diện tích trồng trọt, nhất là trong việc tăng vụ lúa chiêm và lúa nam ninh; đã có những tiến bộ khá về cải tiến kỹ thuật và về mặt sử dụng thêm nhiều sức lao động vào sản xuất; ngoài sản xuất lương thực, một số hợp tác xã đã phát triển kinh doanh cây công nghiệp, nuôi trâu bò sinh sản, nuôi lợn, nuôi vịt đàn, khai thác lâm sản, v.v. Hiện nay đã có độ 1/3 số hợp tác xã đã lập được kế hoạch cả năm và ngót 1/5 số hợp tác xã đã thực hiện được 3 khoán. Đồng thời, vì có những điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất, cho nên số ngày công, giá trị ngày công và mức thu nhập thực tế của hợp tác xã miền núi cũng cao hơn so với miền xuôi.

Trong cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, công tác xây dựng và phát triển cơ sở Đảng cũng đã có những thành tích tốt.

Các nông trường quốc doanh và lâm trường quốc doanh cũng được xây dựng và phát triển ở nhiều vùng.

Thắng lợi của cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi là một bộ phận nằm trong những thắng lợi chung của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa nền nông nghiệp miền Bắc nước ta. Nó đã tạo ra cho miền núi những điều kiện mới để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc, đồng thời tạo ra những cơ sở mới để tăng cường đoàn kết dân tộc tiến lên thực hiện sự bình đẳng dân tộc cao hơn cả về mặt chính trị và kinh tế. Đó là một sự chuyển biến rất sâu sắc trong tình hình nông thôn miền núi. Nguyên nhân của những thắng lợi trên đây là:

- Đường lối, phương châm, chính sách hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng ta đề ra cho miền núi căn bản là đúng; chủ trương giải quyết những vấn đề tồn tại về cải cách dân chủ kết hợp trong cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp là rất thích hợp và sáng tạo.

- Nông dân lao động miền núi tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng ta và của Hồ Chủ Tịch, đã tích cực chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và hăng hái đi vào con đường làm ăn tập thể.

- Truyền thống đoàn kết tương trợ sẵn có của đồng bào các dân tộc, ảnh hưởng của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền xuôi và kết quả hoàn thành cải cách dân chủ cũng đều có tác dụng thúc đẩy phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi.

Tuy nhiên, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi chưa thật vững và một số mặt còn rất yếu. Những nhược điểm và khó khăn của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi hiện nay là: trình độ công tác quản lý hợp tác xã còn thấp và đơn giản, các mặt công tác tổ chức quản lý ở cơ sở còn có rất nhiều lúng túng và khó khăn, những hiện tượng thiếu dân chủ đang còn nhiều; chủ nghĩa bình quân đang còn nặng; cơ sở vật chất và kỹ thuật của miền núi có ưu thế hơn so với miền núi về diện tích ruộng đất, về nguồn nước, nguồn phân bón và sức kéo, nhưng công cụ sản xuất thì rất thô sơ, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi nói chung thấp; đại bộ phận hợp tác xã chỉ mới kinh doanh lương thực, trong đó phần lớn hợp tác xã chỉ mới kinh doanh lúa, kinh tế tập thể nói chung còn yếu, kinh tế phụ gia đình còn chiếm đại bộ phận trong tổng thu nhập của xã viên; một số chính sách nghiên cứu chưa cụ thể và chấp hành chưa tốt cũng đã gây trở ngại cho việc tiếp tục củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở nhiều vùng.

Nguyên nhân chính của những khuyết điểm và nhược điểm ở trong phong trào hợp tác hoá miền núi cũng giống như những nguyên nhân chính của phong trào hợp tác hoá chung cả miền Bắc mà Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương đã phân tích. Ngoài ra ở miền núi còn có nguyên nhân khách quan do trình độ phát triển kinh tế còn thấp của miền núi tạo nên và còn do những khuyết điểm trong công tác của chúng ta là:

- Ở nhiều nơi, công tác chuẩn bị cơ sở, chuẩn bị điều kiện xây dựng hợp tác xã chưa tốt; công tác giáo dục tư tưởng làm chưa kỹ; việc nghiên cứu hình thức và quy mô tổ chức nhiều mặt chưa thật sát.

- Đã ham đưa nhiều hợp tác xã lên quy mô to, tổ chức hàng loạt hợp tác xã bậc cao không đủ điều kiện; tiến hành công hữu hoá trâu bò tràn lan, định thấp giá thuê và giá công hữu hoá trâu bò; ở vùng cao thì hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã phát triển quá nhanh và thiếu nhiều điều kiện.

- Việc giúp đỡ cho hợp tác xã phát triển sản xuất, công tác đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã làm yếu và chậm.

Tóm lại là, trong khi tiến hành vận động hợp tác hoá nông nghiệp, ở miền núi, chúng ta đã chưa nhìn thấy rõ những đặc điểm phân tán và trình độ phát triển không đều của các vùng. Chúng ta đã tích cực lợi dụng những thuận lợi của miền núi để phát triển mạnh hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện là đúng, nhưng lại đã không thấy hết những khó khăn của miền núi để giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thận trọng và vững chắc; nhiều mặt công tác còn rập khuôn gần giống như miền xuôi, vùng cao gần giống như vùng thấp, v.v…

Tình hình sản xuất

Thành tích nổi bật nhất của sản xuất nông nghiệp ở miền núi vừa qua là đã tăng sản xuất lương thực lên khá nhanh và nhờ đó đã căn bản giải quyết được tình trạng thiếu lương thực thường xuyên ở miền núi do chế độ cũ để lại, bảo đảm cung cấp được lương thực cho nhân dân ăn no hơn và có dự trữ một phần. Bình quân lương thực đầu người ở miền núi trong năm 1961 đã tăng gấp rưỡi so với 1957, mặc dù mức dân số tăng bình quân hàng năm là: 3,2%. Nghề rừng, thì mặt khai thác rừng đã phát triển một bước khá, đã cung cấp được hàng triệu mét khối gỗ và rất nhiều lâm sản khác. Cây công nghiệp và một số mặt của chăn nuôi cũng ít nhiều có phát triển, tuy chưa đều và chưa mạnh. Cùng với nông nghiệp, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp cũng đã bước đầu được chú ý.

Nhờ sản xuất tăng, nhất là nhờ đã bước đầu giải quyết được tương đối tốt vấn đề lương thực, cộng với việc đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế, đời sống của nông dân và nhân dân lao động ở miền núi đã được cải thiện khá, các mặt ăn, mặc, học, sức khoẻ đều tăng lên rõ rệt.

Những kết quả về phát triển sản xuất, cải thiện đời sống trên đây có một ý nghĩa chính trị và kinh tế rất quan trọng. Đó là kết quả của đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng ta đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở miền núi, là kết quả của tinh thần cần cù lao động và ý thức tự lực cánh sinh của cán bộ và nhân dân miền núi trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách ấy. Những kết quả đó đã góp phần to lớn củng cố lòng tin tưởng của nhân dân lao động các dân tộc miền núi đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với chính quyền dân chủ nhân dân, có tác dụng to lớn bước đầu phát huy khả năng của nông nghiệp miền núi để góp phần thúc đẩy sự nghiệp miền núi chỉ mới phát triển một bước đầu rất thấp, những khả năng tiềm tàng phong phú về nhiều mặt chưa được khai thác đúng mức để đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng về đời sống và sản xuất của miền núi và nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Những mặt yếu của sản xuất nông nghiệp miền núi hiện nay là: hoa mầu phát triển còn ít; cây công nghiệp tăng chậm; chăn nuôi gần đây đứng lại và có mặt bị sụt nhiều; trong nghề rừng thì các mặt tu bổ, cải tạo, bảo vệ và trồng đều còn kém, tình trạng phá rừng bừa bãi đã và đang gây ra nhiều tác hại. Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp nói chung còn yếu và chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp tư liệu sản xuất cho miền núi. Thương nghiệp và giao thông phát triển còn chậm và yếu. Đời sống của nhân dân lao động ở miền núi nói chung được cải thiện nhưng chưa đều, ở một số vùng mức sản xuất và thu nhập còn thấp, lương thực còn thiếu, đời sống còn nghèo, đặc biệt là ở một số nơi thuộc vùng giữa và vùng cao, do sản xuất có nhiều khó khăn, cho nên có nơi đồng bào còn thường xuyên bị thiếu thốn.

Về mặt kỹ thuật, chúng ta cũng đã có tiến bộ khá về thuỷ lợi, phân, cấy dày, cải tiến nông cụ, nhưng nhìn chung công tác kỹ thuật chuyển biến còn chậm. Việc chỉ đạo kỹ thuật còn gò bó, thiếu linh hoạt và còn xem nhẹ tổng kết những kinh nghiệm sẵn có của địa phương; việc giữ đất, chống xói mòn, giữ độ ẩm là vấn đề kỹ thuật nổi bật nhất của miền núi thì đặt chưa đúng và làm còn kém.

Trong việc lãnh đạo sản xuất nông nghiệp ở miền núi, chúng ta đã nắm chắc sản xuất lương thực là đúng và đã bước đầu chú ý đến việc phát triển một số ngành và đã bước đầu chú ý đến việc phát triển một số ngành, nhưng khuyết điểm là chưa toàn diện. Việc nghiên cứu một số chính sách và giúp đỡ lẫn nhau giữa miền xuôi và miền núi đặt chưa rõ; việc phối hợp các ngành để giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất còn kém và nhiều mặt công tác còn tách rời nhau... Nói chung là chúng ta chưa thấy rõ nông nghiệp miền núi có đầy đủ tính chất tiêu biểu nhất của một nền sản xuất toàn diện, chưa thấy hết những thuận lợi của miền núi để phát huy, cũng như chưa thấy hết những khó khăn cần phải tập trung nhiều lực lượng để khắc phục; Sự chỉ đạo còn có phần chủ quan, rập khuôn và máy móc chưa sát với đặc điểm của tình hình miền núi và chưa sát với đặc điểm của từng vùng.

