Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 7544

  • Tổng 948.009

Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới và miền núi Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 3.845km2­, với hơn 222km đường biên giáp với nước CHDCND Lào. Dân số tính đến ngày 31/12/2021 là 45.400 người (chiếm 4,98% dân số toàn tỉnh). Riêng đồng bào DTTS sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với 27.004 người (chiếm 2,96% dân số toàn tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, biên giới và miền núi còn cao.

 Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, nhất là thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trên nhiều lĩnh vực, chủ động đề ra các chương trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh; xây dựng Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh huyện Minh Hóa; Chỉ thị số 20-CT/TU về xóa mái tranh cho hộ nghèo; Chỉ thị số 29-CT/TU về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở… Các chủ trương định hướng đó đã tạo được tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội; giúp người nghèo, đồng bào DTTS phát triển; quyền làm chủ của nhân dân, nhất là ở cơ sở được phát huy mạnh mẽ.
 
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
 
Đời sống của đồng bào được cải thiện, có bước phát triển. Một bộ phận đồng bào bước đầu biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Số hộ đồng bào dân tộc có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng; đến nay, các vùng DTTS toàn tỉnh có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó gần 200 hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/năm. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân từ 4-5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Đại diện người có uy tín của xã Trường Sơn (Quảng Ninh) thảo luận, đề xuất với lãnh đạo tỉnh các giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Đại diện người có uy tín của xã Trường Sơn (Quảng Ninh) thảo luận, đề xuất với lãnh đạo tỉnh các giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Giáo dục-đào tạo có bước phát triển, hệ thống cấp học hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến THPT; hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú phát triển. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập THCS. Toàn tỉnh hiện có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú.

Nhằm tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển đối với con em vùng đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là con em đồng bào DTTS vào học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã cử 129 sinh viên người DTTS đi học cử tuyển; tổ chức 483 lớp dạy nghề cho người DTTS; có 14.734 lượt người DTTS được dạy nghề tại các trung tâm dạy nghề của tỉnh và tại các huyện.     

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được chú trọng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển. Nhiều gia đình, thôn, bản, khu dân cư ở vùng dân tộc và miền núi được công nhận là gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Mức hưởng thụ văn hóa ở vùng DTTS từng bước được nâng lên. 100% số xã đã được phủ sóng phát thanh, 95% địa bàn được phủ sóng truyền hình; 100% thôn, bản được cấp phát không thu tiền các loại báo, tạp chí, các chuyên trang về dân tộc miền núi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giới thiệu các mô hình làm ăn, gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sỹ phục vụ công tác khám chữa bệnh ở vùng DTTS ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chính sách về y tế được triển khai. Đến nay, 100% trạm y tế ở các xã có đồng bào DTTS đã có bác sĩ phục vụ; có 22 cán bộ y tế người DTTS; có 180 cán bộ y tế thôn, bản trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người dân; 100% hộ DTTS ở khu vực miền núi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hỗ trợ một phần suất ăn khi điều trị tại bệnh viện, trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng, khám chữa bệnh miễn phí. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì 4 Trạm Quân dân y ở địa bàn các xã biên giới (Làng Ho, Bản 61, Ra Mai, Bãi Dinh) góp phần bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
 
Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS không ngừng được kiện toàn, củng cố. Hiện nay, các xã vùng DTTS không còn “bản trắng” về chi bộ và đảng viên. Tính đến hết năm 2020, đảng viên người DTTS là 1.208 người. Sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, có 82 đảng viên là người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở và 2 đảng viên tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tăng khá; có 536 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS công tác tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng DTTS ngày càng được nâng lên, làm nòng cốt trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, phát triển KT-XH ở địa phương. Vai trò người có uy tín trong công cuộc giảm nghèo, phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới quốc gia được phát huy.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, điều kiện để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn dẫn đến tốc độ phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng DTTS còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Hệ thống chính trị cơ sở chưa thực sự vững mạnh toàn diện; an ninh trật tự vùng miền núi, biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
 
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Quảng Bình, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
 
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, như: Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới.
 
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 88/2018/QH14 của Quốc hội; Kế hoạch số 512/KH-UBND, ngày 1/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
 
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, về nội dung, tầm quan trọng và sự cần thiết phải đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS; từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện.
 
Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, thiết thực, phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân và bản thân từng hộ, từng người trong đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, có quyết tâm vươn lên lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững.
 
Thứ ba, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường đổi mới công tác dân tộc và công tác vận động quần chúng đối với đồng bào các DTTS. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS; giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, ngăn chặn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh vùng biên giới, vùng DTTS.
 
Thứ tư, huy động, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, trong đó nguồn lực của Nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm miền núi để phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân; gắn sản xuất với thị trường, nhất là các lĩnh vực miền núi, vùng đồng bào DTTS có lợi thế.
 
Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với giữ gìn và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
 
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
  BBT. Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác