Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 293

  • Tổng 1.002.943

77 năm - Hành trình kỳ tích của người Chứt - Kỳ 2: Người Mã Liềng thoát nghèo trên vùng định canh

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Biết trồng lúa nước…

Chiều muộn, đoàn cán bộ xã Thanh Hóa do Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tâm dẫn đầu nhiệt tình, hồ hởi dẫn chúng tôi vào bản Cà Xen - địa bàn sinh sống, quần tụ của người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt). Con đường vào bản hiểm đến độ, từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào một con đường nhỏ khuất tầm nhìn, nếu không có cổng chào mộc mạc “bản Cà Xen” thì cũng khó để phát hiện ra nơi đây có bóng dáng con người.

Ông Nguyễn Công Huấn, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình trao quà cho đồng bào vùng cao. Ảnh: HĐND tỉnh Quảng Bình.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Công Huấn trao quà cho đồng bào vùng ca. Ảnh: HĐND tỉnh Quảng Bình

Càng ngạc nhiên hơn, khi nằm sâu trong đại ngàn những con đường vào trung tâm bản lại mát mắt một màu xanh của cây rừng xung quanh và hai bên trồng xen lẫn nào lúa, lạc, hoa màu… Nhà đồng bào Mã Liềng ở khuất sau những rặng cây xanh bạt ngàn. Thấy một người đàn ông đang làm cỏ lạc gần bên đường, chúng tôi dừng xe bắt chuyện. Đoàn cán bộ xã và người đàn ông này như thân thiết từ lâu, họ chào hỏi nhau tíu tít chuyện trò rôm rả. Câu chuyện vô tình níu chúng tôi gần nhau hơn khi Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thị Lệ Hằng đi cùng đoàn, hồ hởi giới thiệu: “đây là anh Hồ Chí Thanh, một trong những gương chịu khó, sản xuất giỏi của bản”.

Dù đường từ xã vào bản thư vắng nhưng trong nắng mưa đêm ngày, dường như lúc nào chị Chủ tịch Hội nông dân xã cũng có mặt ở bản, chị như là người con của Cà Xen. Cũng nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, miệng nói tay làm của chị, mà bà con bản siêng năng hơn, biết nhiều kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi hơn. Dân bản yêu thương gọi chị là “Hồ Hằng” cũng đồng nghĩa chị là con cháu Bác Hồ kính yêu.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn kiên cố của mình, ông Hồ Pợt (53 tuổi) kể lại những đổi thay của bản làng khi lưu giữ lại từng cái gùi đan, từng chày giã gạo có niên đại vài chục năm khi người Mã Liềng nghe lời cán bộ bỏ tập quán “du canh du cư” sống “định canh định cư” xây dựng nếp sống mới.

Trước đây, bà con ở rải rác trên các ngọn đồi núi xa xôi; khoảng năm 1993 - 1994, được cán bộ vận động về sinh sống định cư ở thung lũng Cà Xen này, lúc đó bà con chưa biết làm ruộng nước, cuộc sống đói cơm, vất vả lắm. Sau đó, được các cán bộ Ban Dân tộc tỉnh chỉ dạy cách san bằng các đám đất nương khô mấp mô thành ruộng, dẫn nước vào để trồng lúa. Song, mãi mấy năm sau vẫn chưa có lúa để ăn vì kỹ thuật thâm canh còn kém, ruộng chưa được cải tạo tốt…, bà con chán nản định bỏ cuộc.

Nhờ sự hỗ trợ, hưỡng dẫn tận tình mà dân bản Cà Xen đã trồng lúa nước thuần thục. Ảnh Q.N
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình mà dân bản Cà Xen đã trồng lúa nước thuần thục. Ảnh: Q.N

Sau được cán bộ nói từ từ, trồng lúa cũng phải như nuôi con nhỏ, phải làm từ từ. với sự kiên trì hướng dẫn của cán bộ cắm bản và quan tâm thường xuyên hỗ trợ giống, phân bón của chính quyền địa phương dần dà bà con đã biết chịu khó học tập kinh nghiệm để biết làm ruộng lúa. "Đây là thay đổi lớn đối đồng bào, trong bao đời qua du cư, du canh chỉ biết làm nương rẫy, săn bắt, hái lượm. Giờ nhà tôi cũng được 6 sào lúa, cũng thừa đủ ăn cho cả gia đình" - ông Hồ Pợt nói.

Ông Phạm Anh Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa cho biết, Đảng ủy đã thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thực hiện công tác dân tộc thiểu số; đặc biệt Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20.10.2015 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và các chỉ thị, chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Huyện ủy, nghị quyết của HĐND huyện Tuyên Hóa về tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng trong lòng bà con

Khi hạ tầng, kinh tế ngày một tốt lên thì ý thức, văn hóa của bà con cũng được nâng dần. Anh Hồ Chí Thành thuộc thế hệ thanh niên 8X nhưng đã có thâm niên 10 năm làm Bí thư Chi bộ bản Cà Xen khẳng định, tập tục, lối sống của bà con bản đã khác xưa nhiều, sạch sẽ hơn, tự giác chấp hành các chủ trương hơn.

“Công tác giáo dục ở bản Cà Xen luôn được cấp ủy, chính quyền các ban ngành đoàn thể các cấp quan tâm. Trong năm, xã đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp với nhà trường và Hội Khuyến học xã cùng với cán bộ của bản vận động 5 em học sinh nghỉ học trở lại trường” - Bí thư Hồ Chí Thành chia sẻ.

Đảng luôn trong lòng đồng bào, chi bộ bản Cà Xen cũng vậy! Chi bộ có 11 đảng viên, trong đó 5 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đại hội Chi bộ bản Cà Xen nhiệm kỳ 2022 - 2025, đã bầu ra 1 ủy viên BCH Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025; 1 đảng viên là đại biểu HĐND xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Cà Xen vẫn còn những khó khăn như những bản làng đồng bào thiểu số khác trên dãy Trường Sơn Tây Quảng Bình. Đó là trình độ dân trí tại bản còn thấp, nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế, vẫn còn bị động trong lao động.

"Vì vậy, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn đặt mục tiêu tổ chức triển khai kịp thời các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn. Thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm Chương trình công tác dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, đề án, chính sách dân tộc trên địa bàn xã" - Bí thư Hồ Chí Thành nói.

Rời Cà Xen khi mặt trời khuất đằng Tây, những rặng núi đã xa mờ nhưng trên suốt con đường về xuôi, chúng tôi nhớ mãi lời ông Hồ Pợt: “không có chi mà nói nữa, quá mừng rồi. Mình như là con cháu của huyện, tỉnh, trung ương, của xã rồi. Họ nuôi đến mức độ đó mà, gì cũng lo cả, đời sống của bà con được lo hết sức rồi đó, không ai trách gì nữa cả”.

Niềm vui về cuộc sống mới của bà con lan tỏa xóa hết mệt nhọc trên hành trình đi tìm câu chuyện cổ tích của chiếc hòm phiếu đầu tiên mộc mạc đơn sơ mà chứa vẹn ân tình.

Ngoài "cầm tay chỉ việc" giúp bà con Mã Liềng thâm canh trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, thì công tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cà Xen luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư. Hiện, trên địa bàn bản Cà Xen đã được đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng làm các công trình cơ bản; triển khai xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho bà con ở xóm Bạch Tài với kinh phí 13 triệu đồng.

Theo "Báo: Điện tử Đại biểu Nhân dân"

Các tin khác