Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2053

  • Tổng 1.227.328

Những "điểm tựa" của bản làng

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Ở những bản làng vùng cao huyện miền núi Minh Hóa, người có uy tín (NCUT) được bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ví như những “cây đại thụ” giữa rừng, là điểm tựa cho dân bản hướng tới cuộc sống ấm no, yên bình.

Họ có thể là những già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người làm kinh tế giỏi… Nhưng tựu trung lại, đó là những tấm gương trong lối sống, sản xuất, góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu, cổ hủ, đồng thời dẫn tiến đồng bào DTTS dần bắt kịp với nhịp sống hiện đại.

Nói được, làm được

Vượt qua eo Lập Cập hiểm trở, thung lũng Hóa Sơn (xã Hóa Sơn, Minh Hóa) hiện ra trong tầm mắt với bốn bề bao quanh núi đá vôi. Những con đường bê tông sạch sẽ, trải dài vào tận các bản, thấp thoáng dưới bóng cây là những ngôi nhà xây khang trang, rực rỡ màu ngói mới. Cuộc sống của người dân Hóa Sơn với hơn 78% đồng bào Chứt nay đã “thay da đổi thịt”, không còn bộn bề túng thiếu như ngày trước. Đến đầu bản Hóa Lương, mấy đứa trẻ đang vui đùa nhiệt tình dẫn chúng tôi tận cửa nhà của ông Cao Duy Ư (SN 1948), người được dân bản chọn là NCUT hơn 20 năm nay.

Căn nhà trệt, 3 gian dù được xây bằng bê tông nhưng vẫn giữ đúng nếp nhà truyền thống của người Chứt lọt thỏm giữa mảnh vườn đầy cây ăn quả xanh tốt. Biết khách đã hẹn tới nhà, ông Ư vội lùa đàn bò hơn 10 con vào lại chuồng. Ông kể, mặc dù vườn rộng nhưng phải coi sóc cẩn thận để bò không vượt rào phá hoại cây trồng của các gia đình khác.

Hương ước ở bản Hóa Lương là nhà nào thả trâu, bò rông phá cây cối của người khác thì nộp phạt 200 nghìn đồng/con, ngoài ra tùy thiệt hại còn phải thương lượng đền bù cho khổ chủ. “Quy định này đã có mấy năm gần đây để hạn chế tình trạng thả rông vật nuôi, vừa gây ô nhiễm, vừa tránh hư hại cây trồng và gây mất đoàn kết dân bản. Mình là một trong những người tích cực đi vận động chủ trương này nên phải gương mẫu để mọi người cùng tuân thủ…”, ông Ư cười chia sẻ.

Ông Cao Duy Ư ở bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn “khoe” các bằng khen được các cấp tặng vì có thành tích trong công tác dân tộc.

Ông Cao Duy Ư ở bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn “khoe” các bằng khen được các cấp tặng vì có thành tích trong công tác dân tộc.

Ông Cao Duy Ư vốn là cán bộ Mặt trận của xã, năm 2001 thì được cho nghỉ vì hết tuổi và cũng không có đủ bằng cấp. Nghỉ công tác, ông tập trung phát triển kinh tế gia đình, nuôi 10 người con ăn học thành người. Những người con của ông có người là giáo viên, cán bộ, quân nhân… Ở bản Hóa Lương, lời nói của ông Ư có “sức nặng” đặc biệt với dân bản, bởi như ông chia sẻ, mình nói những cái đúng, cái tốt theo chủ trương của Đảng, của Nhà nước để dân bản có cái ăn, cái mặc, có cuộc sống khấm khá hơn. Và tất nhiên để dân bản tin và làm theo thì bản thân phải gương mẫu làm trước, từ việc nhà đến việc chung của bản, của xã.

 

Trước đây, mỗi năm dân bản Hóa Lương bầu NCUT một lần, sau thì 5 năm một lần. Và lần nào cũng vậy, ông Cao Duy Ư được bà con giơ tay tán thành tuyệt đối. Năm 2023, ông Cao Duy Ư được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác dân tộc và thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

 

Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn Đinh Minh Tâm cho biết, bản Hóa Lương có trên 95% đồng bào dân tộc Chứt. Những năm qua, bà con dân bản luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền. Đặc biệt, trong công tác bảo vệ rừng, gần như không còn xảy ra tình trạng dân bản vào rừng khai thác, tiếp tay cho lâm tặc. Người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, nhờ vậy đời sống ngày càng được cải thiện và không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của đội ngũ những NCUT như ông Ư.

Trung tâm đoàn kết

Sát bản Hóa Lương là bản Lương Năng, hôm chúng tôi đến, Bí thư Chi bộ Cao Văn Minh (SN 1960) đang lên UBND xã giao ban công tác bảo vệ rừng. Ông Minh cũng được dân bản bầu làm NCUT từ năm 2008.

Trong bản Lương Năng, từ việc nhỏ đến việc lớn, như: Hiến đất làm đường giao thông, bảo vệ rừng, phát triển sản xuất... đến những nền nếp, sinh hoạt trong gia đình, ông Minh đều gương mẫu, vận động người nhà mình làm trước, bà con thấy đúng, thấy tốt thì làm theo và lâu dần được bà con tín nhiệm.

Những năm trước, khi xã Hóa Sơn có chủ trương hiến đất làm đường nông thôn mới. Lúc đầu, dân bản không chịu nếu như không được đền bù hay hỗ trợ. Ông Minh cùng cán bộ xã đến tận từng nhà vận động, thuyết phục và để dân bản tin tưởng, ông tự nguyện phát hết mấy cây trồng lâu năm, đưa hàng rào vô để nhường đất mở đường. Khi đoạn đường bê tông trước cửa nhà ông hoàn thiện, rộng rãi, sạch sẽ, dân bản đồng loạt làm theo. Đến nay, những đường chính quanh bản Lương Năng đều đã được bê tông sạch đẹp.

Ông Minh chia sẻ: “Nhiều lúc đêm hôm, vợ chồng trẻ cãi nhau hay hàng xóm lục đục, mất đoàn kết thì đều nhờ tới tôi để phân xử. Mình nói đúng thì dân bản họ nghe...”.

Nằm dưới chân đèo Đá Đẽo, bản Phú Minh, xã Thượng Hóa có hơn 160 nhân khẩu, quy tụ đầy đủ người Kinh, Sách, Rục, A Rem. Ông Trương Văn Bá (SN 1931) là NCUT lớn tuổi nhất trong 37 bản làng của huyện Minh Hóa. Dù tuổi cao nhưng dân bản Phú Minh vẫn tin cậy bầu ông làm NCUT nhiều năm nay. Trước những năm 2000, ở bản chỉ có 7 hộ, nay thì khoảng hơn 40 hộ. Nhân khẩu không nhiều, mỗi tộc người đều có những văn hóa khác nhau, trong sinh hoạt hàng ngày cũng không tránh khỏi những khúc mắc. Nhưng chỉ cần ông Bá đứng ra phân giải là mọi người lại vui vẻ, làm hòa.

Năm nay, ông đã bước sang 61 năm tuổi Đảng nhưng khi nói về kinh nghiệm làm NCUT, ông Bá cười hồn hậu: “Phải luôn giữ được sự đoàn kết, có đoàn kết là mọi người cùng nhau sống chan hòa”.

Ngoài 90 tuổi, ông Trương Văn Bá ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa vẫn được bà con tín nhiệm bầu làm người có uy tín.

Ngoài 90 tuổi, ông Trương Văn Bá ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa vẫn được bà con tín nhiệm bầu làm người có uy tín.

“Cầu nối” giữa Đảng và nhân dân

Những năm qua, đội ngigũ NCUT trên địa bàn huyện Minh Hóa luôn là những người tiên phong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối, trở thành “cầu nối” quan trọng giữa đồng bào DTTS với Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng bản làng ngày càng no ấm, phát triển, rút ngắn khoảng cách với đồng bào miền xuôi.

Họ chính là những “điểm tựa” vững chắc của các bản làng. Đó có thể là chàng trai Cao Xuân Long (SN 1996), bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa là NCUT trẻ nhất huyện Minh Hóa. Long là người xóa bỏ nghi ngại của bà con dân bản và tiên phong trong việc kế thừa, phát huy mô hình trồng lúa nước do bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng xây dựng và chuyển giao. Để đến nay, sau hơn nửa thế kỷ rời hang đá, những thế hệ người Rục ở Mò O Ồ Ồ đã biết làm chủ đồng ruộng, mang ấm no cho mình.

Đó là Hồ Đắm, NCUT ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, người sát cánh cùng các cấp chính quyền, bộ đội Biên phòng nỗ lực xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết thống, để người Khùa ở dân bản ngày càng phát triển, thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, bắt kịp với nhịp sống hiện đại…

Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của những NCUT trong cộng đồng, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn cho biết: “Đội ngũ NCUT là lực lượng quần chúng đặc biệt, là nhịp “cầu nối” gắn kết giữa Đảng, chính quyền với đồng bào DTTS vùng miền núi, là hạt nhân quan trọng trong xây dựng, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững bình yên bản làng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn”.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa Cao Ngọc Điền: Trên địa bàn huyện hiện có 37 NCUT của 37 bản làng đến từ 2 DTTS chính là Bru-Vân Kiều (người Khùa) và Chứt (người Mày, Rục, Sách). Đội ngũ những NCUT đều được đồng bào trong bản tin yêu, kính trọng, tín nhiệm và thực sự là những tấm gương sáng để bà con noi theo.

BBT. Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác