Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 343

  • Tổng 963.796

Quảng Bình xây dựng đội ngũ cán bộ gương mẫu, đi đầu

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Ðể tiếp tục hoàn thiện quy trình bổ nhiệm cán bộ, lựa chọn được gương mặt xứng đáng với vị trí, công việc, Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu cán bộ ứng cử phải báo cáo chương trình hành động trước cấp ủy cùng cấp. Việc làm này góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ trong giai đoạn mới.

 Nhiều cán bộ trẻ gương mẫu

Một tuần làm việc mới của Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) Phạm Văn Bắc thường không phải ở bàn giấy mà là chuyến công tác đến các bản, làng xa để thăm hỏi người dân, kiểm tra các mô hình sản xuất. Ðược giao phụ trách lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo ở xã biên giới Trọng Hóa cho nên đồng chí Bắc luôn trăn trở, bởi đồng bào các dân tộc Khùa, Mày, Sách nơi đây chỉ quen với việc đi rừng và làm nương rẫy. Sau những lần khảo sát, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Bắc quyết định dùng tiền cá nhân mua ống dẫn nước, thuê phương tiện cơ giới rồi vận động ông Hồ Khiên, trưởng bản cải tạo vùng đất bằng phẳng ở bản Dộ - Tà Vờng để trồng lúa nước theo kiểu ruộng bậc thang. Vụ lúa nước đầu tiên năm 2020, Bắc hướng dẫn ông Hồ Khiên làm 688 m2, cuối vụ cho năng suất khá cao, dân bản kéo nhau ra xem ai cũng vui. Ðể mở rộng diện tích lúa nước, đầu năm 2021, đồng chí Phạm Văn Bắc đề xuất và được Ðảng ủy xã cử anh cùng với trưởng bản Hồ Khiên ra các tỉnh miền núi phía bắc tìm hiểu mô hình làm ruộng bậc thang. Trở về, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Bắc huy động máy móc, nhân lực, giúp ông Khiên làm mảnh ruộng thành những ô, thửa đẹp mắt, rồi hướng dẫn người nông dân Khùa giàu ý chí này ngâm, ủ giống để gieo sạ. Vụ đông xuân mới đây, ruộng lúa nước của ông Hồ Khiên đạt năng suất 50 tạ/ha. Ðây là bước đột phá để thay đổi tập quán sản xuất cho đồng bào nơi đây.

Cũng gắn bó với dân bản, cho nên Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) Trần Hưng Lâm có cái nhìn tương tự. Ðó là phải thay đổi cho được sự thụ động trông chờ trợ giúp của Nhà nước mà chưa tự tạo lập sản xuất để ổn định đời sống. Người A Rem ở đây có thói quen thả rông gia súc ngay dưới nhà sàn vừa ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh. Ðến ngay cái nhà, khu vườn cũng chưa biết rào lại để bảo vệ và cải tạo trồng rau, quả phục vụ cuộc sống hằng ngày. Ðược cấp trên điều động, luân chuyển làm Phó Bí thư Ðảng ủy xã, Trần Hưng Lâm đã cùng với tập thể Ðảng ủy xã xây dựng các đề án về bảo vệ môi trường, trồng cây tạo cảnh quan ở trung tâm xã và các bản để tuyên truyền, vận động dân bản làm theo. Ðể phát triển kinh tế, anh vận động người dân tỉa thưa, chăm sóc vườn cây sưa sắp đến kỳ thu hoạch, chủ động nguyên liệu để tạo ra sản phẩm ớt, măng khô A Rem, triển khai trồng cây dong lấy tinh bột. Cần mẫn với công việc, kể cả ngày nghỉ cuối tuần anh Lâm cũng ở lại để cùng làm hoặc các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bà con A Rem. Nhờ vậy, nhận thức và hành động của đồng bào nơi đây dần có những thay đổi cơ bản.

Dù được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch chưa lâu nhưng TS Nguyễn Cẩm Long đã nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp địa phương này. Với sự xông xáo, kiến thức rộng và gần gũi với người nông dân, anh Long như người thân của cán bộ các hợp tác xã và bà con nông dân nơi đây. Anh cũng là người tham gia lập đề án rồi bám địa bàn cùng với người dân xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu ở miền tây Bố Trạch. Nhiều sản phẩm dược liệu của huyện trở thành sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận. Gần đây, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Bố Trạch luôn dẫn đầu ở tỉnh Quảng Bình nhờ biết phát huy tiềm năng để mang lại giá trị cao. Có lẽ vì thế cho nên khi giới thiệu những gương cán bộ trẻ mới được bổ nhiệm, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Lê Công Toán cho rằng, họ đều là cán bộ có năng lực, được khảo sát kỹ và phải giới thiệu được rành mạch, rõ ràng chương trình hành động của bản thân khi được bổ nhiệm vào vị trí đó.

Bổ nhiệm đúng người, đúng việc

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Vũ Khiêm đánh giá, tuy đã có nhiều bước tiến trong công tác cán bộ, nhưng việc bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử ở địa phương vẫn còn hạn chế, tuyển chọn cán bộ chưa có tính cạnh tranh cao. Việc giới thiệu cán bộ ứng cử qua các bước lấy ý kiến, thăm dò bằng phiếu tín nhiệm vẫn còn một số hạn chế nhất định. Có trường hợp đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc.

Ðể khắc phục những hạn chế đó, Tỉnh ủy Quảng Bình vừa ban hành đề án về đổi mới một số khâu trong quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ, trong đó chú trọng các nội dung khảo sát nhân sự trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thông qua báo cáo chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ðến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 18 cán bộ tham gia báo cáo chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi bổ nhiệm. Qua các cuộc sát hạch này cho thấy, chương trình hành động của các ứng cử viên được chuẩn bị chu đáo, thể hiện được năng lực, sự sâu sát, có các kế hoạch, giải pháp phát triển địa phương, đơn vị. Sau khi các ứng cử viên trình bày nội dung hành động của mình, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu câu hỏi nhằm đánh giá năng lực, xem xét các nội dung công việc mà ứng cử viên sẽ triển khai, trên cơ sở đó để góp ý, hoàn thiện chương trình hành động.

Ðồng chí Trần Vũ Khiêm nhận xét, báo cáo chương trình hành động được xem như nội dung cam kết trước khi được bổ nhiệm nên ứng cử viên đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về nhiệm vụ, chức trách sắp tới; dự kiến những việc sẽ làm, chủ động tiếp cận nhanh với công việc và đầu tư, suy nghĩ những giải pháp toàn diện nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác. Sau một thời gian thực hiện đề án, các cán bộ được bổ nhiệm đều phát huy được vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Còn theo Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Lê Công Toán, thực hiện đề án đổi mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã bổ nhiệm bốn cán bộ lãnh đạo các cơ quan, địa phương và qua theo dõi, tất cả đều phát huy tốt năng lực của mình trên cương vị mới. Ban Thường vụ Huyện ủy không chỉ dõi theo để xem cán bộ được bổ nhiệm có thực hiện đúng chương trình hành động hay không mà còn ký cam kết về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để nói đi đôi với làm và làm phải mang lại hiệu quả. Là người được luân chuyển, điều động giữ chức Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tân Trạch thông qua quy trình đánh giá chương trình hành động, anh Trần Hưng Lâm xác định rõ nhiệm vụ của mình là cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương làm thay đổi suy nghĩ của đồng bào vùng cao trước một công việc dù nhỏ nhất như giữ vệ sinh môi trường hay xóa các hủ tục để làm chủ cuộc sống. Giảm dần, tiến tới xóa bỏ thói quen trông chờ sự hỗ trợ mà phải biết chủ động sản xuất để vươn lên. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Trần Hưng Lâm chia sẻ: “Làm cán bộ ở vùng cao cái gì cũng phải biết làm, làm thì bà con mới làm theo, nghe theo, từ đó mới dần thay đổi thói quen lạc hậu được”.

Ban Biên tập: Nguồn "Báo Nhân dân"

Các tin khác