Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2689

  • Tổng 1.016.968

Đường đến ấm no

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Khi được hỏi về dự án đường giao thông và điện lưới đang chuẩn bị triển khai tại các bản Lòm-K.Chăm, Dộ-Tà Vờng, ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa (Minh Hóa) không giấu được niềm vui. “Bà con cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư. Có điện lưới, có đường, đời sống chắc chắn ấm no, việc học tập của con em bản làng cũng thuận lợi hơn!”, ông phấn khởi chia sẻ.

 

“Bức tranh” đường và điện

Là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, Trọng Hóa hiện có 17 bản đồng bào dân tộc Chứt, 1.056 hộ với gần 5.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện trên 76%. Những năm qua, do đặc điểm địa hình, hệ thống giao thông trên địa bàn xã chưa được đầu tư đồng bộ. Riêng về điện, bà con ở 5 bản của xã Trọng Hóa chỉ mới được dùng điện từ dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (dự án điện mặt trời) từ năm 2019.

Con đường độc đạo dẫn về hai bản Lòm-K.Chăm, Dộ-Tà Vờng thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa bão.

Con đường độc đạo dẫn về hai bản Lòm-K.Chăm, Dộ-Tà Vờng thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa bão.

Với quy chuẩn thiết kế điện vùng miền núi của Việt Nam và các tiêu chuẩn khác liên quan đến công suất phụ tải, dự án bảo đảm cung cấp điện cho các hộ gia đình với mức 3 bóng đèn led thắp sáng, 1 quạt điện, 1 tivi. Mặc dù chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, nhưng điện năng lượng mặt trời đã mang lại ánh sáng văn minh cho nhiều bản làng. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, hệ thống điện năng lượng mặt trời nhiều nơi bị hỏng hóc, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của đồng bào.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025; căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh, dự án hạ tầng giao thông kết hợp điện lưới vào khu dân cư các bản (Lòm-K.Chăm, Dộ-Tà Vờng) dân tộc Chứt, xã Trọng Hóa đã được phê duyệt.

Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, dự án nhằm phục vụ các nhu cầu về đời sống, sản xuất của bà con hai bản Lòm-K.Chăm và Dộ-Tà Vờng. Đây là 2 trong số 5 bản đang sử dụng nguồn điện từ dự án điện mặt trời hiện đang bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, con đường về bản là thách thức lớn đối với đồng bào, nhất là vào mùa mưa lũ, chỉ cần một trận mưa lớn là tuyến đường sẽ ngập sâu, chia cắt các bản. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Và những khó khăn đó sẽ được khắc phục bởi dự án hạ tầng giao thông kết hợp điện lưới vào khu dân cư các bản Lòm-K.Chăm và Dộ-Tà Vờng.

Kỳ vọng ấm no

Dộ-Tà Vờng là bản được huyện Minh Hóa chọn để xây dựng bản nông thôn mới kết hợp du lịch cộng đồng. Với khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt, mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc Chứt, nơi đây hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, những khó khăn về hạ tầng giao thông và lưới điện đã gây ra những “điểm nghẽn” trên hành trình xây dựng bản nông thôn mới và khai thác những tiềm năng thế mạnh, nhất là du lịch cộng đồng của đồng bào. Những thách thức này khiến cho cán bộ lãnh đạo địa phương và bà con dân bản băn khoăn, trăn trở.

Dự án đường giao thông và điện lưới kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch cộng đồng và nâng cao đời sống đồng bào.

Dự án đường giao thông và điện lưới kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch cộng đồng và nâng cao đời sống đồng bào.

Nên khi nghe tin tỉnh quan tâm đầu tư dự án đường giao thông và điện lưới về hai bản, trong đó có Dộ-Tà Vờng, lòng trưởng bản Hồ Khiên vui như nở hoa. Ông bảo, giờ cả bản đang trông mong ngày tỉnh làm đường và kéo điện.

“Đường từ bản về trung tâm xã xa xôi lắm, nhất là mùa mưa bão. Điện mặt trời thì chỉ dùng thắp sáng và quạt điện, mà cũng bị hư hỏng nhiều rồi, bà con muốn dựng cái nhà gỗ, nhà xây, bơm nước sinh hoạt hay tưới cây cũng chịu. Nếu có điện lưới, có đường, bà con sẽ làm được nhiều việc, con em của bản cũng thuận lợi hơn trong học hành. Chúng tôi sẽ trồng cây ăn quả, làm du lịch, đời sống chắc chắn sẽ ấm no hơn nhiều, số hộ nghèo sẽ giảm xuống, không còn 69 hộ (trên 83%-P.V) như bây giờ!”, ông Hồ Khiên phấn khởi khẳng định.

Ước mơ có điện lưới, có đường giao thông không chỉ của riêng đồng bào hai bản Lòm-K.Chăm và Dộ-Tà Vờng, mà 3 bản: Sy, Cha Cáp và K.Oóc cũng đau đáu trông chờ. Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin không quên cảm ơn tỉnh đã quan tâm chăm lo cho đồng bào thông qua dự án thiết thực này, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn 3 bản còn lại cũng sẽ được kéo điện lưới về bởi theo ông đây là ước mong to lớn và chính đáng của đồng bào.

Với sự quan tâm của tỉnh, quyết tâm, nỗ lực của Ban Dân tộc tỉnh, các ngành, địa phương liên quan, sự đồng lòng, tin tưởng của đồng bào, chỉ hai năm nữa, điều mong ước chính đáng của bà con sẽ thành hiện thực. Đường về bản Lòm-K.Chăm và Dộ-Tà Vờng sẽ rộng mở và sáng bừng ánh điện, đưa cuộc sống đồng bào về đích ấm no!

Dự án hạ tầng giao thông kết hợp điện lưới vào khu dân cư các bản (Lòm-K.Chăm, Dộ-Tà Vờng) dân tộc Chứt, xã Trọng Hóa do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, dự án nhằm phục vụ việc đi lại, học tập của con em và dân bản; đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, năng lượng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của đồng bào, góp phần phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng-an ninh, thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

BBT. Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác