Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 1048

  • Tổng 1.041.948

Màu xanh no ấm

Font size : A- A A+
 

Một chiều cuối năm, đi trên con đường bê tông dài sạch bóng dẫn vào bản Lâm Ninh, không thể dấu được cảm xúc khi ngước nhìn những cánh rừng keo xanh ngút ngàn hai bên đường. Thỉnh thoảng, theo làn gió một mùi nhựa keo mới ở khoảnh rừng nào đó đang thu hoạch, tỏa ra ngào ngạt. Chỉ cần từng ấy thôi, có thể hiểu được đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở đây đang giữ gìn được màu xanh cho những cánh rừng.

 Yêu rừng

10 giờ sáng, ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), hầu như các gia đình đều vắng vẻ. Trưởng bản Hồ Hờn đón chúng tôi phấn khởi nói, giờ bà con lên rừng rồi. Đã từ lâu, dân bản đã coi rừng như mối quan hệ ruột thịt, ngày ngày chăm sóc thăm nom. Rót chén trà nóng mời khách trong căn nhà đầy đủ vật dụng sinh hoạt của gia đình, Trưởng bản khoe: “Nhà này xây xong hồi tháng 8 vừa rồi, bằng tiền bán keo được 50 triệu đồng cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước đấy”.

Theo lời Trưởng bản, gia đình ông có 12ha keo, đến khi con cái dựng vợ gả chồng, ông lại phân cho chúng mỗi người một hecta. Dù đã mấp mé cái tuổi thất thập, nhưng ông thường xuyên cầm dao lên rừng phát cỏ, tỉa cây. Phải trồng rừng bằng cả trách nhiệm và tình yêu, đó là bài học ghi tâm mà ông dạy cả 7 đứa con của mình. Ông bảo, “mình vẫn làm, già vẫn làm, phải yêu rừng thì nó mới xanh tốt chứ. Còn sức là còn trồng rừng”.

Là một trong những người đầu tiên trong bản trồng rừng từ năm 1994, từng chứng kiến những cánh rừng bị đốt trụi đến đau xót do tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào, ông đã đến tận nhà vận động từng người định cư tại bản phải trồng rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ đất cho cháu con.


Ảnh minh họa.

Được sự chỉ đạo tích cực của huyện Quảng Ninh, xã Trường Xuân, ông Hồ Hờn càng có động lực quyết tâm làm công tác tư tưởng cho bà con. Ông gương mẫu trồng những cây keo đầu tiên tại Lâm Ninh, rồi hướng dẫn từng nhà, từng người trồng. Từ những lạ lẫm khó khăn ban đầu, đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây đã biết trồng, bón phân chăm sóc cây rừng, biết nhìn xa hơn những lợi ích tạm thời trước mắt. Bà con nhận ra rằng, bàn tay của mình có thể biến những đồi trọc thành những cánh rừng, đem lại giá trị kinh tế hàng chục triệu đồng, trẻ con sẽ được đi học, cuộc sống sẽ ấm no chứ không còn là những ngày tháng nay đây mai đó bấp bênh nữa.

Giữ cho đời sau

Hiện nay, ở bản Lâm Ninh cây rừng thi nhau lớn, cây này, cây kia lớp lớp mọc lên tươi tốt. Gia đình nào cũng tham gia trồng rừng. Mỗi năm, thu hoạch vài vụ keo, mỗi vụ thu nhập từ 30-45 triệu đồng. Trồng rừng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập để thoát nghèo mà nhiều hộ đồng bào DTTS định cư bên dải Trường Sơn đã giàu lên nhờ trồng rừng, nuôi ong trong rừng.

Hành trình bền bỉ gắn bó, chung thủy với rừng đã khiến diện mạo của làng bản thay đổi. Cuộc sống văn minh, ấm no hơn cũng từ nhờ rừng. Mỗi lần nhìn sự đổi thay ấy, Trưởng bản Hồ Hờn rơm rớm nước mắt cảm động. Hơn cả trách nhiệm, của vị Trưởng bản Lâm Ninh, bà con xem ông là sứ giả của rừng, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: giữ những nguồn xanh, giữ tình yêu rừng chảy mãi trong huyết quản của mỗi người con ở đây.

Ở huyện Quảng Ninh, còn có hai ông Hồ Khay và Hồ Râng, bản Nước Ðắng, xã Trường Sơn, cũng nhiều năm qua miệt mài với việc trồng và chăm sóc rừng. Trong khi đồng bào ở xã Trường Xuân trồng rừng bằng các loại giống keo, tràm, thì hai ông tìm những giống cây bản địa như huỵnh, lim, sưa… đưa về trồng. Những gì hai ông vun đắp cho rừng, khiến nhiều người bước vào ngỡ ngàng, như đang lạc vào một cánh rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ thẳng tắp, cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt.

Ông Hồ Khay cho biết, trong khu rừng rộng hơn 10ha của ông hiện có hơn 600 cây huỵnh, 600 cây lim và nhiều giống cây rừng bản địa khác. “Miềng trồng các loại giống cây của rừng như rứa là muốn giữ lại cho đời sau một khu rừng tự nhiên. Đó là những khu rừng có thể giữ được môi trường và muốn các thế hệ con cháu người Vân Kiều sau này vẫn biết được những giống cây quý như cây lim, cây huỵnh, cây táu… Đó là “gia tài” mà miềng muốn để lại cho mai sau!”.

Tiếp sức cho những cánh rừng luôn xanh

Theo cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, khác với trước đây, người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác trái phép lâm sản thì, 5 năm gần đây, trồng, bảo vệ rừng đã trở thành điểm sáng ở vùng đồng bào DTTS. Không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ đồng bào DTTS định cư bên dải Trường Sơn đã giàu lên nhờ trồng rừng.


Ông Hồ Hờn đang chăm sóc rừng trồng.

Dấu ấn để đón Xuân mới trong niềm vui, hân hoan ở Quảng Bình lần này là phong trào trồng rừng kinh tế lan tỏa trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Nhờ những suy nghĩ tích cực về trồng rừng, có rất nhiều hộ trước kia là hộ nghèo, trở thành điển hình làm giàu từ trồng rừng, như hộ chị Hồ Thị Thơi, ở thôn Cẩm Ly, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy với mô hình kinh tế rừng-ao-chuồng đang có thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Hồ Thị Con, ở bản Bến Ðường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, từ hộ nghèo, nay đã có 10ha rừng trồng keo lai vào độ thu hoạch, 3ha đất trồng sắn, đậu xanh, lúa rẫy và cỏ chăn nuôi. Ngoài ra, chị Hồ Thị Con rất tích cực vận động dân bản không phá rừng chặt cây lấy gỗ mà nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học hành.

Chia sẻ niềm vui về kết quả trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc của địa phương trong những năm gần đây, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình thông tin, kết quả này nhờ vào việc tỉnh, các địa phương đã tập trung quy hoạch, giao đất lâm nghiệp để các hộ dân trồng rừng kinh tế. Đến nay, diện tích rừng đã giao đạt hơn 5.000ha; đặc biệt, tỉnh luôn tạo thuận lợi, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng bằng các loại cây bản địa, bởi khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị cao.

Rời Quảng Bình, trong suy nghĩ miên man, tôi vẫn cảm nhận được tiếng trẻ em nô đùa trong tiếng rì rào của những tán cây trong gió. Bất chợt tôi nhớ đến câu hát: “Những gì mình giữ lấy sẽ còn lại đến mai sau”…

QH: Theo "Báo DT&MN"

More