Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 166

  • Tổng 963.619

77 năm - Hành trình kỳ tích của người Chứt - Kỳ 3: Thăm người A Rem giữ rừng Di sản Phong Nha - Kẽ Bàng

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong hành trình đi tìm lai lịch hòm phiếu bầu cử đầu tiên, vô tình đưa chúng tôi lạc vào bản làng của người A Rem (thuộc nhóm dân tộc Chứt ở Quảng Bình). Sinh sống ở vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bằng cốt chất riêng biệt của mình, người A Rem đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ rừng, giữ vững an ninh biên giới…

Rừng là nhà

Năm 1956, trong khi tuần tra, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện ra tộc người A Rem đang sống trong những hang đá. Lúc đó, đồng bào chỉ vỏn vẹn 18 người và sống một cuộc sống nguyên thủy như ở hang, quần áo là vỏ cây đan lại, còn đồ ăn, thức uống chủ yếu không qua đun nấu. Nhờ sự phát hiện mang tính lịch sử này đã làm thay đổi cuộc đời người A Rem. Đồng bào được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đưa ra khỏi hang, lập bản, để sinh sống quần tụ.

Bản A Rem được dựng lên đỏ tươi nhờ sợ hỗ trợ của Đảng bộ và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Q.N
Bản A Rem được dựng lên đỏ tươi nhờ sợ hỗ trợ của Đảng bộ và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Q.N

Đầu những năm 1980, thêm một lần nữa chính quyền huyện Bố Trạch huy động lực lượng, của cải vượt rừng lên làm nhà cửa giúp người A Rem. Cung cấp trang thiết bị, đồ dùng vật dụng sinh hoạt như màn, chiếu, xoong nồi, bát đũa và cả gia súc, gia cầm cho bà con. Bản mới dần hình thành, đó là bản A Rem thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch bây giờ. Bản nằm khu vực cây số 39, đường 20 Quyết Thắng xuyên đông tây Trường Sơn.

Đầu thập niên 90, thế kỷ trước nhờ dự án bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất được Nhà nước triển khai, hỗ trợ tộc người A Rem, đến nay, A Rem đã có 79 hộ và nơi định cư của bà con được cả thế giới biết đến. Niềm vui của người A Rem nhân lên khi năm 2003, nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, khi đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm người A Rem và sau đó đã vận động, kêu gọi người dân và thành phố giúp xây dựng bản khang trang, đàng hoàng cho bà con.

Người A Rem quan niệm “sinh ra từ rừng chết về với rừng” nên luôn có ý thức nương náu, bảo tồn, cộng sinh với thiên nhiên. Đến bản mới thấy, người A Rem ứng xử với rừng như là một đấng anh linh tối cao, thiêng liêng, vừa như một người bạn.

Già làng Đinh Rầu (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) bật mí, với người A Rem, rừng như một vị thần đầy tôn kính. Người A Rem muốn chặt cây rừng làm nhà, hái cây măng để ăn, xuống suối bắt con cá cũng phải xin mẹ rừng, xin thần linh. Đặc biệt nữa, người A Rem không bao giờ khai thác tận diệt, cạn kiệt mà luôn để lại, duy trì theo phương châm tái tạo. Ví như tìm được cây quý thì chỉ lấy cành, rễ phụ, giữ lại thân và rễ chính để cây sinh trưởng lại cho lần sau đến lấy. Lấy tổ ong thì chừa phần đầu lại để ong còn nhớ tổ của mình mà quay về sinh sôi. Bắt con chim cũng không phá tổ...

Ngoài rừng tự nhiên, gần 20 năm qua, người A Rem cũng đang chung thủy với khu rừng huê hơn 7ha. Ngày đó, do bản mới có địa hình bằng phẳng nhưng ít cây cối. Người A Rem buồn vì cảm thấy thiếu rừng.

Vì thế, thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình năm 2020 định hướng đến năm 2025, ngày 8.12.2018 của HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII; lãnh đạo huyện Bố Trạch quyết định xanh hóa bản làng, mang cây huê giống lên rồi hướng dẫn đồng bào trồng, che phủ đất trống và sau đó nhân rộng ra. Rừng huê được giao cho họ chăm sóc, bảo vệ. Người A Rem coi đây là rừng cây nghĩa tình hai miền xuôi ngược, là món quà và niềm tin mà cán bộ của Đảng trao cho dân bản.