Nhìn chung, tuy sản xuất nông nghiệp ở miền núi đã từ cá thể đi vào tập thể nhưng tính chất sản xuất độc canh, tự cấp còn nặng, sản phẩm hàng hoá còn rất ít. Hợp tác hoá nông nghiệp cũng mới căn bản hoàn thành về mặt tổ chức, trình độ đang còn thấp. Chúng ta có rất nhiều thuận lợi và có những cơ sở bước đầu vững chắc, nhưng đưa nền kinh tế nông nghiệp từ trình độ thấp của miền núi hiện nay đi vào có tổ chức, có kế hoạch và tiến lên quy mô ngày càng lớn là một vấn đề không phải đơn giản. Chúng ta phải ra sức phát huy các thuận lợi, khắc phục các nhược điểm và khó khăn, xuất phát từ những tình hình thực tế trên đây để đề ra những phương hướng, chủ trương, chính sách và biện pháp thích hợp.

 

II. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI

Miền núi miền Bắc nước ta chiếm trên 2/3 diện tích và trên 1/5 dân số chung của miền Bắc, có một vị trí hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Về nguồn lợi thiên nhiên, chẳng những miền núi có nhiều khả năng để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn có nhiều khả năng tiềm tàng để phát triển những ngành công nghiệp lớn và trọng yếu, làm cơ sở để cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc và thúc đẩy công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà. Vì vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã nêu bật tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng kinh tế miền núi đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đã đề ra những phương hướng lớn. Trong nông nghiệp, nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, cũng đã đề ra những phương hướng lớn. Trong nông nghiệp, nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, cũng đã căn cứ vào tinh thần nghị quyết của Đại hội, đề ra phương hướng xây dựng dần dần miền núi thành những vùng nông nghiệp mới có tính chất toàn diện, biến miền núi từ một nền kinh tế vốn là tự cấp dần dần trở thành một nền kinh tế có nhiều sản phẩm hàng hoá, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội của nghĩa nước nhà. Đó là những đường lối căn bản để phát triển nông nghiệp ở miền núi.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ở miền núi, chúng ta cần phải chú ý đến những đặc điểm sau đây:

1. Miền núi còn nhiều đất đai chưa khai phá, có khả năng để mở rộng thêm diện tích (khoảng 1 triệu éc - ta); có nguồn nước nhiều, nguồn phân nhiều, sức kéo đầy đủ để đẩy mạnh tăng năng suất; có nhiều loại đất đai tích hợp để phát triển sản xuất toàn diện cả lương thực, chăn nuôi, nghề rừng, cây công nghiệp, nhất là có nhiều khả năng để phát triển mạnh chăn nuôi, nghề rừng và cây công nghiệp hơn hẳn miền xuôi và do đó mà có khả năng cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, tăng cường lực lượng của hợp tác xã và bảo đảm nhu cầu của Nhà nước. Bên cạnh những thuận lợi đó, nông nghiệp miền núi miền Bắc nước ta cũng có những khó khăn: người thưa, sức lao động thiếu, trình độ sản xuất thấp, nhu cầu sinh hoạt còn đơn giản; đất hoang còn nhưng hầu hết là đất dốc, đất nhiều nơi lại đã bị làm đi làm lại nhiều lần; việc canh tác trên đất dốc, việc bảo vệ rừng, bảo vệ đất, chống xói mòn cũng rất phức tạp, ... Nói tóm lại, miền núi có khả năng tiếp thụ thêm hàng triệu người và có khả năng để làm ra nhiều của cải hơn so với miền xuôi, nhưng khó khăn cũng không phải là ít. Cho nên chúng ta có điều kiện phát triển sản xuất toàn diện, khai thác hợp lý những khả năng tiềm tàng của miền núi, nhưng phải chú ý giúp đỡ khắc phục các khó khăn, tạo ra cho nhân dân những nhu cầu mới, đồng thời cũng phải tiến bước một cách rất vững chắc.

2. Tính chất vùng của miền núi rất phức tạp, không những có vùng thấp, vùng cao, mà ngay trong mỗi vùng đó tình hình khí hậu, đất đai, tập quán và kỹ thuật canh tác, thành phần dân tộc cũng khác nhau rất nhiều. Trong khi lãnh đạo nông nghiệp ở miền núi, cần phải chú ý đến sự khác nhau của từng vùng đó và phải đặc biệt chú ý đến việc chấp hành đúng chính sách đoàn kết dân tộc.

3. Hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi đã căn bản hoàn thành ở vùng thấp, hợp tác xã của đồng bào miền xuôi lên khai hoang dần dần được xây dựng, các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh phát triển đều là những cơ sở tốt để phát triển nông nghiệp. Nhưng chúng ta cũng còn có nhiều khó khăn do đặc điểm phân tán của miền núi gây nên cũng như những khó khăn về các mặt tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã và cải tiến công tác quản lý hợp tác xã; thành phần kinh tế cá thể còn một số bộ phận không phải nhỏ, nhất là ở vùng cao, vùng còn du cư du canh và những nơi dân cư lẻ tẻ ở vùng thấp.

4. Vấn đề lưu thông, chế biến, cung cấp, tiêu thụ có tác dụng rất lớn đối với việc phát triển nông nghiệp ở miền núi thì đang còn yếu và có những mặt còn phải giải quyết lâu dài.

Căn cứ vào những đặc điểm trên đây, phương hướng phát triển nông nghiệp đề ra chẳng những phải phù hợp với đặc điểm chung của miền núi và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế quốc dân, mà còn phải phù hợp với khả năng của từng vùng và hợp với yêu cầu của từng dân tộc; quy mô tổ chức và quy mô sản xuất chủ yếu phải là nhỏ và vừa; phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung và phân tán; giữa việc giải quyết những nhu cầu trước mắt với việc quy hoạch phát triển lâu dài; giữa việc phát huy lực lượng của địa phương tiện cho miền núi; phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, giữa nông lâm nghiệp với công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, giữa sản xuất với chế biến và lưu thông; đồng thời phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế tập thể với kinh tế quốc doanh, giữa kinh tế tập thể với kinh tế phụ gia đình và bộ phận kinh tế cá thể còn tồn tại. Đi đôi với sản xuất cần phải đề cao ý thức tiết kiệm và ý thức bảo vệ tài nguyên chung.

Căn cứ theo tinh thần nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và tình hình, đặc điểm đã phân tích ở trên, phương hướng phát triển nông nghiệp ở miền núi hiện nay là:

Dựa vào hợp tác xã, nông trường, lâm trường quốc doanh, sử dụng tốt lực lượng lao động ở miền núi kết hợp với việc tiếp thu và sử dụng tốt lực lượng lao động ở miền xuôi lên, ra sức đẩy mạnh khai hoang, tăng vụ và tích cực tăng năng suất trên toàn bộ diện tích.

Phát triển nông nghiệp toàn diện, sát với khả năng của từng vùng; chú trọng tăng sản lượng lúa và ngô, đặc biệt đẩy mạnh việc trồng các loại hoa mầu lương thực, đồng thời hết sức lợi dụng ưu thế của miền núi để phát triển mạnh chăn nuôi, nghề rừng và cây công nghiệp: kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp, giữa sản xuất với chế biến và lưu thông; nhằm nâng cao đời sống của nhân dân các dân tộc miền núi và phục tốt cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà; phá bỏ dần chế độ sản xuất độc canh tiến tới chế độ đa canh, biến miền núi từ chỗ kinh tế tự cấp tự túc trở thành một nền kinh tế nông nghiệp có nhiều sản phẩm hàng hoá, nhất là sức kéo, thịt, sữa, sản phẩm nghề rừng và sản phẩm cây công nghiệp.

Phấn đấu trong vòng từ 10 đến 15 năm, làm cho kinh tế miền núi trở nên tương đối phồn vinh, tức là dân cư đông đúc hơn, nhân dân được ăn no, mặc ấm, khoẻ mạnh hơn, trình độ văn hoá cao hơn, giao thông liên lạc thuận tiện hơn và có các thị trấn mới xuất hiện; làm cho miền núi thành một vị trí khá giả về kinh tế, vững chắc về chính trị, mạnh mẽ về quốc phòng.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), dựa vào phương hướng trên đây, chúng ta phải tranh thủ đạt được một sự chuyển biến rõ rệt trong nông nghiệp ở miền núi theo vị trí và tốc độ của các ngành sản xuất như sau: Lương thực hết sức coi trọng để nói chung có thể căn bản đủ cung cấp, và cây công nghiệp , chăn nuôi, nghề rừng đều phát triển. Trên cơ sở đó khắc phục một bước tình trạng sản xuất độc canh, phát triển thêm sản phẩm hàng hoá, cung cấp được một phần sản phẩm cho nhu cầu chung và cải thiện đời sống của nhân dân miền núi hơn nữa, đưa mức sống của nông dân xã viên lên ngang mức sống của những nông dân khá giả hiện nay ở miền núi. Trong khi xây dựng và thực hiện những phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cần phải dự kiến phương hướng và kế hoạch phát triển lâu dài để có sự chuẩn bị trước về mọi mặt và kết hợp tiến hành xây dựng cơ sở ngay từ trong kế hoạch 5 năm này, tránh được những sự lãng phí và lủng củng xảy ra do chỉ chú ý đến tình hình và những nhu cầu trước mắt, đồng thời cũng tránh viển vông.

 

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ CÁC CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TRONG KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT:

1. Nhiệm vụ sản xuất từng mặt

a) Về trồng trọt:

Phát triển sản xuất lương thực ở miền núi là một nhiệm vụ rất lớn và phải hết sức coi trọng. Yêu cầu sản xuất lương thực trong 5 năm này là: nói chung phải đảm bảo cung cấp lương thực cho nhân dân ăn no (kể cả những nhân khẩu phi nông nghiệp và nhân dân ở miền xuôi lên khai hoang), có dự trữ, có đủ thức ăn để phát triển mạnh chăn nuôi và cung cấp được một phần lương thực cho các khu công nghiệp và công trường lớn do Trung ương quản lý đồng thời tuỳ theo điều kiện từng nơi mà cung cấp một phần để cung cấp cho nơi thiếu. Ở vùng cao thì chủ yếu là phải tự giải quyết lương thực và dự trữ tại chỗ. Các cơ quan , xí nghiệp, công trường, doanh trại quân đội cũng phải tích cực sản xuất lương thực để tự túc một phần.

Trong sản xuất lương thực ở miền núi phải chú ý 5 loại chính: lúa, ngô, sắn, giong giềng, khoai, đồng thời tuỳ theo tình hình mà phát triển các loại mì, mạch, kê, ý dĩ, cao lương, các loại rau, bí, đậu và các củ có bột khác. Sản xuất hoa mầu phải đi đôi với việc tổ chức chế biến và vận động ăn hoa mầu với một mức thích hợp, gắn liền với việc sản xuất nhiều thịt, cá, sữa.

Trên cơ sở giải quyết tốt vấn đề lương thực, cần phải phát triển mạnh sản xuất cây công nghiệp, trong đó vừa phải phát triển các loại cây ngắn ngày, vừa phải tích cực gây cơ sở các loại cây dài ngày (gồm cả cây ăn quả), phát triển thành những rừng cây công nghiệp, nhằm tăng thêm sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập và cung cấp sản phẩm cây công nghiệp một cách lâu dài. Cần phải chú trọng phát triển các loại cây có sợi (bông, gai, lanh, cây làm sợi nhân tạo), cây có dầu, phát triển chè, đậu tương, các loại cây đặc sản quý, cây làm thuốc và một số cây ăn quả; vừa phát triển mạnh cách loại cây nhiệt đới, vừa chú ý khai thác những khả năng của một số loại cây ôn đới. Chú trọng việc bảo vệ, khôi phục và phát triển một số cây công nghiệp và cây ăn quả mọc tập trung thành rừng mà hiện nay chưa khai thác. Về tổ chức sản xuất, một mặt vẫn phải tiếp tục khuyến khích việc trồng cây công nghiệp lẻ tẻ để cung cấp cho nhu cầu của hợp tác xã và của địa phương, mặt khác cần phải tập trung chỉ đạo phát triển một số loại cây quan trọng ở một số vùng theo yêu cầu của kế hoạch Nhà nước. Hiện nay cần phải dần dần phát triển một số vùng cây có sợi, vùng chè, một số vùng trồng nhiều cây có dầu và cây đặc sản quý, để vừa tiện cho việc tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, vừa dễ tổ chức chế biến và tiêu thụ. Cần tổ chức chặt chẽ việc chế biến cây công nghiệp để bảo đảm chế biến tại chỗ một phần sản phẩm.

Hợp tác xã và nông trường quốc doanh phải mở rộng kinh doanh cây công nghiệp để bảo đảm cung cấp theo kế hoạch. Các hợp tác xã mới ở những vùng khai hoang tập trung cũng phải trên cơ sở giải quyết phần lớn nhu cầu lương thực mà chuyển dần sang lấy việc phát triển cây công nghiệp là chủ yếu.

Để bảo đảm tốc độ phát triển sản xuất lương thực và cây công nghiệp đã đề ra, công tác khai hoang, tăng vụ, tăng năng suất đều rất lớn và đều phải chú trọng.

Về khai hoang, miền núi phải đảm nhiệm thực hiện phần lớn nhiệm vụ khai hoang đã đề ra, nhằm mở rộng diện tích, điều chỉnh nhân lực, khai thác những tài nguyên tiềm tàng về nhiều mặt. Để phục vụ cho công tác khai hoang, cần phải kết hợp đúng đắn nhiệm vụ khai hoang với việc bảo vệ và phát triển rừng, có quy hoạch toàn diện những nơi cần giữ rừng, giữ cây, giữ đồng cỏ chăn nuôi và những nơi có thể cho khai hoang trồng trọt và phải có phương hướng sản xuất thích hợp trên từng loại đất. Cần mở một cuộc vận động giáo dục sâu rộng về việc thực hiện nhiệm vụ khai hoang trong nhân dân, định rõ trách nhiệm cho các địa phương trong công tác chỉ đạo, khai hoang và tăng cường cho tổ chức chuyên trách về khai hoang của các cấp. Đi đôi với việc phát huy khả năng của hợp tác xã và nhân dân, Nhà nước cần theo khả năng mà tích cực giúp đỡ cho công tác nhân dân khai hoang về vốn và phương tiện, chú trọng giúp đỡ cho những hợp tác xã và địa phương có đất, có tài nguyên mở rộng sản xuất để tạo điều kiện tiếp thu thêm nhân lực đến khai hoang. Đặc biệt chú trọng bảo đảm chấp hành đúng chính sách dân tộc.

Hướng tăng vụ thì chủ yếu là tăng vụ trên những diện tích ruộng đất mới trồng cấy một vụ, tăng thêm vụ trên đất thổ canh và tăng vụ một phần trên nương rẫy, đi đôi với việc tích cực trồng xen kẽ một cách hợp lý. Do đặc điểm xói mòn nhiều cho nên vấn đề giữ đất giữ mầu và tăng năng suất ở miền núi rất lớn và rất quan trọng, phải chú trọng thường xuyên cả trên ruộng, trên đất thổ canh, trên nương rẫy và trên những đất mới khai hoang. Việc sản xuất trên nương rẫy cũng phải đi dần vào thâm canh để bớt dần việc phát nương một cách bừa bãi.

b) Chăn nuôi:

Chăn nuôi ở miền núi rất toàn diện và là một ngành lớn trong nông nghiệp, phải có tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ như đối với trồng trọt và gắn liền với trồng trọt. Nhiệm vụ của công tác chăn nuôi ở miền núi là phải: bảo đảm cung cấp sức kéo , phân bón, cung cấp thịt, da, len và tiến lên cung cấp nhiều mật ong và sữa, dần dần làm cho chăn nuôi trở thành một nguồn lương thực quan trọng của miền núi.

Về đại gia súc, cần phát triển mạnh chăn nuôi trâu bò để cày kéo, chăn nuôi sinh sản và dần dần phát triển chăn nuôi để vắt sữa, lấy chăn nuôi sinh sản làm trong tâm; vừa phát triển mạnh chăn nuôi của nông trường quốc doanh và hợp tác xã, vừa khuyến khích chăn nuôi của gia đình. cần khôi phục và phát triển nhanh một số đàn trâu bò ở những nơi có điều kiện, nhất là ở một số nơi quần chúng đã có kinh nghiệm chăn nuôi từ trước. Chú trọng phát triển chăn nuôi ngựa.

Về tiểu gia súc thì lấy việc chăn nuôi của gia đình là chủ yếu, nhưng hợp tác xã cần cố gắng tổ chức chăn nuôi tập thể theo quy mô nhỏ, đồng thời phát triển mạnh việc chăn nuôi trong các nông trường quốc doanh và các hợp tác xã mới do khai hoang lập nên. Các cơ quan, thị trấn, công trường, lâm trường, doanh trại quân đội cũng phải tích cực chăn nuôi để cải thiện thêm đời sống. Ngoài việc phát triển lợn, gà, vịt... cần phát triển mạnh việc nuôi dê, nuôi ong mật, nuôi cá và tuỳ điều kiện từng nơi mà phát triển nuôi cừu, thỏ, hươu, nai.

Cần chú trọng khắc phục dần lối chăn nuôi tự nhiên, đưa công tác chăn nuôi đi vào có tổ chức và có kỹ thuật. Đối với việc chăn nuôi tập thể, cần phải có sự chuẩn bị tốt thức ăn, chuồng trại, có người chuyên trách, có chính sách công điểm thích đáng và chính sách hưởng lợi khuyến khích người nuôi trâu bò đẻ và bê nghé. Cần dành một phần sức lao động và đồng cỏ để cho gia đình xã viên chăn nuôi trâu, bò, ngựa.

c) Nghề rừng:

Rừng và đất rừng là tài sản của nhân dân, thuộc sở hữu toàn dân. Phương hướng phát triển nghề rừng là phải kết hợp chặt chẽ lực lượng của quốc doanh với lực lượng của hợp tác xã, kết hợp chặt chẽ việc bảo vệ, tu bổ, cải tạo và trồng rừng với việc khai thác và chế biến lâm sản, nhằm bảo đảm cung cấp thường xuyên và lâu dài sản phẩm lâm nghiệp cho nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế quốc dân, tăng thu nhập của nhân dân và Nhà nước, đồng thời phát huy tác dụng phòng hộ của rừng đối với sản xuất nông nghiệp. Cần có hướng khai thác và phát triển cụ thể thích hợp với tính chất từng loại rừng (rừng nứa, rừng núi đá, rừng gỗ), nhằm tuyệt đối bảo đảm việc tái sinh, tu bổ, cải tạo đi đôi với khai thác, làm cho rừng ngày càng giàu có về gỗ và các lâm sản khác, làm cho rừng ngày càng giàu có về gỗ và các lâm sản khác. Ngoài ra, cần khoanh một diện tích đồi trọc cần thiết vào trong phạm vi đất rừng Nhà nước để phục hồi hoặc trồng lại rừng, nhằm phục vụ cho công nghiệp, kết hợp với việc phục vụ nhu cầu phòng chống hạn, lũ, gió. Khuyến khích việc trồng cây gây rừng trong hợp tác xã và trong các gia đình đi đôi với tổ chức nhận khoán, việc khai thác, chế biến lâm sản và trồng rừng, tu bổ, cải tạo rừng với quốc doanh lâm nghiệp.

