Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1835

  • Tổng 1.004.486

Nghị định quy định một số Điều của Luật Phòng chống tham nhũng và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

               Ngày 01 tháng 7 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (sau đây gọi là Nghị định số 59).

Nghị định gồm 11 chương với 89 Điều, trong đó:

Chương I: Những quy định chung, gồm 2 Điều, nội dung cơ bản của Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định đó là quy định chi tiết một số Điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và đối tượng áp dụng.

Chương II: Trách nhiệm giải trình, gồm 11 Điều từ Điều 3 đến Điều 14. Chương này gồm 3 mục: Mục 1 quy định về nội dung, điều kiện tiếp nhận giải trình, trường hợp từ chối yêu cầu tiếp nhận giải trình, nội dung không thuộc phạm vi giải trình và trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình (từ Điều 3 đến Điều 7); Mục 2 quy định về quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người thực hiện trách nhiệm giải trình (từ Điều 8 đến Điều 9); Mục 3 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình (từ Điều 10 đến Điều 14).

Chương III: Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, gồm 6 Điều từ Điều 15 đến Điều 21 quy định về nguyên tắc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; tiêu chí đánh giá về số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng; tiêu chí đánh giá việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tiêu chí đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng; tiêu chí đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng; tổ chức đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng.

Chương IV: Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, gồm 13 Điều. Chương này gồm 3 mục: Mục 1 quy định về thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ (từ Điều 22 đến Điều 23); Mục 2 quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng (từ Điều 24 đến Điều 28); Mục 3 quy định về việc kiểm soát xung đột lợi ích (từ Điều 29 đến Điều 35).

Chương V: Vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi gồm 3 Điều từ Điều 36 đến Điều 39 quy định cụ thể danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi, phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt.

Chương VI: Tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, gồm 12 Điều từ Điều 40 đến Điều 52. Chương này gồm 4 mục: Mục 1 quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn (từ Điều 40 đến Điều 42); Mục 2 quy định về căn cứ tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; quyền và nghĩa vụ của người ra quyết định, người có chức vụ, quyền hạn bị tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác (từ Điều 43 đến Điều 45); Mục 3 quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác; hủy bỏ và công khai quyết định hủy bỏ việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác (từ Điều 46 đến Điều 50); Mục 4 quy định về chế độ, chính sách; bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp đối với người bị tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác (từ Điều 51 đến 52)

Chương VII: Áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, gồm 10 điều (từ Điều 53 đến Điều 63). Chương này gồm 2 mục: Mục 1 quy định về các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước (từ Điều 53 đến Điều 55); Mục 2 quy định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước (từ Điều 56 đến Điều 63)

Chương VIII: cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, gồm 5 điều (từ Điều 64 đến Điều 69) quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức; hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức; thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin; bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức.

Chương IX: Chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng, gồm 5 Điều (từ Điều 70 đến Điều 75) quy định về báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trao đổi thông tin giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; trao đổi thông tin giữa Thanh tra Chính phủ với các tổ chức khác về công tác phòng, chống tham nhũng; trao đổi thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương; công khai báo cáo hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng.

Chương X: xử lí trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và xử lý vi phạm đối với hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm 11 Điều (từ Điều 76 đến Điều 87). Chương này gồm 2 mục: Mục 1 quy định về xử lí trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lí, phụ trách (từ Điều 76 đến Điều 80); Mục 2 quy định về xử lí kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính đối hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng (từ Điều 81 đến Điều 87).

Chương XI: điều khoản thi hành (Điều 88) quy định về hiệu lực thi hành.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (ngày 15/8/2019), các văn bản sau hết hiệu lực thi hành: Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị định sau của Chính phủ hết hiệu lực: Nghị định số 107/2006/NĐ-CP; Nghị định số 47/2007/NĐ-CP; Nghị định số 102/2007/NĐ-CP; Nghị định số 158/2007/NĐ-CP; Nghị định số 59/2013/NĐ-CP; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP; Nghị định số 211/2013/NĐ-CP; Nghị định số 150/2013/NĐ-CP.

                                                       T.Phương- Phòng KH-TH-CS&Thanh tra

Các tin khác