Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 20

  • Tổng 963.473

Ân tình bên mái Giăng Màn

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Bên mái Giăng Màn, cuộc sống của đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa dẫu vẫn còn nghèo khó nhưng rất đỗi ân tình. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa, ngay lập tức, không ai bảo ai, đồng bào đã lên rừng, lên rẫy lấy từng búp măng, buồng chuối, đào từng củ sắn, củ môn… gửi tặng đồng bào miền Nam và những người thực hiện cách ly xã hội, đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

 “Hạt gạo chia ba, củ sắn bẻ đôi”

 
Sáng sớm tinh mơ, khi con gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy te te, già làng Hồ Tót, người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa đã mang gùi lên rẫy để đào củ sắn. Trước lúc đi, ông Tót không quên dặn vợ và con lấy bớt một bao lúa rẫy cất bên gốc nhà ra giã để kịp đem về xã đóng góp gửi tặng bà con ở các bản Bãi Dinh, K.Ai ở xã Dân Hóa đang bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19.
 
Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa và của xã Trọng Hóa, gia đình ông Hồ Tót và bà con người Mày bản Dộ-Tà Vờng, không ai bảo ai, lặng lẽ vác gùi lên rẫy đào từng củ sắn, củ môn, bẻ từng búp măng, buồng chuối, gom góp đưa về xã để gửi vào ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Nam đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa, đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã Trọng Hóa, Dân Hóa đã đóng góp gạo, mật ong, đậu lạc, sắn, môn, măng rừng, rau củ quả các loại… trị giá trên 60 triệu đồng; trong đó xã Trọng Hóa gần 40 triệu đồng, Dân Hóa hơn 20 triệu đồng. Của ít lòng nhiều, bà con người Khùa, người Mày chỉ mong cho đồng bào miền Nam sớm vượt qua được khoảng thời gian này.
Một bản làng của người Khùa, người Mày bên mái Giăng Màn.
Tại bản Ra Mai (xã Trọng Hóa), sau khi lời kêu gọi đóng góp ủng hộ đồng bào miền Nam đang gặp khó khăn của Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa được cán bộ Mặt trận xã Trọng Hóa phổ biến đến từng nhà, ông Hồ Liên, người Khùa, đã khệ nệ gùi 30kg gạo rẫy cùng với 1 bịch măng rừng đến nhà văn hóa cộng đồng của bản để đóng góp.
 
Ông Liên bảo rằng, mới năm ngoái đây, khi đồng bào người Khùa, người Mày ở các bản vùng trong của xã Trọng Hóa bị nước lũ bao vây, cô lập; rồi những dịp Tết, biết cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhiều đoàn cứu trợ từ miền Nam không ngại đường xa, hiểm trở đã mang đến tặng bà con những phần quà rất kịp thời, ý nghĩa. Những ân tình ấy, đồng bào người Khùa, người Mày chẳng thể nào quên.
 
Hôm nay, ông Liên gom góp một phần quà nhỏ bé của gia đình, nhờ cán bộ xã Trọng Hóa và huyện Minh Hóa gửi vào miền Nam như lời cảm ơn những người ân nhân đã từng giúp đỡ gia đình, bản làng của mình.
 
Câu chuyện của ông Liên cũng là suy nghĩ của hầu hết bà con người Khùa, người Mày sống bên mái Giăng Màn lúc này. Bà con ai cũng muốn góp một phần nhỏ bé của mình, cùng người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tạo thành những chuyến hàng lớn hơn để gửi vào giúp đồng bào miền Nam vượt qua khó khăn.
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa chia sẻ: “Hơn ai hết, đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương còn nhiều khó khăn này hiểu rõ những lúc thiên tai, dịch bệnh, cần lắm sự đùm bọc, sẻ chia, để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Hạt gạo chia ba, củ sắn bẻ đôi”, bà con đều hiểu tinh thần ấy nên đóng góp nhiệt tình lắm. Ai có cái gì thì đóng góp cái đó, ai cũng sẵn lòng, không suy nghĩ thiệt hơn.” 
 