Cần phải đặt rất cao công tác bảo vệ rừng, tổ chức việc quản lý rừng chặt chẽ, chống mọi hiện tượng khai thác bừa bãi và những hiện tượng khai thác bừa bãi và những hiện tượng phát nương và khai hoang vào những diện tích rừng cần bảo vệ. Việc điều tra cơ bản, tìm hiểu và phát hiện những lâm sản quý của vùng nhiệt đới, việc quy hoạch thiết kế rừng, xây dựng các chế độ quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng các chế độ quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch phát triển các nguồn lợi của rừng, cũng cần phải được xúc tiến mạnh để phục vụ kịp thời cho việc phát triển nghề rừng theo quy mô ngày càng lớn. Đồng thời phải ra sức đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp, trong đó cần chú ý đào tạo những cán bộ người miền núi.

Ngoài ra, cần có chính sách và kế hoạch giải quyết thích đáng vấn đề nhân lực và lương thực để bảo đảm cho lâm nghiệp phát triển tương xứng với vị trí của nó ở từng vùng. Việc quy hoạch sử dụng đất đai giữa lâm nghiệp và nông nghiệp cũng phải làm sớm, do các ngành có liên quan cùng phối hợp nghiên cứu và quy định, dưới sự thống nhất chỉ đạo của Phủ thủ tướng và Uỷ ban hành chính các địa phương.

d) Công nghiệp và thủ công nghiệp:

Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp không những có tác dụng thúc đẩy trước mắt, mà còn có tác dụng thúc đẩy lâu dài đối với việc phát triển kinh tế miền núi, đặc biệt là đối với việc phát triển nông nghiệp. Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp ở miền núi phải bảo đảm sửa chữa và sản xuất cung cấp đủ các loại công cụ canh tác, tưới nước, vận chuyển, chế biến của địa phương, phát triển mạnh ngành chế biến nông lâm sản và tiến lên tự sản xuất lấy phần lớn những hàng tiêu dùng cần thiết thích hợp với các dân tộc miền núi. Hướng phát triển công nghiệp địa phương là ở thị trấn; hướng phát triển thủ công nghiệp là: vừa phát triển một số ngành quan trọng và cần thiết ở trị trấn, vừa phải tuỳ theo yêu cầu và khả năng mà phát triển nhiều cơ sở trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là sửa chữa, sản xuất nông cụ và chế biến nông lâm sản). Các nghề phụ như đan lát, dệt vải... thì chủ yếu là do gia đình xã viên làm. Để thúc đẩy công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, cần phải chú ý đến ba mặt sau đây: tăng cường cho các xưởng cơ khí của địa phương (cả về thiết bị cán bộ kỹ thuật và nguyên liệu), phát triển nhiều cơ sở thuỷ điện nhỏ, đào tạo nhiều cán bộ công nhân cho miền núi.

2. Phát triển sản xuất ở vùng cao:

Trong toàn bộ công tác phát triển nông nghiệp ở miền núi, đi đôi với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất ở vùng thấp, cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc phát triển sản xuất ở vùng cao và vùng giữa. Cần phải căn cứ vào khả năng và kinh nghiệm cụ thể ở từng vùng mà định phương hướng sản xuất, trong đó cần chú ý đến tình hình cư trú phân tán và những khó khăn về giao thông ở nhiều vùng. Nhìn chung, ở vùng giữa và vùng cao, trong thời gian trước mắt phải phát triển sản xuất lương thực để tự giải quyết và dự trữ tại chỗ, phát triển mạnh chăn nuôi, phát triển nghề rừng và phát triển một số loại cây công nghiệp thích hợp, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa dễ bảo quản và chuyên chở, nhưng phải có trọng tâm cho từng vùng, từng nơi một, và phải chú ý đến vấn đề tiêu thụ, chế biến, không nên vận động phát triển sản xuất một cách tràn lan. Ở những vùng khí hậu lạnh cần tích cực phát triển một số loại cây ôn đới như lanh, cây thuốc và một số cây ăn quả.

Phải trên cơ sở giải quyết đúng phương hướng sản xuất và phương hướng kỹ thuật mà dần dần tổ chức việc định canh định cư từng bước, theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, nhằm ổn định và cải thiện đời sống của đồng bào hiện còn du canh, giảm bớt được tình trạng đốt rừng và làm hỏng đất. Việc định canh chủ yếu là phải định canh tại chỗ; việc đưa đồng bào từ vùng cao xuống vùng thấp phải rất thận trọng và phải có sự chuẩn bị kỹ về nhiều mặt.

Yêu cầu chung của công tác định canh định cư là phải bảo đảm đời sống ổn định, tư tưởng ổn định và đoàn kết hết sức tránh tình trạng gò ép, gây ra những kết quả không tốt, có hại đến chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ Nhà nước cần dành vốn và phương tiện để giúp đỡ một phần cho đồng bào lúc đầu sản xuất và đời sống chưa đi vào nề nếp. Các cơ quan nông nghiệp và lâm nghiệp phải tuỳ theo khả năng mà giúp đỡ giải quyết công việc làm hoặc hướng dẫn sản xuất những ngành thích hợp. Các cấp uỷ địa phương phải nghiên cứu cụ thể điều kiện từng nơi và trực tiếp lãnh đạo công tác này; Ban dân tộc phụ trách nghiên cứu một số chính sách cụ thể để đề nghị Trung ương và Chính phủ thông qua, đồng thời theo dõi và kiểm tra sự thực hiện.

3. Công tác kỹ thuật:

Vì kỹ thuật miền núi rất phức tạp và có nhiều tính chất địa phương, cho nên công tác chỉ đạo kỹ thuật phải cụ thể, thích hợp và toàn diện. Kỹ thuật trồng trọt phải sát với từng vùng khí hậu và từng loại đất; ruộng bằng, đất thổ canh, ruộng bậc thang, đất đồi, nương rẫy. Kỹ thuật chăn nuôi, phải sát với khả năng và tập quán từng dân tộc. Việc tu bổ, cải tạo rừng cũng phải có kỹ thuật thích hợp để bảo đảm rừng tái sinh nhanh. Phương hướng chung của công tác kỹ thuật ở miền núi là hết sức khắc phục tình trạng lạc hậu từ lâu đời để lại bằng cách vừa coi trọng việc nghiên cứu, tổng kết và phát huy những kinh nghiệm tốt sẵn có của các dân tộc vừa tích cực phổ biến những kinh nghiệm tốt sẵn có của các dân tộc vừa tích cực phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến, chống bảo thủ, đồng thời chống máy móc, rập khuôn. Cần tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc tiến hành cơ giới hoá nông nghiệp ở miền núi nhưng phải thấy trước những khó khăn lâu dài để đi từng bước một cách vững chắc.

a) Thuỷ lợi: Phương châm công tác thuỷ lợi ở miền núi phải dựa vào phương châm thuỷ lợi chung của miền Bắc, nhưng cần phải chú trọng nhiều đến việc xây dựng các công trình loại vừa và loại nhỏ, phát triển nhiều phai, đập, hồ chứa nước, bảo đảm việc tưới nước kết hợp với việc chống xói mòn, giữ độ ẩm. Nhà nước cần có đầu tư đúng mức để xây dựng các công trình loại vừa và loại lớn, đồng thời giúp đỡ một phần và hướng dẫn cho hợp tác xã xây dựng các công trình loại nhỏ.

Yêu cầu công tác thuỷ lợi ở miền núi trong 5 năm là phải căn bản giải quyết được nạn hạn hán phổ biến cho lúa ruộng, đồng thời phải tận dụng mọi biện pháp để giữ độ ẩm cho những diện tích trồng mầu và cây công nghiệp. Cần tích cực nghiên cứu các biện pháp và công trình để chống xói mòn và chống lũ; kết hợp với việc xây dựng các hồ chứa nước và các đập ngăn nước mà phát triển các tuốc- bin tự động đưa nước lên cao mà phát triển thuỷ điện; kết hợp với công tác thuỷ lợi mà phát triển nuôi cá. Đặc biệt chú ý giải quyết nước cho đời sống và sản xuất ở các vùng khai hoang. Nghiên cứu giải quyết nước cho một số vùng chăn nuôi quan trọng.

Ở vùng cao, phải điều tra nguồn nước và nghiên cứu các loại công trình thích hợp để giải quyết nước cho sản xuất, cố gắng thanh toán nạn thiếu nước ăn cho nhân dân.

b) Kỹ thuật trồng trọt: Ngoài vấn đề nước, trong kỹ thuật trồng trọt cần phải đặc biệt chú ý đến các mặt sau đây:

- Đất: đặc điểm nổi bật của miền núi là đất dốc, cho nên biện pháp chống xói mòn, bảo vệ và cải tạo đất là một khâu rất quan trọng của kỹ thuật miền núi, phải kết hợp các mặt làm ruộng và nương bậc thang (biện pháp chủ yếu), với các mặt thuỷ lợi, trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng mà giải quyết từng bước. Uỷ ban khoa học Nhà nước cần cùng với Bộ Nông nghiệp và các ngành liên quan tổ chức nghiên cứu để sớm đề ra những biện pháp có hiệu quả để hướng dẫn cho các cấp thi hành, đồng thời từng địa phương cũng phải chú ý nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm của nhân dân mà phổ biến. Về phân bón cần phải tận dụng các nguồn phân dồi dào sẵn có ở miền núi, tích cực tổ chức và hướng dẫn việc giữ phân và chế biến phân; kết hợp việc vận động phong trào phân bón với việc vận động vệ sinh và vận động là chuồng nuôi gia súc. Ở những nơi hiện nay chưa có tập quán hoặc gặp khó khăn trong việc dùng phân thì phải qua việc làm thí nghiệm có kết quả tốt mà phổ biến. Việc sản xuất vôi ở miền núi cũng có thuận lợi hơn so với miền xuôi, cần nghiên cứu kỹ chất đất và mở rộng việc dùng vôi ở những nơi thích hợp.

