Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 114

  • Tổng 1.049.680

VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG VỀ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC 9

Font size : A- A A+

 

Trích - Báo cáo và Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 5 về chính sách dân vận và công tác mặt trận dân tộc thống nhất
 

 

 

 

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

IV- VỀ NHÂN DÂN MIỀN NÚI:

Sau khi cuộc chiến tranh lan rộng tới Trung-bộ và nhất là từ sau cuộc tấn công của địch vào Việt-bắc hồi năm ngoái, đời sống của đồng bào miền núi, nhất là trong các tỉnh Hà-giang, Cao-bằng, Bắc-cạn bị mỗi ngày một khó khăn thêm vì: Một phần ruộng nương bị địch phá, một phần các đường vận tải tiếp tế cản trở. Các thứ nhu cầu như vải, muối, gạo v.v... bị khan hiếm vì rất khó tiếp tế. Trong các tỉnh Hà-giang, Cao-bằng, Bắc-cạn ở Bắc cũng như các tỉnh thượng du Trung-bộ, mỗi tạ gạo giá lên tới 3.500đ, 4.000đ. Tình hình ấy có ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của Vệ quốc quân và dân quân ta.

Dựa vào sự khó khăn đó, địch đã dùng cách chuộc hay dọa nạt quần chúng để lôi kéo họ. Song vì chính sách tàn ác và bóc lột của chúng, nhân dân Thổ (Lạng-sơn) hay nhân dân Mường vùng Sơn-la, Hoà-bình, và nhiều dân Thượng ở Trung-bộ đã tỉnh ngộ sau một hồi bị chúng lừa gạt.

Muốn gây dựng lại cuộc vận động nhân dân thiểu số từ cuối năm 1947 đoàn thể đã đào tạo những lớp cán bộ cho đi công tác miền ngược và đem một số cán bộ miền ngược đã gia nhập bộ đội về hoạt động và gây dựng dân quân ở ngay quê họ. Đồng thời lấy danh nghĩa kháng chiến hành chính khu, chúng đã lập ra phòng dân tộc thiểu số chuyên nghiên cứu việc vận động quốc dân thiểu số, đào tạo cán bộ miền ngược và do cơ quan đó làm cho họ gần gũi với chính quyền.

Nhờ có chính sách này, dân Ra-đê và Thượng ở các tỉnh Trung-bộ, nhất là vùng Tây-nguyên, dân Miên các tỉnh Nam-bộ cũng như dân Mường, Thổ ở các tỉnh miền Bắc đã trở lại với Tổ quốc và cương quyết chống Pháp.

Chúng ta đã lập những trung đội, đại đội người thiểu số (có nơi đã có tiểu đoàn như Hoà-bình, Tây-nguyên).

Cuộc vận động đó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân dân miền núi, mọi người dân thường tự nhận là người trong Việt-minh.

Đứng về chính trị và quân sự thì ta đã thắng địch nhiều trong các miền núi, song đứng về cải thiện dân sinh thì chính sách Đảng chưa thi hành được mấy.

Muốn cho vận động miền núi kết quả hơn nữa, lúc này chúng ta nhằm vào mấy công việc sau này:

a) Phá tan âm mưu của giặc đang lập các xứ Nùng, Thái, Mường tự trị, v.v... b) Thực hiện sự đoàn kết rộng rãi giữa các dân tộc miền ngược. c) Cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi; đặc biệt chú ý tiếp tế muối, gạo cho các nơi hiện nay bị đói ở miền núi Bắc và Trung-bộ. d) Cán bộ đi sâu vào nơi có đồng bào miền núi, gây cơ sở quần chúng của ta. e) Thành lập thêm ở các khu, tỉnh các Phòng quốc dân miền núi để giúp đồng bào một cách thiết thực hơn, mở thêm trường đào tạo cán bộ miền núi Thái, Mường, v.v... (khắp các dân tộc). g) Thực hiện chính quyền nhân dân (gồm đủ các tầng lớp quốc dân miền núi). h) Thực hiện việc xá thuế rẫy. i) Giúp đỡ gia đình có công với cách mạng. j) Giúp đỡ đồng bào miền núi, đặt ra chữ viết cho họ. k) Đúc kinh nghiệm vận động toàn quốc.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

-------------------------

Văn kiện của Đảng về Chính sách Dân tộc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 29-31. 

Nguồn: Website Ủy ban Dân tộc

 

 

More