Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 655

  • Tổng 964.108

Vì sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống cơ quan công tác Dân tộc, Báo Quảng Bình có bài phỏng vấn đồng chí Võ Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh về những nỗ lực và đóng góp quan trọng của công tác dân tộc trong việc nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. 

 P/V: Những năm qua tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, đồng chí có thể đánh giá bức tranh toàn cảnh về tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay?


- Đ/c Võ Ngọc Thanh: Tính đến 31/12/2021, dân số vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh ta có 10.907 hộ với 45.400 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm và tặng quà già làng Đinh Xon, bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm và tặng quà già làng Đinh Xon, bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).

Trong đó, riêng ĐBDTTS có 6.417 hộ, 27.004 nhân khẩu (chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh), gồm các dân tộc: Bru - Vân Kiều và Dân tộc Chứt. Đây là 2 DTTS có số dân đông nhất, còn lại là các DTTS khác như: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái… với 57 hộ, 177 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS hiện chiếm 69,52%.

Trong những năm qua, việc thực hiện tốt công tác dân tộc, các chương trình, dự án, chính sách… đã mang lại khởi sắc trong KT-XH và bộ mặt nông thôn miền núi vùng ĐBDTTS. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế được bố trí bác sỹ, y sỹ, nữ hộ sinh; được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động; 88,23% xã có điện lưới quốc gia…

Đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện. Số hộ ĐBDTTS có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó, có gần 200 hộ thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm.

Giáo dục đào tạo được đầu tư hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến THPT; hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú phát triển. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập THCS. Đến nay đã có 129 học sinh người DTTS được đào tạo bậc đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của ĐBDTTS được chú trọng.

Ban Dân tộc tỉnh và Tỉnh đoàn - Hội LHTN tặng quà cho ĐBDTTS bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa)
Ban Dân tộc tỉnh và Tỉnh đoàn - Hội LHTN tặng quà cho ĐBDTTS bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa).

Hệ thống chính trị ở vùng ĐBDTTS được củng cố. Hiện các xã vùng DTTS không còn “bản trắng” về chi bộ và đảng viên. Nhiệm kỳ 2020-2025, có 82 đảng viên là người DTTS tham gia cấp ủy cơ sở, 2 đảng viên tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở; có 133 người DTTS trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (1 đại biểu cấp tỉnh, 2 đại biểu cấp huyện); có 226 người DTTS tham gia Ủy ban Mặt trận 3 cấp (cấp tỉnh 7 vị, cấp huyện 17 vị).

Hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng DTTS ngày càng được nâng lên, làm nòng cốt trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh và khối đoàn kết dân tộc, đồng bào đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

P/V: Năm 2021 có nhiều dấu mốc quan trọng trong công tác dân tộc và đời sống ĐBDTTS trong tỉnh. Những kết quả nổi bật trong năm qua là gì, thưa đồng chí?

- Đ/c Võ Ngọc Thanh: Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Ban Dân tộc đã chủ động nắm bắt tình hình ở cơ sở, tham mưu UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành và ban hành các chính sách về công tác dân tộc. Cụ thể, như: Tham mưu triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, phân định vùng ĐBDTTS và miền núi theo trình độ phát triển; xác định các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025; xây dựng báo cáo tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS; tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Ban Dân tộc tỉnh khảo sát tình hình tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy
Ban Dân tộc tỉnh khảo sát tình hình tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.

Ban cũng đã trực tiếp tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định quy định vai trò, trách nhiệm của người có uy tín (NCUT) và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với NCUT trong ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; về quy chế phối hợp giữa Ban Dân tộc với UBND các huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; khảo sát, xây dựng Đề án Phát triển KT-XH, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) giai đoạn 2021-2025…

Với sự quan tâm lãnh đạo của UBDT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện các chính sách dân tộc có nhiều khởi sắc. Các đề án: Hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Chứt theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng, Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong ĐBDTTS; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động ĐBDTTS; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025… đạt nhiều kết quả tích cực.

Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh công nhận 103 NCUT trong ĐBDTTS năm 2021. Các chế độ, chính sách đối với NCUT được quan tâm thực hiện kịp thời và đầy đủ, góp phần động viên, khuyến khích NCUT nói riêng, ĐBDTTS nói chung nỗ lực phát huy vai trò cá nhân, chung tay phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

P/V: Xin đồng chí cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế của công tác Dân tộc thời gian qua, các định hướng và nhiệm vụ thời gian tới là gì?

Ban Dân tộc tỉnh và Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025
Ban Dân tộc tỉnh và Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025.

- Đ/c Võ Ngọc Thanh: Thực hiện các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc (UBDT), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh…, căn cứ tình hình vùng ĐBDTTS và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh năm 2021, Ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi năm 2022 của tỉnh; Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc năm 2022.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022, Ban tập trung tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, UBDT và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Trước mắt, triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình, kế hoạch và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và các chương trình, chính sách dân tộc đang được triển khai.

Ban sẽ phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đối ứng và phân bổ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 năm 2022; huy động lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai hiệu quả công tác, chính sách dân tộc.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật và các chương trình, chính sách trong vùng ĐBDTTS và miền núi nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho bà con. Ban sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBDTTS; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực công tác, chính sách dân tộc...

Đời sống đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc (bản ARem, xã Thượng Trạch, Bố Trạch)
Đời sống đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc (bản ARem, xã Tân Trạch, Bố Trạch)

Năm 2022 sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi. Quá trình triển khai sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những thiếu sót trong thực hiện chính sách đối với vùng ĐBDTTS và miền núi.

Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng tại buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về triển khai nhiệm vụ năm 2022 và thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc tỉnh sẽ nghiên cứu, phối hợp với sở, ban, ngành, tham mưu cho UBND tỉnh về các cơ chế chính sách đối với vùng ĐBDTTS và miền núi. Tại buổi làm việc, nhiều nội dung đề xuất, kiến nghị… đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành thực hiện. Đây là những tín hiệu vui và là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

P/V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ ban hành nghị quyết đặc thù về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hoá, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và miền núi. Nghị quyết sẽ tạo cơ sở chính trị để tỉnh bổ sung nguồn lực phát triển bền vững vùng ĐBDTTS và miền núi,  một trong những nhiệm vụ trọng yếu của năm 2022 và của nhiệm kỳ

BBT: Nguồn "Báo Quảng Bình" 

Các tin khác