Kỳ 3: Thăm người A Rem giữ rừng Di sản Phong Nha - Kẽ Bàng -0
Đoàn ĐBQH Quảng Bình thăm và tặng quà Xuân cho đồng bào. Ảnh: TL

Hàng năm, các hộ sẽ nhận được tiền mặt hoặc gạo tùy theo lựa chọn của bà con. Nếu lấy gạo thì Ban quản lý vườn cùng với chính quyền địa phương và dân bản đi tìm chọn gạo mua về phân phát. Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Đinh Huy Trí chia sẻ: “Dân bản A Rem rất tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra, phát hiện, bảo vệ rừng. Bà con có kiến thức bản địa rất tốt nên chúng tôi yên tâm giao rừng cho họ”.

Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) không giấu được niềm vui với việc bảo vệ rừng của bà con. Nhờ đó, dân bản có thêm cái ăn, cái mặc, duy trì cuộc sống cùng với những hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước. Điều ông Đại trăn trở nhất vẫn là làm sao vượt qua khó khăn khi nguồn nước quá thiếu thốn, nhất là về mùa khô.

Vững vàng cuộc sống mới

A Rem mang nghĩa là rèm đá. Bởi từ ngàn đời trước, tộc người sinh ra, lớn lên và mất đi trong những hang đá hùng vĩ giữa hoang mạc đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Nơi muôn trùng điệp núi với vô vàng hang đá, hang động lớn nhỏ. Chỉ một ngách đá thôi cũng đủ trở thành mái nhà cho một gia đình cư ngụ, tránh mưa nắng và thú dữ. Nhưng nay đã khác…

Sau nhiều năm định cư tại bản A Rem, cuộc sống của bà con có không ít sự thay đổi. Nhà cửa cũng kiên cố, mái tôn đỏ tươi. Đường vào bản được bê tông phẳng lì. Quanh đó là những trường học, trạm y tế. Một thế hệ A Rem mới cũng đang dần hình thành, vững vàng; có người đã giữ cương vị lãnh đạo trong UBND xã Tân Trạch. Tuy nhiên, cái nghèo, khổ vẫn chưa thoát khỏi tộc người ở giáp biên giới Việt Nam - Lào này. Đời sống của bà con vẫn nhiều khó khăn, vất vả; sống tách biệt nơi xa xôi, trình độ dân trí thấp, nguồn nước thiếu thốn do bị nhiễm phèn vôi, đất sản xuất ít, thời tiết không thuận lợi là những lý do chính.

Ở nơi sâu thẳm này những giá trị vật chất như không tồn tại, khi hỏi dân bản thích gì nhất, thì ai nấy trả lời giống nhau đó là “nước và nhà”. Bà con lý giải: đói còn chịu được chứ thiếu nước thì không sạch sẽ, sinh bệnh tật. Nhà nước đã đầu tư làm đường ống dẫn nước về bản nhưng vì nguồn nước quá xa, đường ống đi qua nhiều địa hình đồi núi cao nên bị hư hỏng thường xuyên, không khắc phục được. Rồi thanh niên A Rem lấy vợ, gả chồng, sinh con nên cũng cần được hỗ trợ làm nhà.

Thế mới thấy bài toán để người A Rem tự bảo đảm sinh kế đúng là nan giải. Già làng Đinh Rầu bảo: “Tô b'rău, tiếng A Rem là người trồng rừng. Tô b'rău A Rem nghĩa tôi là người trồng rừng, tôi là người A Rem. Rừng là nhà của miềng, miềng trồng rừng như người ta xây nhà”. Thế hệ người già ở A Rem hôm nay vẫn bám rừng, bám từng mét đất biên cương gìn giữ giá trị văn hóa bản địa. Đảng, Nhà nước vẫn luôn ở bên bảo tồn những nét văn hóa A Rem, giữ gìn một tộc người khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhưng lại để họ đánh mất vốn quý nhất của mình là văn hóa thì những nỗ lực của chúng ta cũng sẽ mất đi nhiều giá trị.

Trong hành trình đi tìm giải mã cho câu chuyện hòm phiếu bầu cử đầu tiên có đóng góp của bà con dân tộc Chứt; chứng kiến sự đổi thay của bà con, càng cho chúng tôi thêm tin tưởng đi tiếp đến với các bản làng người Chứt với nhiều điều thú vị ở phía trước...

"Hiện tại, dân bản A Rem được Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tin tưởng giao khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, trong đó có rừng cây bách xanh quý hiếm trên 500 năm tuổi. Vì giữ hiệu quả nên diện tích được giao ngày càng tăng lên, hiện toàn bản được giao giữ 3.200ha, tương đương tiền công bằng 320 triệu đồng/năm".

Theo: Báo "Điện tử Đại biểu Nhân dân"

Các tin khác