Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 2447

  • Tổng 1.016.726

"Gỡ khó" để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Qua gần 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (gọi tắt là chương trình MTQG), giai đoạn 2021-2025, huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu. Song, cũng từ đây, nhiều khó khăn, vướng mắc bất cập xuất hiện.

Từ cuối tháng 9/2022, sau khi thành lập Tổ công tác chương trình MTQG và xây dựng, ban hành quy chế hoạt động, huyện Tuyên Hóa đã chủ động triển khai sớm các bước theo lộ trình quy định, như: Rà soát, lập kế hoạch, thực hiện các dự án, tiểu dự án, phân bổ vốn chi tiết, lựa chọn đầu tư thực hiện các nội dung có trọng tâm, trọng điểm.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, qua hơn 1 năm triển khai, huyện mới giải ngân được gần 8,5 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 53,6 tỷ đồng phân bổ từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương (chiếm tỷ lệ 15,8%).

Xã Lâm Hóa là địa phương có đông đồng bào DTTS nhất trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, với 3 bản người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt (dân số 302 hộ, 1.290 nhân khẩu). Đây cũng là xã được thụ hưởng chương trình MTQG lớn nhất của huyện này. Trong số 10 dự án thành phần của chương trình MTQG, xã hiện đang triển khai thực hiện 7 dự án thành phần. Trong tổng nguồn vốn được cấp hơn 23,6 tỷ đồng đến nay, địa phương này đã giải ngân được hơn 2,7 tỷ đồng (đạt 11,6%).

Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng cho biết: “Lý do khiến việc giải ngân đạt thấp là do trong quá trình thực hiện chương trình còn gặp phải vướng mắc, khó khăn, bất cập. Một số nội dung của chương trình chưa có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời của cấp có thẩm quyền nên địa phương còn gặp phải nhiều lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ví như, lúc đầu, có một số công trình xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù, nhưng vì chưa thống nhất được việc thiết lập hồ sơ thanh-quyết toán, dẫn đến chậm giải ngân. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của huyện, những khó khăn trong giải ngân của các công trình này mới được tháo gỡ”.

Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư từ chương trình sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư từ chương trình sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Đáng chú ý, trong tổng nguồn vốn sự nghiệp y tế, dân số và gia đình gần 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ sinh con đúng chính sách dân số, dinh dưỡng cho các bà mẹ người DTTS trước và sau sinh và hỗ trợ sữa học đường cho trẻ em DTTS dưới 5 tuổi, xã Lâm Hóa dự kiến chỉ giải ngân khoảng 30%. Bởi, qua thống kê, lập danh sách, các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn ít và một số nội dung không thể thực hiện được, như: Xác định độ tuổi kết hôn, thời gian được hưởng đối với phụ nữ sau sinh.

Tương tự, xã Thanh Hóa chỉ có bản Cà Xen được thụ hưởng chương trình MTQG. Trong hai năm 2022 và 2023, xã được phân bổ hơn 2,7 tỷ đồng để thực hiện các dự án và tiểu dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, đến nay, địa phương này mới giải ngân được hơn 175 triệu đồng, chiếm 6,39% kế hoạch.

Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm: “Nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn còn thấp là do nguồn vốn phân bổ chậm. Có một số dự án, công trình chỉ mới được phân bổ từ 1-2 tháng gần đây. Một nguyên nhân nữa là do chương trình mới, quá trình thực hiện phải vừa làm vừa nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn của cấp trên”.    

Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho hay, quá trình tổ chức triển khai chương trình MTQG hiện còn có một số vướng mắc, khó khăn, bất cập, như: Văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của các dự án, tiểu dự án chưa thống nhất, thiếu đồng bộ. Nội dung một số chỉ tiêu, quy định chưa rõ ràng, còn chồng chéo, nên địa phương thiếu căn cứ để thực hiện phân bổ nguồn vốn, dẫn đến nguồn vốn chưa thể phân bổ để triển khai thực hiện và giải ngân kịp thời theo quy định.

Vì vậy, đề nghị các cấp có thẩm quyền cần hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc liên quan và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ thực hiện các dự án trong chương trình cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã.

“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn và thực hiện hiệu quả chương trình MTQG, thời gian tới, huyện Tuyên Hóa gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, nhằm kịp thời nắm bắt, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã; đồng thời báo cáo các cấp có thẩm quyền hướng dẫn các nội dung còn vướng mắc, không để ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn và không lãng phí nguồn lực đầu tư”, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết thêm.

BBT. Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác