Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 313

  • Tổng 1.047.657

VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 13

Font size : A- A A+

 

Trích - Báo cáo Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương (1)
 

 

 

 

. . . . . . . . . .

Còn những việc quan trọng khác mà chúng ta phải làm là:

Vấn đề dân tộc: Chúng ta phải cố gắng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và giáo dục đồng bào thiểu số, để chuẩn bị điều kiện cho việc lập dần những vùng dân tộc tự trị. Việc này rất quan hệ với kháng chiến. Địch dùng tự trị giả để chia rẽ các dân tộc, để phá hoại sức kháng chiến. Ta phải kịp thời dùng tự trị thật để đoàn kết các dân tộc, để đẩy mạnh kháng chiến.

. . . . . . . . . .

(1) Báo cáo khai mạc của Hồ Chủ Tịch.

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 61.

 

Trích - Báo cáo về công tác mặt trận tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4
 

 

 

 

...................................

II- CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Trong lúc giặc Pháp đẩy mạnh việc lợi dụng các tôn giáo như đã báo cáo, thì chúng cũng tích cực thi hành chính sách chia rẽ các dân tộc ở ta để phá khối đoàn kết kháng chiến và triệt để áp dụng chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

Để lừa gạt các dân tộc thiểu số và lôi kéo các thổ ty lang đạo, chúng chủ trương lập xứ Nùng tự trị (Lạng-sơn), xứ Thái tự trị (Sơn-la, Lai-châu), xứ Mường tự trị (Hoà-bình), xứ Tây-kỳ (Liên khu 5), lập ngạch thanh tra Hoàng triều cương thổ.

Thủ đoạn trên đây của địch đã thất bại một phần lớn kể từ Thu Đông 1950-1951, sau chiến dịch Biên giới, chiến dịch Hoà-bình.

Đặc biệt là trong chiến dịch Tây-bắc vừa qua, quân đội ta đã giải phóng 25 vạn đồng bào trên một khu vực đất đai khá rộng (8.000 cây số vuông). Thắng lợi Tây-bắc không những là một thắng lợi lớn về quân sự mà còn là một thắng lợi chính trị, thắng lợi trong việc thực hiện chính sách dân tộc thiểu số của Đảng và Chính phủ.

Nhờ sự hướng dẫn cụ thể của Hồ Chủ tịch và của Trung ương nhất là nhờ có học 8 điều mệnh lệnh của Hồ Chủ Tịch nên cán bộ và bộ đội khi tiến vào Tây-bắc nói chung đã thấm nhuần và nắm vững chính sách trong mọi công tác và phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nên đồng bào vui mừng đón tiếp và giúp đỡ bộ đội khiến cho một phần lớn tàn quân nguỵ đã ra hàng, một số việt gian nguy hiểm đã bị bắt và trừng trị. Và mùa màng của nhân dân nhiều nơi đã được thu hoạch nhanh chóng và được bảo vệ. Ta đã tiếp tế được một số muối, thuốc, vải, nông cụ cho đồng bào, nên cũng gây được thêm ảnh hưởng, gây thêm tin tưởng cho nhân dân.

Thắng lợi của chiến dịch Tây-bắc cũng cho ta kinh nghiệm rằng: chính sách muốn được triệt để thi hành, thì chính sách cần được quán triệt trong tất cả mọi ngành công tác, cần được thông suốt trong cán bộ và ngành công tác, cần được thông suốt trong cán bộ và bộ đội, có kỷ luật chấp hành để thể hiện ra trong từng hành động cụ thể của mỗi người, như 8 điều mệnh lệnh của Hồ Chủ Tịch, để quần chúng có căn cứ dựa vào mà đấu tranh thực hiện chính sách. Và nếu chúng ta càng đem được các nhu cầu cấp thiết như muối, nông cụ... thì ta càng dễ vận động đồng bào. Họ càng tin tưởng.

Song trong việc thi hành chính sách dân tộc thiểu số ở Tây-bắc, ta còn những khuyết điểm sau đây:

- Việc tuyên truyền và phổ biến chính sách chưa rộng khắp và sâu sắc, làm cho quần chúng thật căm thù giặc, thật tin tưởng ở ta, giúp ta lùng bắt phản động, chinh phục tàn binh; bởi thế bọn này ở nhiều nơi vẫn còn lén lút trong rừng quấy rối nhân dân, gây hoang mang cho họ.

- Việc khen thưởng và bồi dưỡng những phần tử hăng hái, có công để phát huy tinh thần tích cực của mọi người, để đào tạo cán bộ cốt cán cho địa phương, ta làm chưa đủ. Trái lại có nơi đã đưa vào chính quyền những tên gian ác, lưu manh, đã từng làm việc cho Pháp mà nhân dân oán ghét, hoặc dùng chúng để tiếp tế lương thực cho bộ đội, làm cho dân không tin tưởng vào chính quyền.

- Việc giải quyết những nhu cầu cấp thiết của nhân dân như muối, nông cụ thì chậm và được rất ít so với nhu cầu chung, khiến nhân dân lo lắng về sinh hoạt, nên có làm giảm một phần ảnh hưởng chính trị. Điều này biểu lộ cán bộ chưa thật quan tâm đến đời sống đồng bào thiểu số.

Ngoài những thắng lợi ở Tây-bắc, ở Liên khu 5 trong thời gian qua cũng thu được kết quả tốt trong công tác vận động đồng bào Tây-nguyên. Các đồng chí trong đó đã tích cực sửa chữa những sai lầm trước đây đặc biệt là việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, mạnh bạo giao quyền cho cán bộ địa phương, tạo nên mối quan hệ tốt giữa chính quyền, cán bộ và nhân dân (theo báo cáo của đồng chí phụ trách Nông vận Liên khu 5).

Song bên cạnh những thành tích kể trên, ta cũng còn nhiều thiết sót, và do sự phát triển mới của tình hình tôi xin đề nghị Trung ương xét một số vấn đề sau đây để các địa phương, các ngành đẩy mạnh thêm việc thi hành chính sách dân tộc của Đảng ta:

1- Phải đặc biệt chú trọng việc cải thiện đời sống đồng bào các vùng dân tộc thiểu số. Tìm mọi cách thu mua lâm thổ sản và tiếp tế các thức cần thiết như mua lâm thổ sản và tiếp tục các thức cần thiết như muối, nông cụ... cho đồng bào, chống tư tưởng buôn ngành mậu dịch. Phát triển công tác y tế, vệ sinh, bình dân học vụ để đồng bào khoẻ mạnh và để nâng cao trình độ của đồng bào. Vì nhiều nơi kể từ ngày khởi nghĩa đến nay mà đời sống của đồng bào vẫn chưa cải thiện được mấy tý.

2- Vấn đề ruộng đất ở miền núi rất là phức tạp, có nơi lại yêu cầu đòi chia ruộng đất.

Nhiều nơi thổ ty, lang đạo không còn uy tín gì nữa hoặc đã lộ mặt phản động, nhân dân muốn trừ bỏ đi mà cán bộ vẫn chủ trương lôi kéo, đưa vào các cơ quan chính quyền để chúng áp bức nhân dân.

Có nơi lại yêu cầu cho xoá bỏ chế độ nô lệ. Đây là những vấn đề rất phức tạp, các địa phương cần có bộ phận chuyên nghiên cứu kỹ, có một kế hoạch đầy đủ về mọi mặt được Trung ương thông qua mới thi hành.

Đôi nơi đồng bào miền núi kêu ca hoặc phản đối thuế là do trình độ sản xuất và trình độ giác ngộ của mỗi khu vực có khác nhau, song cán bộ thì áp dụng chính sách thu thuế một cách máy móc, đồng loạt.

Cho nên việc đóng góp của đồng bào miền núi cần được nghiên cứu tỉ mỉ và có kế hoạch thích hợp vơi trình độ nhân dân từng vùng theo đúng phương châm thận trọng và chắc chắn của Trung ương.

3- Ít lâu nay, một số địa phương có nhiều giống người ở lẫn lộn với nhau (Lạng-sơn, Bắc-cạn...) đã coi nhẹ việc vận động đoàn kết các dân tộc và gây thêm căm thù giặc cho họ đối với Pháp; cho nên nhiều nơi vẫn còn thành kiến với nhau, có nơi còn những vụ xung đột quyền lợi như xưa, có nơi đã xảy ra đánh nhau.

Do những khuyết điểm trên đây, giặc Pháp vẫn cho đặc vụ lén lút ở hậu phương ta, quấy rối và gieo hoang mang cho đồng bào.

Nên các cấp cần chú ý giải quyết những mâu thuẫn quyền lợi của các dân tộc, tổ chức những hội nghị liên hoan giữa các dân tộc trong một địa phương, tổ chức những phái đoàn của Chính phủ và Mặt trận đi thăm các vùng thiểu số (bắt đầu từ những nơi quan trọng). Tổ chức những phái đoàn của nhân dân địa phương này đi thăm địa phương khác, để nhân dân thấy rõ sự săn sóc của Chính phủ, gây thêm không khí đoàn kết thân ái giữa các dân tộc.