Người Khùa, người Mày ân nghĩa
 
Theo ông Hồ Phin, không phải đến bây giờ, khi đất nước xảy ra dịch bệnh Covid-19, ân tình của người Khùa, người Mày mới có dịp để bộc lộ, mà đó là một đức tính rất quý của đồng bào đã có từ ngàn xưa.
 
Những bậc cao niên ở xã Trọng Hóa kể rằng, bao đời sống dưới chân dãy Giăng Màn, thiên tai khắc nghiệt, nên chưa khi nào người Khùa, người Mày có cuộc sống sung túc, giàu có cả. Cuộc sống dẫu khó khăn nhưng người Khùa, người Mày là những tộc người sống trọn nghĩa, vẹn tình với đồng bào, đồng chí.
Đồng bào người Khùa, người Mày ở xã Trọng Hóa gom góp hàng hóa ủng hộ đồng bào miền Nam và khu phong tỏa ở xã Dân Hóa.
Đồng bào người Khùa, người Mày ở xã Trọng Hóa gom góp hàng hóa ủng hộ đồng bào miền Nam và khu phong tỏa ở xã Dân Hóa.
Trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, bên con đường 12A lịch sử, người Khùa, người Mày vẫn chia từng củ sắn, nắm bồi với bộ đội và tham gia gùi đá lấp đường cho từng chuyến xe ra mặt trận. Đêm đêm, dưới nếp nhà sàn đơn sơ, tiếng “thùm... thụp” đâm (giã) bồi vang vọng khắp các bản làng, để đến sáng mai, từng nắm bồi nóng hổi, thơm bùi được các mẹ, các chị gói gém cẩn thận, trao cho bộ đội trước giờ hành quân vào chiến trường…
 
Hôm nay, hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống của đồng bào người Khùa, người Mày đang từng ngày phát triển đi lên, hòa nhập cùng người dân cả nước. Trong dòng chảy của cuộc sống, có nhiều thứ có thể lãng quên nhưng những mỹ tục về văn hóa, về cách sống đầy hào sảng, nghĩa tình thì đồng bào nguyện giữ mãi.
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa, đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã Trọng Hóa, Dân Hóa đã đóng góp gạo, mật ong, đậu lạc, sắn, môn, măng rừng, rau củ quả các loại… trị giá trên 60 triệu đồng; trong đó xã Trọng Hóa gần 40 triệu đồng, Dân Hóa hơn 20 triệu đồng. Của ít lòng nhiều, bà con người Khùa, người Mày chỉ mong cho đồng bào miền Nam sớm vượt qua được khoảng thời gian này.

Tôi may mắn được nhiều lần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc" với người Khùa, người Mày bên mái Giăng Màn và nhận ra rằng, ngoài sự hào sảng, nghĩa tình thì đồng bào cũng vô cùng hiếu khách. Dù bạn là ai, khi bạn đã leo lên đến sàn nhà của đồng bào người Khùa, người Mày thì bà con đều coi bạn là khách quý. Lúc bạn đến nhà, dù là thời gian nào, thì ngoài mời nước, đồng bào cũng bưng một mâm cơm lên mời bạn.


Ông Phạm Văn Bắc, một người Kinh có gần 10 năm làm cán bộ ở xã Trọng Hóa kể rằng: "Đồng bào người Khùa, người Mày là vậy đó. Họ sống đơn giản nhưng đầy ân tình. Khi khách đến nhà, bất kể đó là thời điểm nào, họ cũng đều bưng ra một mâm cơm để mời khách, dù nhiều lúc trên mâm cơm, thức ăn chỉ có những hạt muối trắng. Họ mời như vậy vì họ sợ khách lỡ đường, đói bụng, đặc biệt là khách từ xa đến. Những lúc như vậy, nếu khách thực sự đói bụng thì cứ ăn tự nhiên, còn khi khách đã no bụng, chỉ cần chấp tay nói: “xạ thủ” (cảm ơn) là họ đều rất vui cái bụng…"
 
Ban Biên tập: Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác