Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 1542

  • Tổng 1.004.193

Quy về một mối để quản lý và lồng ghép thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Quảng Bình là một tỉnh có vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đông, trong đó vùng DTTS và miền núi chiếm 75.600 hộ với 288.430 người, trong đó có 1.703 hộ dân tộc Chứt, 4.346 hộ dân tộc Bru - Vân Kiều. Ngoài ra, còn một số dân tộc khác có số lượng rất ít, sinh sống đan xen cùng các dân tộc khác như Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa Cô... Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 6,98% tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS 69,79%. Đời sống Nhân dân nhất là đồng bào DTTS, miền núi còn khó khăn; khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa người Kinh và đồng bào DTTS còn rất lớn; công tác giảm nghèo chưa vững chắc; tâm lý còn trông chờ, ỷ lại hoặc không muốn thoát nghèo để được hưởng ưu đãi của Nhà nước trong một bộ phận Nhân dân là lực cản lớn trong công tác giảm nghèo bền vững nhưng chưa được giải quyết một cách cơ bản.

 

 Với những đặc thù đó, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã thực hiện nhiều chính sách dân tộc bao phủ toàn diện các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở vùng miền núi, DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực hiện chương trình, dự án đầu tư tại vùng miền núi DTTS, từ đó từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ ở các xã đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng các xã miền núi, dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng tương đối hoàn thiện như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, hệ thống thông tin liên lạc), tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến tận trung tâm xã; 62/64 xã có điện lưới Quốc gia (02 xã có điện năng lượng mặt trời tại trung tâm xã); hầu hết các xã đều được phủ sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại, internet; 100% xã có trường Tiểu học, THCS, trạm y tế; 100% người dân vùng DTTS, vùng ĐBKK được cấp thẻ BHYT (thông qua các kênh như người nghèo, người có công, người DTTS, người dân thuộc xã, thôn ĐBKK, trẻ em dưới 06 tuổi..). Cơ cấu kinh tế trong vùng DTTS và miền núi có bước dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ có chiều hướng phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi; triển khai Chương trình 135 đẩy mạnh phát triển sản xuất, cung cấp vốn đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo: Có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Chính phủ. Qua 03 năm triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn toàn tỉnh, nhận thức và sự hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số về hậu qủa của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên; tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm nhiều so với những năm trước đây, hôn nhân cận huyết thống không còn.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách nhiều nhưng còn chồng chéo; nguồn lực thực hiện các chính sách chưa đảm bảo, việc cân đối, bố trí vốn cho các chính sách dàn trải, không tập trung, thời gian ngắn, thiếu chủ động không đảm bảo cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, cán bộ, công chức về công tác dân tộc chưa thật sự sâu sắc nên dẫn đến công tác chỉ đạo, lãnh đạo còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc không tập trung, còn quá nhiều đầu mối; sự phối kết hợp giữa các sở, ngành địa phương trong việc tổ chức thực hiện công tác dân tộc thiếu chặt chẽ, bị động. Công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ở một số địa phương chưa thường xuyên và rộng khắp, nội dung thiếu phù hợp không sát với tình hình thực tế ở cơ sở, việc nắm tâm tư tình cảm, nguyện vọng của đồng bào không kịp thời nhất là vùng sâu vùng xa; đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo; nguồn lực đầu tư hỗ trợ còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra, chính sách đầu tư hỗ trợ chưa hợp lý vốn ít nhưng đầu tư còn mang tính bình quân, dàn trải, không tập trung nguồn lực gây lãng phí.

Nguyên nhân là do, địa bàn vùng đồng bào DTTS phần lớn hiểm trở, chia cắt mạnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt; đất đai manh mún; bất cập trong quản lý tài nguyên nhất là đất nông lâm nghiệp, lúng túng trong tìm hướng phát triển sản xuất; chất lượng giáo dục đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, số học sinh tốt nghiệp THCS ít có điều kiện để học thêm; công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật cũng còn nhiều bất cập, nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu; nhận thức về công tác dân tộc ở một số địa phương, các cấp chưa thật đầy đủ; phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn hạn chế hiệu quả thấp; việc đầu tư nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. 

Để thực hiện tốt chính sách dân tộc trong thời gian tới, tỉnh đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm có chính sách mang tính chất tổng thể, đồng bộ để hỗ trợ đồng bào DTTS và đầu tư hạ tầng cho vùng miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc (về điện, đường giao thông, trường học… ; trợ cấp xã hội thường xuyên cho hộ nghèo người DTTS không còn khả năng thoát nghèo, tạo điều kiện để các đối tượng này nỗ lực thoát nghèo. Tiếp tục có chính sách sát hợp đào tạo cán bộ là con em DTTS về văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng quản lý; dần tiến tới xóa bỏ các chính sách hỗ trợ cho không, tăng các chính sách cho vay, hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo ở vùng dân tộc thiểu số; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp tham mưu công tác dân tộc của cả hệ thống chính trị ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, góp phần nâng cao trách nhiệm, trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; chỉ đạo thực hiện các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên quy về một đầu mối để có sự quản lý lồng ghép phối hợp thực hiện các chính sách đồng bộ, có hiệu quả.

          Đoàn Thị Thanh Hương. Nguồn Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh

Các tin khác