4- Ở biên giới, nhiều nơi còn thổ phỉ quấy rối, ở vùng mới giải phóng Tây-bắc hiện nay, tàn binh của địch còn lẩn quất trong rừng cướp phá và còn làm cho nhân dân lo sợ. Cho nên việc giữ gìn an ninh ở các miền biên giới, những vùng mới giải phóng cần được chú ý nhiều hơn nữa. Điều chủ yếu là phải phát động được nhân dân thấu hiểu chính sách của Chính phủ giúp đỡ nhân dân tổ chức lực lượng vũ trang, tự đứng dậy bảo vệ lấy mình, giúp Chính phủ và bộ đội lùng bắn thổ phỉ, thu phục tàn binh. Việc này có làm được kết quả thì nhân dân mới tin tưởng vào chính quyền và do đó mới yên tâm sản xuất và hăng hái tham gia kháng chiến.

5- Vấn đề tuyên truyền và văn hoá: việc tuyên truyền ở các miền thiểu số nói chung yếu ớt, hình thức lại nghèo nàn và không thích hợp. Cho nên Nha Tuyên truyền cần có bộ phận lo công tác tuyên truyền cho miền núi, tuyên truyền bằng tiếng và chữ của địa phương, bằng tranh ảnh, bằng những đội văn công giản đơn, v.v...

Cần nâng đỡ những phần tử tri thức văn nghệ trong các dân tộc để họ có thể làm nhiệm vụ tuyên truyền trong dân tộc họ, và phải biết phát huy những điệu nhảy múa, ca hát của địa phương để giải trí và giáo dục cho đồng bào, làm cho văn hoá các dân tộc phát triển.

Chủ trương la-tinh hoá chữ Thái của một số cán bộ công tác ở Tây-bắc là một việc chủ quan và sai lầm, vì dân tộc Thái đã có một thứ chữ riêng tương đối dễ học và khá phổ biến. Ta phải đặt vấn đề giúp cho thứ chữ đó được phát triển mới đúng quan điểm quần chúng.

6- Việc xây dựng các khu vực thiểu số tự trị - theo chỉ thị của Hồ Chủ Tịch trong báo cáo khai mạc, năm nay ta cần chú ý việc gây điều kiện đầy đủ để có thể giúp đồng bào thiểu số thành lập các khu tự trị. Điều kiện cần thiết cho việc thành lập ấy là:

a) Về quân sự: khu vực ấy đã xa địch, và tương đối an ninh.

b) Về kinh tế: sinh hoạt của đồng bào đã được ít nhiều cải thiện và có điều kiện phát triển được kinh tế địa phương.

c) Về chính trị: cơ sở quần chúng đã tương đối vững, quần chúng đã được phát động và bọn lưu manh, đặc vụ đã bị quét sạch. Đặc biệt là đã có một số cán bộ địa phương đảm đương những công việc cần thiết.

Xây dựng được các khu tự trị như trên không những chỉ ảnh hưởng tốt đối với các dân tộc ở Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tốt đối với các nhân dân Miên, Lào. Nhân dân hai nước bạn sẽ tin tưởng thêm vào chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ, tin tưởng thêm vào sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam và càng quyết tâm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

7- Vấn đề đào tạo cán bộ miền núi. Như trong chính sách cụ thể đã nói: đây là một vấn đề căn bản trong việc vận động đồng bào thiểu số, song vẫn chưa chú ý được đầy đủ, nhiều địa phương cán bộ xuôi còn hẹp hòi, bao biện, không phát huy được tích cực tính của các cán bộ miền núi, làm cho quan hệ cán bộ xuôi, ngược không được tốt đẹp.

Cho nên, các địa phương cần kiểm thảo lại chính sách cán bộ ở các miền dân tộc thiểu số. Muốn được cụ thể các ngành ở Trung ương và các địa phương đều phải có một kế hoạch đào tạo cán bộ miền núi, cần sử dụng những cán bộ trí thức miền núi, cần bổ túc văn hoá cho cán bộ kém, giáo dục chính trị cho cán bộ miền núi, cho con em họ đi học để đào tạo một lớp người làm việc sau này.

Tóm lại, giặc Pháp đang tích cực chia rẽ các dân tộc ở ta. Cho nên, để củng cố khối đoàn kết dân tộc hơn nữa, Đảng ta cần đẩy mạnh thêm việc thi hành chính sách dân tộc. Muốn thế, chính sách dân tộc phải được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và cán bộ các ngành, các cấp, cần học tập chính sách ấy để quán triệt thi hành trong tất cả mọi ngành dân vận, chính quyền kinh tế, mậu dịch, y tế, giáo dục, v.v... Mỗi ngành đều phải có một chương trình đối với các vùng dân tộc thiểu số nhằm mục đích nâng cao trình độ chính trị và mức sống của đồng bào, và để theo dõi sự thực hiện chính sách dân tộc, để nghiên cứu bổ sung chính sách đề nghị Trung ương cho Ban Mặt trận thêm cán bộ để chuyên theo dõi vấn đề đó, để giúp cho Trung ương thúc đẩy việc thực hiện ở các địa phương đầy đủ.

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 61-68

Nguồn: Website Ủy ban Dân tộc

More