- Giống: Phương hướng giải quyết giống ở miền núi là phải lựa chọn, bồi dưỡng, nhận và phổ biến rộng những loại giống tốt sẵn có là chủ yếu. Việc phổ biến những loại giống mới nhất thiết phải qua làm thí nghiệm có kết quả tốt ở từng xã và trong hợp tác xã. Phải kiện toàn tổ chức chuyên trách về quản lý giống và tổ chức việc chọn giống, giữ giống và quản lý giống trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Phải đặc biệt chú ý chuẩn bị đủ giống cây trồng và gia súc để cung cấp cho các cơ sở khai hoang.

- Phòng trừ sâu, chuột, châu chấu, thú rừng: công tác phòng trừ sâu, chuột, châu chấu, thú rừng ở miền núi có nhiều khó khăn và phức tạp. Nạn sương muối cũng thường gây ra nhiều thiệt hại. Vì vậy cần phải đặt công tác phòng trừ sâu, chuột, châu chấu, thú rừng, chống sương muối thành một công tác lớn thường xuyên. Phải xem trọng việc tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm sẵn có của nhân dân, đồng thời tích cực tăng thêm thuốc hoá học trong một phạm vi thích hợp. Cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc và những dụng cụ cần thiết để diệt trừ sâu chuột.

- Thời vụ sản xuất: vì thời vụ sản xuất ở miền núi sớm hơn, khí hậu trong từng vùng và trong từng xã cũng khác nhiều, cho nên cần phải nghiên cứu cụ thể tình hình để quy định thời vụ trồng trọt thích hợp cho từng loại cây ở từng nơi một. Hiện nay cần phải nghiên cứu và có kết luận cụ thể đẩy mạnh phát triển ở miền núi, mà tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa mùa; đồng thời phải nghiên cứu thời vụ đối với những loại hoa mầu và cây công nghiệp sẽ vận động phát triển mạnh ở một số vùng quan trọng.

c) Kỹ thuật chăn nuôi: Dựa theo tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi ở miền núi về căn bản cũng phải tập trung vào giải quyết tốt mấy vấn đề:

- Thức ăn: Cần định một số vùng cần giữ đất làm đồng cỏ và cải tạo một số đồng cỏ hiện có, đi đôi với việc trồng thêm thức ăn và vận động trữ cỏ khô, trữ rơm, để bảo đảm thức ăn quanh năm cho trâu, bò, ngựa; nghiên cứu tìm những loại thức ăn thích hợp cho trâu, bò sữa sẽ vận động phát triển. Về tiểu gia súc, phải trồng đủ thức ăn và hướng dẫn sử dụng những loại thức ăn phong phú sẵn có và dễ trồng, giảm dần việc dùng quá nhiều lúa và ngô để chăn nuôi.

- Giống gia súc: Phải có đủ số đực giống tốt để tăng tỷ lệ chửa đẻ của gia súc cái và phục hồi chất lượng của gia súc ở những nơi đang bị thoái hoá. Về chọn giống, cần chú ý trước hết lựa chọn và phổ biến những loại giống tốt hiện có ở địa phương việc lai tạo những giống mới rất cần thiết nhưng cũng phải dựa vào các giống địa phương là chủ yếu.

- Phòng trừ dịch bệnh và chăm sóc: Vấn đề cấp bách nhất là phải tổ chức chăn giắt tốt, có chuồng tốt, chuẩn bị đầy đủ thức ăn và vận động giữ vệ sinh cho gia súc, nhưng việc tiêm phòng cũng cần được chú ý. Kiên quyết vận động bỏ hẳn lối nuôi thả rông không có người chăm sóc và không có chuồng, vừa hại gia súc, hại hoa mầu, vừa mất phân bón. Ngoài ra cần chú ý tổ chức việc kiểm dịch gia súc để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ nơi này qua nơi khác.

d) Công cụ và sức kéo: Để tăng cường sức kéo, vấn đề chủ yếu là phải tổ chức chăn nuôi và chăm sóc trâu bò tốt, đồng thời sử dụng trâu bò hợp lý, để vừa tăng sản xuất, giảm sức lao động, vừa có thể dành thêm trâu bò cung cấp cho miền xuôi.

Về nông cụ, cần phải cố gắng cải tiến xong căn bản một số nông cụ lạc hậu, dùng những nông cụ tiến bộ của địa phương và những nông cụ nửa cơ giới thích hợp, đồng thời thí nghiệm bước đầu việc dùng một số máy móc nông nghiệp, nhất là ở các vùng khai hoang tập trung và trong một số cánh đồng lớn. Cần phải chú ý cải tiến các công cụ cày bừa, thu hoạch, vận chuyển, lấy nước, xay giã, chế biến và một số công cụ phục vụ cho khai hoang, công cụ của nghề rừng và công cụ chăn nuôi, Trong công tác cải tiến công cụ, phải rất coi trọng việc phát huy những sáng kiến và kinh nghiệm của địa phương, dựa vào những cơ sở cũ mà cải tiến và nâng cao, tránh rập khuôn và máy móc.

đ) Tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp: Nhiệm vụ, yêu cầu, phương hướng tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp ở miền núi phải dựa vào phương hướng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp nói chung và căn cứ vào phương hướng sản xuất cụ thể ở miền núi mà định. Yêu cầu của công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp ở miền núi là phải kết hợp được cả việc chuẩn bị cho lâu dài với việc phục vụ ngay trước mắt, kết hợp giữa công tác nghiên cứu khoa học với việc tổng kết những kinh nghiệm sẵn có của nhân dân. Trước hết cần đi sâu nghiên cứu giải quyết những vấn đề như: nghiên cứu chất đất, giải quyết việc canh tác trên đất đồi và việc chống xói mòn, việc cải tiến nông cụ và cơ giới hoá. Việc lựa chọn loại giống thích hợp, việc phòng chống sâu bệnh, dịch, việc phát triển trâu bò sữa và phát triển một số vùng cây công nghiệp quan trọng. Về mặt tổ chức Uỷ ban khoa học Nhà nước và Bộ nông nghiệp cần xúc tiến chuẩn bị và xây dựng cho Khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc những cơ sở nghiên cứu khoa học nông nghiệp và lâm nghiệp, xác định phương hướng nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở miền núi, mở rộng và tăng cường phương tiện và cán bộ cho các trại thí nghiệm của các tỉnh và mở rộng mạng lưới các trạm thí nghiệm ở từng vùng. Chú ý xây dựng dần các tổ chức khoa học kỹ thuật trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và tổ chức mạng lưới khí tượng đến từng khu vực.

Các cấp uỷ địa phương cần tăng cường lãnh đạo công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chỉ đạo tổng kết để kết luận một số vấn đề kỹ thuật quan trọng. Các cơ quan nông nghiệp ở địa phương cần được tăng cường để có đủ khả năng nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật. Các Bộ nông nghiệp, thuỷ lợi, nông trường quốc doanh,Tổng cục lâm nghiệp và các học viện nông lâm, học viện thuỷ lợi phải giúp đỡ cho miền núi về cán bộ phương tiện thống nhất chương trình nghiên cứu một số đề tài, phối hợp chặt chẽ và trực tiếp hướng dẫn tổng kết một số vấn đề kỹ thuật, bảo đảm cho công tác nghiên cứu được những nhiệm vụ phát triển sản xuất trước mắt và sau này.

4. Một số chủ trương, chính sách:

a) Vấn đề lao động: Cần tích cực khắc phục những khó khăn về tình trạng thiếu sức lao động và lao động bố trí quá phân tán ở miền núi, bảo đảm sức lao động cho nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, kiến trúc...Phương hướng giải quyết sức lao động ở miền núi là phải kết hợp việc phát huy và sử dụng tốt lực lượng lao động sẵn có ở miền núi với việc đưa thêm nhiều lực lượng lao động ở miền xuôi lên tăng cường cho miền núi; phải dựa vào phương hướng sản xuất là tập trung lực lượng chủ yếu vào các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông sản, lâm sản, tránh phân tán lực lượng đi làm những ngành nghề chưa thích hợp. Chú ý dành một lực lượng thanh niên cần thiết để làm nòng cốt cho sản xuất nông nghiệp miền núi, không nên đưa hết những thanh niên tích cực ở nông thôn thoát ly nông nghiệp. Cần chú trọng cải tiến những tập quán cũ là ít giờ, ít buổi, tăng thêm nhiều loại công cụ cải tiến và sử dụng thêm sức trâu, bò, ngựa vào những công việc thích hợp để giảm bớt sức người trong việc bố trí sử dụng lao động, phải hết sức tránh cho nhân dân phải đi quá xa và phải đi lại nhiều; có chính sách chiếu cố thích đáng đến việc huy động dân công ở vùng cao và những nơi dân cư lẻ tẻ; chú ý tăng cường công tác bảo hộ lao động, giữ gìn sức khoẻ, tổ chức bảo đảm an toàn lao động trong nghề rừng và trong công tác khai hoang.

b) Vấn đề lưu thông: Lưu thông có tác dụng rất quan trọng đến việc thúc đẩy sản xuất và mở mang văn hoá ở miền núi. Về mặt giao thông, trong những năm tới, cần kết hợp các mặt sản xuất công, nông nghiệp, lâm nghiệp và công tác trị an mà mở các đường giao thông vào những vùng xa xôi hẻo lánh; mở các đường ô tô đến các huyện lỵ, châu lỵ hiện nay chưa có, động viên và tổ chức quần chúng mở các đường liên xã và đường từ xã ra các đường lớn. Để phát triển mạnh giao thông vận tải, cần phải tăng cường các phương tiện cơ giới ở những nơi có điều kiện, nhưng phải hết sức coi trọng các phương tiện thô sơ, cải tiến và phương tiện nửa cơ giới, phát triển nhiều ngựa thồ, tích cực khai thác các đường thuỷ. Chú trọng việc cải tiến các công cụ làm đường và tăng cường thêm phương tiện cơ giới để làm đường ở những nơi cần thiết. Về thương nghiệp, cần tổ chức hoạt động đi sâu xuống tận cơ sở và các vùng ở xa, bảo đảm cung cấp những hàng cần thiết sát với yêu cầu của từng vùng, từng dân tộc, khơi luồng hàng, tăng mức thu mua nông sản, khuyến khích sản xuất phát triển và góp phần cải thiện đời sống của nhân dân miền núi. Chú trọng khôi phục và mở thêm một số chợ địa phương ở những nơi thuận tiện và tổ chức tốt hoạt động của các chợ đó. Cần nghiên cứu điều chỉnh giá một số loại nông sản, có chiếu cố thích đáng đến các vùng cao, vùng xa, nơi mới khai hoang và có chính sách thích hợp cho những nơi phải vận chuyển xa và khó khăn. Tăng cường giáo dục chính sách cho cán bộ thương nghiệp. Hoạt động của các thị trấn nhất là việc xây dựng thị trấn ở các tỉnh lỵ, huyện lỵ và những vùng kinh tế mới cũng có tác dụng quan trọng chẳng những để thúc đẩy việc giao lưu hàng hoá, kích thích sản xuất, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hoá, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm thay đổi bộ mặt của miền núi. Cho nên cần tổ chức hoạt động của các thị trấn hiện có và nghiên cứu để có quy hoạch xây dựng dần một số thị trấn mới ở một số vùng có điều kiện.

c) Việc đầu tư vốn: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có đầu tư thích đáng cho nông nghiệp miền núi. Phương hướng đầu tư và cho vay ở miền núi phải chú ý trước hết đến các vấn đề thuỷ lợi, giao thông, đến các công tác khai hoang, chăn nuôi trâu bò sinh sản, chế biến nông sản, lâm sản, phát triển công nghiệp địa phương và những ngành thủ công nghiệp quan trọng. Trong ngân sách của Nhà nước cũng như trong việc dự trù tiền cho vay, cần phải tính toán dành riêng hẳn một khoản cho miền núi. Ngoài việc đầu tư và cho vay sản xuất, cần dành một số thích đáng cho công tác đào tạo cán bộ dân tộc, cho việc định canh định cư, cho công tác văn hoá giáo dục và công tác y tế ở vùng cao và vùng giữa. Cần nghiên cứu thủ tục cho vay thật giản đơn, kết hợp việc cho vay vốn với việc cung cấp vật tư, đồng thời chú ý việc huy động vốn trong nhân dân và có biện pháp thu hút số tiền hiện còn ứ đọng vào sản xuất.

d) Việc quy vùng sản xuất: Vùng nông nghiệp ở miền núi nói chung là những vùng có tính chất tổng hợp, gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nhưng trong mỗi vùng đó, cần căn cứ vào điều kiện thiên nhiên và sản phẩm chính quan trọng và thích hợp nhất. Hiện nay, một mặt cần dựa vào những cơ sở sản xuất sẵn có và dựa vào kinh nghiệm của nhân dân mà đẩy mạnh phát triển sản xuất, đảm bảo cung cấp sản phẩm cho nhu cầu chung, mặ t khác phải nghiên cứu việc quy vùng bông, vùng cây có sợi, vùng chè, vùng trồng một số cây đặc sản quý, vùng chăn nuôi trâu bò sinh sản và trâu bò sữa. Trong khi nghiên cứu quy định vùng nông nghiệp, cần hết sức tận dụng khả năng sản xuất của từng vùng nhỏ và phân tán, không nên thiên về xây dựng các vùng sản xuất lớn mà xem nhẹ việc hướng dẫn sản xuất trong các vùng nhỏ. Đối với những vùng xung quanh các khu công nghiệp lớn cần phải tích cực tổ chức việc chuyển hướng dần sản xuất, biến thành những vùng sản xuất thực phẩm (rau, thịt, sữa, trứng, cây thực phẩm khác) là chủ yếu.

đ) Vấn đề phát triển văn hoá, giáo dục, y tế: Trình độ văn hoá còn thấp của miền núi hiện nay là một trong những trở ngại quan trọng cho việc phát triển xuất, củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Nâng cao trình độ văn hoá ở miền núi là một vấn đề cấp bách, có ý nghĩa và tác dụng to lớn đến việc thúc đẩy toàn bộ các mặt công tác. Trong thời gian tới cần nhanh chóng xoá nạn mù chữ, đẩy mạnh công tác giáo dục phổ thông và dần dần phát triển giáo dục chuyên nghiệp ở miền núi. Ở vùng giữa và vùng cao, cần phải có tổ chức giáo dục thích hợp, tăng thêm nhiều cán bộ có đủ năng lực để tổ chức các lớp học ngay tại xóm, bản. Cần mạnh dạn tổ chức các trường kết hợp học văn hoá với học chính trị, nghiệp vụ và kỹ thuật, kết hợp giữa học tập và lao động sản xuất.

Về các hoạt động văn hoá quần chúng, cần chú trọng phát huy và sử dụng mọi hình thức văn nghệ dân tộc lành mạnh, đồng thời hướng dẫn cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ đi sâu vào miền núi, có những hình thức và nội dung phản ánh được những đặc điểm hoạt động văn hoá, văn nghệ đi sâu vào miền núi, có những hình thức và nội dung phản ánh được những đặc điểm hoạt động của các dân tộc miền núi. Phát triển các hoạt động thể dục, thể thao và các hình thức vui chơi lành mạnh khác.

Về công tác y tế, hiện nay ngoài việc tiếp tục chống bệnh sốt rét, cần đặc biệt chú đến việc vận động vệ sinh phòng bệnh, phát triển thêm các trạm y tế, hộ sinh ở cơ sở, đào tạo nhiều cán bộ y tế người dân tộc, phát triển các tuít thuốc trong hợp tác xã. Ở vùng cao cần có một số cán bộ y tế chuyên trách ở từng vùng, đi sâu vào giúp quần chúng tổ chức công tác y tế, vệ sinh và chữa những bệnh thông thường, tăng cường thuốc men và phương tiện cho các vùng đó.

Trên cơ sở phát triển công tác văn hoá và y tế, cần giáo dục và hướng dẫn cho đồng bào dần dần hạn chế đi đến xoá bỏ những mê tín dị đoan và những phong tục tập quán còn lạc hậu đang cản trở việc phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.

e) Công tác bảo vệ sản xuất, bảo vệ hợp tác xã:

Do vị trí hiểm trở và có đường biên giới dài, miền núi là một trong những nơi địch đang tìm mọi cách xâm nhập và phá hoại, cho nên công tác bảo vệ sản xuất, bảo vệ trị an rất lớn và quan trọng. Cần phải kết hợp trong việc vận động sản xuất củng cố hợp tác xã mà tăng cường giáo dục cho cán bộ và nhân dân về ý thức cảnh giác chính trị, đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ trị an, bảo vệ sản xuất; trấn áp bọn phản động phá hoại hiện hành, tiễu phỉ trừ biệt kích, đập tan mọi luận điệu phản tuyên truyền của địch. Cần củng cố lực lượng công an xã và dân quân để làm nòng cốt cho phong trào bảo vệ trị an, bảo vệ sản xuất. Phải lựa chọn những người tốt để đưa họ vào Ban quản trị hợp tác xã và các bộ phận phụ trách công tác sản xuất, không để cho những phần tử xấu lọt vào, gây ra những hoạt động phá hoại sản xuất. Các ngành có trách nhiệm quản lý biên giới cần tăng cường công tác quản lý biên giới chặt chẽ hơn nữa, nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả kẻ địch lọt vào nội địa ta hoạt động phá hoại.

 

IV. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỤ THỂ VỀ HỢP TÁC HOÁ NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI

Cùng với việc phát triển các nông trường và lâm trường quốc doanh, cần phải kiên trì củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, để làm chỗ dựa vững chắc cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ở miền núi. Nguyên tắc chung của công tác củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở miền núi là: hết sức tận dụng những thuận lợi về đất nhiều, chăn nuôi nhiều, nguồn lợi phong phú mà đẩy mạnh phát triển sản xuất và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của hợp tác xã, nhưng đối với công tác tổ chức và đối với một số chính sách tổ chức hợp tác xã thì phải tiến hành thận trọng, tránh gây ra việc xáo trộn tổ chức nhiều và gây ra những sự đột ngột cần thiết trong tư tưởng và trong sản xuất.

1. Về tổ chức hợp tác xã:

Mở rộng quy mô hợp tác xã là một mặt quan trọng để tăng cường lực lượng của hợp tác xã, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng quy mô hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở miền núi phải thích hợp với điều kiện địa lý, dân cư và trình độ quản lý của cán bộ. Theo nguyên tắc đó. một mặt phải tích cực tạo điều kiện để mở rộng dần một cách thận trọng quy mô hợp tác xã, nhưng hiện nay chỉ tổ chức những hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ, khoảng từ 20 đến 30 hộ, lấy bản hoặc xóm làm đơn vị; trừ một số ít nơi có điều kiện gần giống như miền xuôi thì quy mô hợp tác xã có thể to hơn một ít. Những hợp tác xã đã tổ chức quá to, công tác quản lý gặp khó khăn, sản xuất không tốt thì nên có kế hoạch chu đáo để chia nhỏ với quy mô thích hợp. Các hợp tác xã do khai hoang lập nên thì có thể tổ chức khoảng từ 30 hộ, 50 hộ đến trên dưới 100 hộ. Việc đưa hợp tác xã lên bậc cao phải theo đúng những điều kiện đã quy định, không được làm gượng ép.

ở vùng cao (cả vùng giữa), trong khi chờ đợi nghiên cứu quy định những hình thức tổ chức thích hợp, cần phát triển tổ đổi công để giúp nhau sản xuất. Đối với những hợp tác xã đã tổ chức, cần củng cố một số ít thật có đủ điều kiện để rút kinh nghiệm và làm gương mẫu cho nhân dân, còn nói chung nên chủ động chuyển xuống tổ đổi công hoặc có thể vẫn giữ hình thức hợp tác xã, nhưng nội dung hoạt động thì đơn giản.

