Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 1026

  • Tổng 1.226.292

Khi người dân thực sự tham gia sự kiện truyền thông

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Phải có mặt tại hội thi tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH, HNCHT) năm 2024 do Ban Dân tộc tỉnh và UBND xã Hóa Sơn (Minh Hóa) phối hợp tổ chức vừa qua mới cảm nhận được hết không khí cởi mở, nhiệt tình từ sự tham gia của người dân nơi đây. Với những sáng tạo trong quá trình tổ chức, hội thi đã thực sự là một sự kiện truyền thông bổ ích, hiệu quả, thu hút sự cộng hưởng từ các đội thi và người dân địa phương. Đêm đã về khuya nhưng hầu hết bà con đều nán lại đến phần thi cuối cùng và hồ hởi trao đổi dư âm hội thi đến tận những ngày sau.

Theo Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Thị Lài, hội thi là một trong những hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả tiểu dự án giảm thiểu tình trạng TH, HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thuộc dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

 

Thông qua hội thi nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…; tuyên truyền tác hại của TH, HNCHT. Tham gia hội thi có 6 đội, trong đó: 1 đội đến từ Trường TH và THCS Hóa Sơn, 5 đội đến từ các thôn, bản trên địa bàn xã. Các đội trải qua 3 phần thi: Màn chào hỏi, thi kiến thức và tiểu phẩm.

 

Chị Cao Hồng Quyên, đội trưởng đội thi đến từ Trường TH và THCS Hóa Sơn chia sẻ, ngay khi có kế hoạch tổ chức hội thi, nhà trường nhanh chóng thành lập đội dự thi và triển khai tập luyện kỹ càng, bài bản. Thầy cô và học sinh rất hào hứng để tham gia hội thi. Mặc dù thời gian tập luyện đúng vào đợt cao điểm thi học kỳ 2 của học sinh, nhưng thầy cô và các em nỗ lực vượt qua vất vả, tranh thủ từng giờ để chuẩn bị tốt nhất cho 3 phần thi.

 

Đặc biệt, phần thi tiểu phẩm “Chuyện nhà anh Bốp” chính là thông điệp mà đội thi Trường TH và THCS Hóa Sơn muốn mang đến hội thi, đó chính là không TH, HNCHT vì một xã hội văn minh, phát triển, vì giống nòi khỏe mạnh cho tương lai.

Ấn tượng một màn thi chào hỏi.

Ấn tượng một màn thi chào hỏi.

Còn chị Đinh Thị Tân, đội trưởng đội thi bản Hóa Lương tâm sự: “Để tập hợp đủ 8 thành viên chuẩn bị cho hội thi, chúng tôi đã đến từng nhà thuyết phục, động viên, vận dụng lúc bà con rảnh rỗi để tranh thủ luyện tập các tiết mục. Đội thi của bản Hóa Lương tập hợp đầy đủ thành phần, từ hội viên phụ nữ, nông dân... cho đến cựu chiến binh, Mặt trận. Xác định mỗi hội thi sẽ mang đến cho chúng tôi nhiều bài học để ứng dụng vào trong cuộc sống, chúng tôi rất vui và xem đây như một sự kiện quan trọng. Sau quá trình luyện tập chu đáo, kỹ càng, chúng tôi tham gia hội thi trọn vẹn và mong muốn sắp tới sẽ có nhiều hội thi tương tự như thế này để góp phần tuyên truyền cho bà con xã Hóa Sơn về tác hại của TH, HNCHT”.

Các đội thi đã mang đến cho khán giả những phần thi thật sự hấp dẫn, ấn tượng. Nếu “Màn chào hỏi” tạo điểm nhấn với nhiều bất ngờ với cách thức giới thiệu thành viên của đội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, lồng ghép khéo léo cùng các thông điệp giảm thiểu TH, HNCHT, thì phần thi “Kiến thức” mang lại nhiều ngạc nhiên. Bởi, không chỉ hầu hết các đội thi trả lời nhanh chóng, chính xác 10 câu hỏi, mà ngay cả khán giả cũng lắng nghe câu hỏi và tự tìm đáp án cho bản thân mình. Vì vậy, những tưởng đây là phần thi nhàm chán, khô khan thì lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người xem. Nhờ đó, các kiến thức về chủ đề của hội thi được truyền đạt đến người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng.

Đặc biệt, phần thi tiểu phẩm mang lại cho người xem nhiều cảm xúc nhất với sự diễn xuất nỗ lực của các diễn viên không chuyên, sự đầu tư kỹ lưỡng về phục trang, biên đạo, âm nhạc cùng những thông điệp rõ ràng, cụ thể. Các tiểu phẩm: “Chuyện anh Bốp”, “Đừng làm sai pháp luật”, “Chuyện nhà A Súa”, “Bỏ học lấy chồng”... đã tạo được ấn tượng đậm nét cho người xem nhờ lối diễn tự nhiên, kịch bản sát với thực tiễn, dàn dựng sân khấu chỉnh chu và các thông điệp giảm thiểu TH, HNCHT được lồng ghép linh hoạt, khéo léo, không ôm đồm, khô cứng.

Minh chứng cho thành công này là những tràng pháo tay không dứt cùng những nụ cười rạng rỡ của bà con. Bà Cao Thị Tuyết (60 tuổi, thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn) hồ hởi cho biết, bà rất vui khi đến tham gia hội thi và cảm nhận ý nghĩa của thông điệp mà các đội thi mang đến. Về nhà, bà sẽ tích cực tuyên truyền cho con cháu trong thôn không TH, HNCHT.

Kết thúc hội thi, đội thi Trường TH và THCS Hóa Sơn đoạt giải nhất, đội thi Thuận Hóa giải nhì, đội Hóa Lương và Tăng Hóa giải ba, đội Đặng Hóa và Lương Năng giải khuyến khích.

Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Phan Thị Chỉ cho hay, hội thi thực sự mang đến một “luồng gió mới” trong tuyên truyền về giảm thiểu TH, HNCHT trên địa bàn xã miền núi còn nhiều khó khăn như Hóa Sơn. Trước đó, năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tổ chức một cuộc thi tương tự tại xã và mang lại hiệu quả thiết thực. Ngay khi có kế hoạch tổ chức, địa phương đã tích cực đốc thúc, tạo mọi điều kiện tối đa để các đội thi tập luyện, chuẩn bị sẵn sàng cho hội thi. Thời gian tới, xã rất mong muốn sẽ tiếp tục có nhiều sự kiện tương tự về với địa phương để công tác tuyên truyền về giảm thiểu TH, HNCHT được triển khai hiệu quả hơn và huy động được sự tham gia tích cực của người dân.

BBT: Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác