Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 721

  • Tổng 1.046.612

VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 11

Font size : A- A A+

 

Trích - Luận cương cách mạng Việt Nam đệ trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng về hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH (Tháng 2/1951)
 

 

 

 

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

PHẦN II- CƯƠNG LĨNH CỤ THỂ

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

8. Việt-nam gồm nhiều dân tộc. Bên cạnh người Việt là những dân tộc thiểu số. Có những chủng tộc, dân số ít và ở rải rác, linh tinh như đồng bào Mèo, Trại, Lô-lô v.v... Có những dân tộc tương đối đông người và sống quây quần thành từng vùng khá rộng như đồng bào Mường ở Tây Nam Bắc-bộ và Bắc Trung-bộ, Thái ở Tây Bắc Bắc-bộ, Ra-đê ở Cao nguyên Tây Nam Trung-bộ.

Trong ngót một thế kỷ, tất cả các dân tộc đó sống cực khổ dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Chúng ra sức lừa bịp và chia rẽ các dân tộc đó, đem các dân tộc đó đối chọi lẫn nhau. Hiện nay, trong vùng tạm chiếm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng đang tiếp tục chính sách chia rẽ và lừa bịp ấy. Chủ trương của chúng là lập "nước Mường", "nước Nùng", "nước Thái", "nước Tây-kỳ" đã chứng tỏ điều đó.

Nguyện vọng của các dân tộc sống chung trong nước Việt-nam hiện nay là đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau, chung sức chống bọn thực dân xâm lược, quyết không trở lại đời nô lệ cũ. Cho nên chính sách của Đảng và Chính phủ ta lúc này là làm cho các dân tộc đó đoàn kết chặt chẽ, đặng kháng chiến, đánh bại quân xâm lược và cùng nhau xây dựng một quốc gia Việt-nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường. Trong đó mọi dân tộc đều bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng tiến.

Chính sách đó dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc: dân tộc tự quyết, địa phương tự trị, dân tộc bình đẳng và tương trợ.

Mục đích cuộc kháng chiến của ta hiện nay là thực dân quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt-nam: dân tộc Việt-nam tự quyết định lấy số phận của mình, tự mình định lấy chế độ mà mình ưa thích. Dân tộc Việt-nam, đa số và thiểu số, tự giác và tự nguyện đoàn kết chặt chẽ thành một quốc gia để bảo vệ quyền đó. Không thể đặt vấn đề các dân tộc thiểu số Việt-nam tách rời khỏi nước Cộng hoà dân chủ Việt-nam.

Chúng ta chủ trương thừa nhận quyền địa phương tự trị đối với những dân tộc thiểu số tương đối đông người và sống quây quần trong một khu vực nhất định. Tuỳ theo trình độ cao thấp của từng dân tộc mà quy định chế độ tự trị đó: trình độ cao thì tự trị về mọi mặt (tự trị chính trị). Song lúc này, quyền địa phương tự trị chưa thực hiện được. Vì một là thực tế chưa đủ điều kiện: các dân tộc đa số và thiểu số chưa được chuẩn bị về tư tưởng, cán bộ thiểu số còn quá ít ỏi, bọn phản động trong nhiều vùng thiểu số còn quá ít ỏi, bọn phản động trong nhiều vùng thiểu số chưa được thanh trừ, v.v... Hai là thực hiện tự trị ngay có thể đi đến kết quả trái ngược là chia sẻ lực lượng kháng chiến toàn quốc, đem từng dân tộc làm mồi cho đế quốc xâm lược bắc cầu cho địch dễ chia rẽ, lừa phỉnh, xâm lược.

Song ngay lúc này, đối với các chủng tộc sống chung trên đất Việt-nam, dù nhỏ, chúng ta cũng thi hành chính sách bình đẳng và tương trợ. Dân tộc đa số phải tích cực giúp đỡ các dân tộc thiểu số xây dựng kinh tế và văn hoá riêng để tiến kịp dân tộc đa số.

Muốn thực hiện chính sách dân tộc trên đây, chúng ta phải làm những nhiệm vụ sau này:

1. Giúp đỡ các dân tộc thiểu số tham gia chính quyền nhân dân các cấp, tổ chức và võ trang nhân dân thiểu số đánh đổ đế quốc xâm lược.

2. Mở mang kinh tế các vùng thiểu số, cải thiện đời sống cho họ, chú trọng tiếp tế những thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày của họ.

3. Phát triển bình dân học vụ và phát triển văn nghệ dân tộc ở các vùng thiểu số, phổ biến việc la tinh hoá tiếng nói của các dân tộc chưa có chữ và bảo đảm việc dạy học bằng các thứ tiếng đó trong các trường của dân tộc thiểu số (nhất là ở các lớp dưới).

4. Xóa bỏ những thành kiến dân tộc, giải quyết mọi xung đột dân tộc theo tinh thần đoàn kết thân ái và bình đẳng, trừng trị mọi hành động khiêu khích, chia rẽ các dân tộc; tăng cường mọi liên hệ hữu ái giữa các dân tộc đa số và thiểu số.

5. Trừng trị bọn thổ phỉ và thổ ty phản động, tay sai của địch.

Muốn làm tròn những nhiệm vụ trên đây, phải thiết thực điều tra, nghiên cứu tình hình kinh tế, xã hội, văn hoá, và trình độ thực tại của các dân tộc thiểu số, để thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ cho thích hợp. Đối với các vùng dân tộc thiểu số, phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không nên đại khái và chủ quan. Phải sửa chữa tư tưởng tả khuynh, muốn cải cách vội vàng với các vùng dân tộc thiểu số, và chủ trương máy móc, muốn cho các vùng dân tộc thiểu số rập theo khuôn khổ các vùng dân tộc đa số.

Đồng thời phải đề phòng và đánh đổ những khuynh hướng muốn tự trị vội vàng của một số người thiểu số, khuynh hướng muốn đồng hoá dân tộc thiểu số và thái độ tự cao tự đại của một số quốc gia dân số đối với quốc dân thiểu số. Cần đả phá những thành kiến dân tộc do thực dân gây ra giữa các dân tộc thiểu số với nhau và giữa các dân tộc thiểu số "với người Kinh". . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 34-37. 

Nguồn: Website Ủy ban Dân tộc

More