Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 163

  • Tổng 1.011.590

Cần xây dựng các mô hình, điểm sáng, đồng thời bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sáng nay, 26/5, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

 

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Quảng Bình có 15 xã thuộc 5 huyện (Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy) được thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình). Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo, ban hành các văn bản cụ thể hóa quy định của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để phù hợp với tình hình địa phương; các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, tạo điều kiện để triển khai chương trình hiệu quả.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 1.757.518 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.597.897 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh 159.621 triệu đồng. Để triển khai phân vốn, trên cơ sở tham mưu của các sở, ban, ngành liên quan, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, quyết định phân bổ cho 10 dự án. Năm 2022 đã phân bổ 248.189 triệu đồng, năm 2023 là 433.031 triệu đồng. Việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương bảo đảm đúng tỷ lệ quy định. Tiến độ giải ngân năm 2022 đạt 13,3% kế hoạch giao; năm 2023, tính đến ngày 31/3, đạt 5,3% kế hoạch.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong phát biểu kết luận hội nghị

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong phát biểu kết luận hội nghị

Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Theo đó, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ và giải ngân các nguồn vốn và một số hoạt động của chương trình. Việc phân bổ vốn nguồn ngân sách Trung ương còn có nội dung chưa phù hợp. Một số nguồn đầu tư còn chồng chéo. Công tác tổng hợp, báo cáo của các đơn vị, địa phương chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ tham mưu chung. Quá trình triển khai các dự án thuộc Chương trình vẫn còn khó khăn trong vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, địa phương và giao Ban Dân tộc tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trên cơ sở các nội dung vướng mắc, tồn tại, căn cứ chức năng nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh giao trách nhiệm làm rõ, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm Chương trình được triển khai thuận lợi.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý một số vấn đề cụ thể như định mức liên quan đến đường giao thông, nhà ở, chuyển đổi quy hoạch, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, đầu tư nước sạch, cơ sở hạ tầng và các chế độ, chính sách về y tế, giải quyết việc làm…

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, kế hoạch cụ thể và thực tiễn địa phương, đơn vị, đồng chí đề nghị quá trình triển khai, cùng với việc tăng cường phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng các mô hình, điểm sáng, tập trung đầu tư hoàn thiện để học tập kinh nghiệm và nhân rộng. Trong thực hiện, cần quán triệt nguyên tắc cốt lõi là nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng phải bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

BBT. Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác