Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 34

  • Tổng 1.012.051

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Từ ngày 01/10/2019 sẽ tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số trên toàn quốc lần thứ hai. 

           Ngày 05/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Theo đó, chu kỳ tiến hành điều tra 5 năm một lần; Ủy ban Dân tộc theo dõi, giám sát, tiếp nhận và sử dụng thông tin, số liệu của cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (viết gọn là Điều tra 53 DTTS) từ Tổng cục Thống kê; Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan định kỳ tổ chức điều tra.

1. Ý nghĩa của cuộc điều tra

Năm 2019 là mốc quan trọng đánh giá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Đại hội Đảng các cấp, kết quả của cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2020 và xây dựng định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030 cũng như các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

2. Cách thức tổ chức điều tra

Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc;Cục Thống kê phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có địa bàn điều tra tổ chức thực hiện điều tra theo đúng Phương án đã được ban hành.

- Phạm vi điều tra

Điều tra 53 DTTS năm 2019 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng DTTS và miền núi (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ) và 03 địa phương có các xã có nhiều người DTTS sinh sống: thành phốHồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương.

- Nội dung điều tra

+ Điều tra tại hộ, gồm: Thông tin chung về dân số; thông tin về lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua (từ 1/10/2018-1/10/2019); thông tin về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; thông tin về số lượng từng loại gia súc chủ yếu của hộ;thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và tiếp cận dịch vụ công cộng.

+ Điều tra tại UBND xã, gồm: Thông tin chung về đặc điểm của xã; thông tin về sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; bưu điện, nhà văn hóa, thông tin liên lạc; y tế và vệ sinh môi trường; chợ và cụm/khu công nghiệp; điều kiện làm việc trình độ công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng và an ninh.     

- Thời điểm và thời gian điều tra

- Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01/10/2019;

- Thời gian thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 01/10/2019 và kết thúc chậm nhất vào 31/10/2019.

- Loại điều tra: Điều tra 53 DTTS năm 2019 là cuộc điều tra chọn mẫu. Quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện đến cấp huyện về một số chỉ tiêu nhân khẩu học của các dân tộc nói chung và từng DTTS chủ yếu trong huyện nói riêng. Riêng đối với DTTS có quy mô dân số dưới 10.000 người trên toàn quốc sẽ tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm DTTS này tại địa bàn vùng DTTS.

- Người cung cấp thông tin

+ Đối với Phiếu hộ:Chủ hộ hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắnglà người cung cấp thông tin về phiếu hộ.

Riêng thông tin về lao động việc làm, điều tra viên thống kê phải phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra là người từ 15 tuổi trở lên; các thông tin về lịch sử sinh, sức khỏe sinh sản, điều tra viên thống kê phải phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra là nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi.

+ Đối với Phiếu xã:Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã, công chức thống kê văn phòng cấp xã hoặc người am hiểu các đặc điểm chung của xãlà người cung cấp thông tin Phiếu xã.

- Phương pháp thu thập thông tin

+ Đối với hộ dân cư: Điều tra viên thống kê sẽ đến trực tiếp từng hộ để phỏng vấn trực tiếp người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh).

+ Đối với Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn:Đại diện Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn hoặc người am hiểu thông tin của xã, phường, thị trấn sẽ tự cung cấp thông tin về phiếu xã trên Trang thông tin điện tử của Điều tra 53 DTTS năm 2019. Người cung cấp thông tin Phiếu xã được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và cung cấp thông tin. Phương pháp tự cung cấp thông tin được áp dụng đối với Phiếu xã.

3. Kết quả điều tra

Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả cuộc điều tra sẽ cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư; tiếp cận cơ sở hạ tầng; kinh tế; nghèo đói, an sinh xã hội; văn hóa, xã hội; giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế và vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ, đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số của từng tỉnh đến cấp huyện, các thông tin về dân số và phân bố dân cư sẽ đại diện đến cấp xã.

Kết quả chính thức của cuộc điều tra sẽ được Ủy ban Dân tộc tổ chức công bố công khai để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo, sử dụng. Bên cạnh đó, kết quả của cuộc điều tra sẽ được bàn giao cho các tỉnh và các tỉnh sẽ tổ chức công bố kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 trên địa bàn từng tỉnh để các sở, ban, ngành sử dụng trong công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác dân tộc nói riêng.

4. Hiệu quả của cuộc điều tra

Kết quả của cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là nguồn thông tin, số liệu quan trọng giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt là các chính sách liên quan trực tiếp đến người dân dân tộc thiểu số. Kết qua điều tra thông tin về thực trạng dân tộc thiểu số lần thứ nhất (năm 2015) là nguồn thông tin chính thức tin cậy để các cơ quan của Đảng, của Quốc hội, các Bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc đã tham mưu xây dựng hàng loạt các chính sách góp phần phát triển đất nước nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng trong những năm qua.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với tiêu chí “không để ai bỏ lại phía sau” thì thông tin thống kê về tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong điều hành chính sách của các ngành và các cấp tập trung cho sự phát triển của các dân tộc thiểu số nói riêng cũng như của cả đất nước nói chung.

                                                                               Minh Phương. Ban Dân tộc

Các tin khác