ở những nơi có nhiều dân tộc ở xen kẽ, việc phát triển xã viên và hợp tác xã phải tiến hành rất thận trọng, phải nắm vững nguyên tắc tự nguyện và giải quyết hợp lý những sự chênh lệch về kinh tế, bảo đảm được đoàn kết tốt và sản xuất tốt. Trong công tác quản lý lao động, quản lý sản xuất, cần phải chiếu cố đúng mức đến tập quán và kinh nghiệm của từng dân tộc, đồng thời nếu có điều kiện và quần chúng yêu cầu, có thể chia riêng các đội sản xuất theo từng thành phần dân tộc.

2. Đường lối giai cấp và chính sách:

a) Đường lối giai cấp:

Đường lối giai cấp ở nông thôn miền núi phải vận dụng sát với tình hình đã căn bản thay đổi hiện nay, đồng thời cũng phải chú ý đúng mức đến các vấn đề tồn tại, không thể sớm xoá bỏ ranh giới giữa các tầng lớp giai cấp ở miền núi.

Ở vùng giai cấp đã phân hoá rõ rệt, về căn bản vẫn phải chấp hành đúng đường lối giai cấp đã quy định chung, tức là một mặt tiếp tục củng cố và bồi dưỡng chỗ dựa là bần nông và trung nông lớp dưới, mặt khác phải quán triệt sâu sắc hơn tinh thần đoàn kết chặt chẽ với trung nông. Ở vùng giai cấp chưa phân hoá rõ rệt thì nhấn mạnh tinh thần dựa vào nông dân lao động, đồng thời chú ý tranh thủ và đoàn kết tầng lớp trên. Nói chung ở cả hai vùng đều phải hết sức chú ý đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Tất cả đều nhằm xây dựng tốt hợp tác xã và tổ đổi công, đẩy mạnh phát triển sản xuất, củng cố căn cứ địa, củng cố biên phòng, cảnh giác với âm mưu của địch.

Trong công tác tổ chức hợp tác xã, cần phải hết sức đề phòng những phần tử địch chui vào phá hoại, nhưng đối với nông dân lao động thì không nên quá phân biệt giữa bần nông với trung nông lớp dưới. Những chức vụ chủ chốt trong ban quản trị phải do những cốt cán là bần nông và trung nông lớp dưới đảm nhiệm, nhưng ở những hợp tác xã có nhiều xã viên là trung nông lớp trên, cũng cần phải có thành phần trung nông lớp lớp trên than gia vào ban quản trị. Các đội trưởng sản xuất hoặc tổ trưởng lao động thì chủ yếu nên chọn những nông dân có kinh nghiệm sản xuất giỏi và có bảo đảm về chính trị, không nên quá phân biệt bần nông và trung nông. Đối với tầng lớp trên, những người nào đã thật sự lao động cải tạo, có thái độ tốt và được xã viên đồng ý thì được kết nạp vào hợp tác xã. Những địa chủ, phú nông đã được cải tạo, nếu đủ những điều kiện như trên cũng được kết nạp vào hợp tác xã làm xã viên thường.

Trong các hợp tác xã có nhiều thành phần dân tộc cần phải có người đại diện xứng đáng của họ trong ban quản trị và ban kiểm soát của hợp tác xã.

b) Chính sách đối với trâu bò và cây lâu năm:

Rút những kinh nghiệm vừa qua, việc chấp hành chính sách đối với trâu, bò, cây lâu năm, rừng ở 5 miền núi phải rất thận trọng và chắc chắn, tránh tiến hành tràn lan và nhất loạt.

Đối với trâu bò, phải căn cứ vào yêu cầu sản xuất, vào trình độ tổ chức quản lý và trình độ giác ngộ của xã viên mà tiến hành công hữu hoá từng phần, công hữu hoá trâu bò cày kéo trước, trâu bò sinh sản sau, hoặc trâu bò sinh sản không có nhiều thì chỉ công hữu hoá đủ số trâu bò cày kéo. Ở vùng cao, nói chung chưa đặt vấn đề công hữu hoá trâu bò. Ngựa thồ thì nhất thiết chưa công hữu hoá. Giá công hữu hoá và giá thuê trâu bò phải trả theo đúng thời giá trung bình ở địa phương, không nên đặt quá cao hay quá thấp. Những nơi đã công hữu hoá trâu bò sinh sản, nếu tổ chức chăn nuôi tốt thì cần phải tiếp tục chăn nuôi, nhưng nếu vì công tác quản lý kém, trâu bò bị gầy yếu, không phát triển được, thì chỉ nên giữ lại đủ số trâu bò cày kéo, số còn lại nên giao lại cho những người có trâu bò và thuộc quyền sở hữu của họ. Đối với trâu bò cày kéo đã công hữu hoá, nếu tổ chức nuôi tập trung gặp khó khăn thì cần cho nuôi phân tán để bảo đảm trâu bò béo khoẻ. Tiền công hữu hoá trâu bò hợp tác xã còn nợ của xã viên phải trả dần cho họ theo đúng chính sách; tiền công hữu hoá trâu bò sinh sản thì có thể trả trước một phần và thời hạn trả ngắn hơn. Nhà nước cần cho hợp tác xã vay một phần để trả dần tiền mua trâu bò của xã viên.

Cây lâu năm và rừng cây của xã viên chưa nhập hợp tác xã. Nơi nào đã đưa vào hợp tác xã rồi thì cần xem xét lại giá cả để giải quyết cho đúng hoặc nếu xã viên yêu cầu thì nên giao lại cho họ một ít để sử dụng riêng. Những cây trồng lẻ tẻ, trồng trong vườn và trồng trên những đất để lại cho xã viên thì không công hữu hoá, nhưng nơi nào đã cong hữu hoá loại cây trên phải có kế hoạch giao lại cho chủ cũ.

3. Công tác quản lý hợp tác xã:

Yêu cầu và phương hướng chung của công tác quản lý hợp tác xã ở miền núi là: phải bảo đảm sản xuất tốt, đời sống của xã viên không ngừng được cải thiện và hợp tác xã được củng cố.

Một mặt phải bảo đảm cho kinh tế hợp tác xã nắm được những ngành sản xuất chính và những loại sản xuất chính, nhằm phát triển mạnh kinh tế phụ của gia đình xã viên để vừa có lợi cho sản xuất chung, vừa tăng cường được kinh tế tập thể của hợp tác xã. Theo tinh thần đó, hợp tác xã phải nắm vững ba ngành chính là trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng còn thủ công nghiệp và nghề phụ thì chỉ nên nắm một ít ngành cần thiết. Trong mỗi ngành lại phải tuỳ theo tình hình thực tế mà nắm những loại chính và quan trọng, không phải cái gì cũng kinh doanh một ít, quá phân tán và tủn mủn. Để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lại phải nắm được những tư liệu sản xuất chính và cố gắng sử dụng được khoảng 3/5 lao động và xã viên.

Những quy định về công tác quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp miền núi một mặt phải bảo đảm những nguyên tắc chung, nhưng mặt khác phải giản đơn và thích hợp, không nên rập khuôn và máy móc theo như những quy định đối với miền xuôi. Về kế hoạch sản xuất, trước hết cần cố gắng xây dựng được kế hoạch một vụ, dần dần xây dựng kế hoạch cả năm, tiến lên đề ra được những mục tiêu lớn của kế hoạch dài hạn. Việc 3 khoán cũng nên đi dần từng bước và rút kinh nghiệm mà bổ khuyết dần, không nên đề ra nhiều yêu cầu ngay một lúc. Về quản lý tài chính, phải bảo đảm tài chính công khai, thanh toán rõ ràng nhưng cách lập sổ sách và tính toán thì không nên phức tạp. Phải thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời chiếu cố đến truyền thống đoàn kết tương trợ của đồng bào các dân tộc; chú ý phân phối thích đáng đối với nghề rừng và giải quyết quan hệ phân phối trong những hợp tác xã có nhiều thành phần dân tộc.

Phải tích cực bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tìm mọi biện pháp để nhanh chóng đào tạo cán bộ tại địa phương là chủ yếu, kết hợp với việc đưa cán bộ đến bổ sung, giúp đỡ cho những hợp tác xã quá yếu; cố gắng bảo đảm cho mỗi hợp tác xã có một chủ nhiệm và một kế toán nắm được công tác quản lý hợp tác xã để làm nòng cốt.

4. Kinh tế phụ gia đình của xã viên:

Kinh tế phụ của gia đình xã viên cần được chiếu cố đúng mức. Tuỳ theo tình hình cụ thể, các hợp tác xã có thể để đất đai lại cho xã viên nhiều hơn 5% một ít, nhưng chủ yếu là để đất, không để ruộng (nếu đã để ruộng rồi thì cũng không nên sáo trộn lại). Về chăn nuôi, ngoài tiểu gia súc cần khuyến khích các gia đình xã viên nuôi riêng trâu bò, ngựa (mỗi hộ có thể nuôi 5 con, 7 con hoặc nuôi nhiều hơn nữa). Về trồng trọt, ngoài việc trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng thức ăn cho gia súc trên đất để lại, có thể giao thêm đất cho xã viên trồng một số bông để dùng cho gia đình, trồng một ít cây lấy gỗ hoặc trồng gai bán cho Nhà nước, nhưng số diện tích đất giao thêm đó không nên quá 3 sào cho một hộ, ngoài ra xã viên còn có thể đi lấy lâm sản phụ và làm một số nghề phụ khác. Trong công tác quản lý lao động hợp tác xã cần tính toán lao động cần thiết cho xã viên làm kinh tế phụ, nhưng cần nghiên cứu hạn chế dần tình trạng xã viên tự do phát nương để làm thêm, ngoài phần đất đã dành lại cho họ. Những cơ sở sản xuất của kinh tế phụ gia đình dù nhiều, dù ít đều không được nhập hợp tác xã.

5. Cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã:

Để tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở miền núi, chúng ta cần phải xuất phát từ những đặc điểm của miền núi mà đề ra giải quyết những vấn đề thiết thực và cụ thể. Thuận lợi của miền núi là: có ruộng đất nhiều, sức kéo đầy đủ, nguồn lợi thiên nhiên phong phú, nhưng khó khăn là: trình độ kỹ thuật thấp, cơ sở kỹ thuật rất thiếu và quá đơn giản. Vì vậy, về lâu dài cần phải dần dần trang bị máy kéo cũng như các máy móc nông nghiệp khác cho hợp tác xã, thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, nhưng trước mắt, đi đôi với việc nghiên cứu thí điểm dùng máy kéo ở một số nơi có điều kiện, cần phải tập trung xây dựng một số cơ sở thích hợp có tác dụng thiết thực thúc đẩy sản xuất. Cụ thể là: xây dựng các công trình thuỷ lợi, bảo đảm đủ nước tưới cần thiết để tăng diện tích và tăng năng suất; tăng cường thêm số lượng và chất lượng trâu bò cày kéo; phát triển các cơ sở sửa chữa và sản xuất nông cụ, trữ phân và chế biến phân, các cơ sở chọn giống, giữ giống và các cơ sở thí nghiệm; phát triển các cơ sở chăn nuôi tập thể, các cơ sở chế biến nông sản, lâm sản; xây dựng nhà kho, sân phơi, một số cơ sở phúc lợi tập thể trong hợp tác xã...Ngoài ra, tuỳ điều kiện từng nơi mà xây dựng các cơ sở thuỷ điện nhỏ, mau sắm một số máy bơm và một số máy chế biến nông lâm sản.

6. Công tác chính trị và tư tưởng:

Yêu cầu của công tác chính trị và tư tưởng ở miền núi trong thời gian tới là phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc miền núi hiểu sâu hơn nữa tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về vấn đề xây dựng kinh tế miền núi và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và lần thứ 7. Trên cơ sở đó, ra sức nâng cao nhiệt tình cách mạng, lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ tập thể, truyền thống lao động cần cù và đoàn kết của nhân dân các dân tộc, động viên mọi người tích cực bỏ sức, bỏ vốn vào sản xuất, ra sức củng cố và tăng cường lực lượng của hợp tác xã, đẩy mạnh phong trào cải tiến nông cụ và cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất lương thực (lúa, hoa mầu), chăn nuôi, nghề rừng, cây công nghiệp. Cần khắc phục mọi biểu hiện dễ dàng thoả mãn với những kết quả đã đạt được và các tư tưởng tự ti, bảo thủ, ngại khó, ỷ lại vào thiên nhiên. Đề cao tinh thần tiết kiệm trong sản xuất và trong việc sử dụng tài nguyên, sử dụng sản phẩm.

Cần tiếp tục nâng cao lập trường giai cấp; xác định rõ thêm ranh giới giữa lao động và bóc lột; chú trọng giáo dục ý thức đoàn kết dân tộc và tinh thần bình đẳng dân tộc, khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng dân tộc lớn và tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Đề cao cảnh giác, kịp thời đập tan những âm mưu chia rẽ dân tộc của bọn phản động, kiên quyết trừng trị bọn biệt kích, thổ phỉ.

Để tăng cường công tác tư tưởng ở miền núi, cần điều tra, nghiên cứu nắm vững tình hình đặc điểm chung và tình hình tư tưởng của các dân tộc, chống mọi thái độ và cách làm giản đơn, hời hợt, hoặc rập khuôn máy móc cách công tác ở miền xuôi. Đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân miền xuôi, đối với đồng bào miền xuôi lên làm công trường, nông trường hoặc đi khai hoang, cần có kế hoạch tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi người hiểu rõ hơn về tì nh hình miền núi và những nhiệm vụ của Đảng đối với miền núi hiện nay, do đó mà động viên mọi người sẵn sàng góp sức mình để giúp đỡ các dân tộc miền núi phát triển kinh tế và văn hoá, thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ.

 

V. TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI

Trong và sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nông nghiệp miền núi sẽ phát triển mạnh và có những chuyển biến mới rất lớn. Công tác lãnh đạo nông nghiệp ở miền núi phải được đặt cao hơn và phải được tăng cường để đáp ứng với tình hình mới đó.

1. Yêu cầu của công tác lãnh đạo nông nghiệp ở miền núi hiện nay là phải vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách chung sát với đặc điểm từng vùng, bảo đảm quán triệt được những phương hướng và nhiệm vụ đã đề ra vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, để đưa phong trào hợp tác hoá nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ở miền núi tiến lên một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; khắc phục mọi biểu hiện rập khuôn, máy móc. Cần nắm vững những thuận lợi để ra sức phát huy, đồng thời phải nhìn thấy hết những khó khăn và nhược điểm của miền núi để tích cực tạo điều kiện khắc phục dần, hết sức tránh thái độ bi quan hoặc khuynh hướng phân tán đã bắt đầu nẩy ra trong một số cán bộ, đảng viên.

2. Nhiệm vụ và chức trách của các cấp, các ngành ở miền núi về căn bản cũng theo như quy định trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5. Do đó cần phải tăng cường cán bộ và phương tiện cho cấp tỉnh để có thể dần dần trực tiếp nắm được cấp xã, đồng thời cũng cần phải tăng cường đúng mức cán bộ có chất lượng cho cấp huyện, để có thể đi sâu được xuống xã và hợp tác xã, giúp cho cấp tỉnh chỉ đạo kịp thời. Đối với cấp xã, một mặt phải hết sức chú trọng bồi dưỡng cán bộ địa phương thuộc thành phần các dân tộc để họ có đủ năng lực lãnh đạo mọi công tác, nhưng cũng cần chú ý tăng cường cán bộ phụ trách có năng lực cho một số cấp uỷ viên và cử một số cán bộ có năng lực về trực tiếp công tác ở cấp dưới và cơ sở, để tăng cường cho dưới và giúp cho việc lãnh đạo của cấp uỷ được sát và cụ thể hơn.

3. Cần phải có chính sách toàn diện về việc đào tạo cán bộ và tăng cường cán bộ cho miền núi (cả cán bộ chính trị và cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ); có chính sách thích hợp để khuyến khích cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền núi, khuyến khích cán bộ học tiếng nói và chữ viết dân tộc, đi sâu vào công tác lâu dài ở miền núi. Cần có chính sách tuyển sinh thích hợp để tuyển nghiệp vụ trung cấp và đại học; có chính sách bồi dưỡng thêm về văn hoá và giúp đỡ cụ thể hơn nữa về tài chính, về cán bộ để mở các trường văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ ở địa phương. Biên chế tổ chức cũng phải được nghiên cứu quy định sát cho từng địa phương và từng cấp.

4. Các ngành trung ương cần phải quán triệt vị trí và đặc điểm của miền núi, đi sát ý kiến cho các địa phương và đi sâu vào nắm các mặt công tác tổ chức, chính sách, đào tạo cán bộ, kiểm tra công tác ở cơ sở và tổng kết kinh nghiệm. Cần tăng cường bộ phận chuyên trách theo dõi miền núi của các ngành, trong đó cần có một số cán bộ người dân tộc miền núi. Đối với các tỉnh vừa có miền xuôi, vừa có miền núi cần phải tăng cường tổ chức chuyên trách miền núi và quy định trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức đó. Những nơi có nhiều vùng cao cũng phải lập bộ phận chuyên trách công tác ở vùng cao và tăng cường cán bộ, tăng cường phương tiện làm việc cho bộ phận đó.

5. Cần đặc biệt chú trọng tăng cường công tác xây dựng và củng cố cơ sở Đảng, chấp hành đúng tinh thần nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và nghị quyết của Hội nghị tổ chức lần thứ 5 về công tác chủng cố cơ sở Đảng ở nông thôn, làm cho tổ chức cơ sở Đảng ở miền núi lãnh đạo thống nhất được mọi mặt hoạt động ở xã, chủ yếu là lãnh đạo việc củng cố và tăng cường hợp tác xã, giữ vững đoàn kết nông thôn, đoàn kết dân tộc, động viên quần chúng đẩy mạnh sản xuất, chấp hành tốt mọi chính sách, nhằm cải thiện đời sống của nông dân, phát triển kinh tế và cảnh giác với âm mưu phá hoại của địch. Trên cơ sở đó nâng cao tinh thần phấn đấu của Đảng viên và củng cố vai trò lãnh đạo của chi bộ.

Cần tiến hành sắp xếp lại tổ chức và sửa đổi lề lối làm việc của xã, bố trí lại lực lượng lãnh đạo và tăng cường cơ quan lãnh đạo của tổ chức cơ sở để thiết thực tăng cường lãnh đạo sản xuất, trước mắt là thi hành tốt nghị quyết 35 của Ban bí thư về sửa đổi lề lối làm việc và thi hành chế độ cán bộ xã. Việc bồi dưỡng cán bộ xã không phải chỉ trong việc huấn luyện, mà còn phải bồi dưỡng trong công tác thực tế, lấy việc kiểm điểm và tổng kết công tác mà nâng cao nhân thức tư tưởng và trình độ lãnh đạo của họ. Cùng với việc củng cố cơ sở Đảng cần có kế hoạch từng bước củng cố các tổ chức chính quyền, đoàn thanh niên lao động, Hội liên hiệp phụ nữ, phát huy tác dụng của các tổ chức đó ở cơ sở, đồng thời thiết thực tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng.

Phát triển nông nghiệp ở miền núi là một nhiệm vụ trọng yếu của công cuộc phát triển kinh tế chung ở miền Bắc. Chúng ta có những thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn phải khắc phục. Cán bộ các ngành, các cấp cần phải đi sâu, đi sát hơn nữa vào công tác miền núi, tổ chức và động viên lực lượng của đồng bào các dân tộc, để phát triển sản xuất, cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân, tăng cường lực lượng của hợp tác xã và phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà.

 

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 137-178. 

Nguồn: Website Ủy ban Dân tộc

Các tin khác