Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 2489

  • Tổng 998.625

Quảng Bình thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Những năm qua, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh Quảng Bình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người Bru-Vân Kiều và người Chứt, ở đó sự phân công lao động chủ yếu bắt nguồn từ tính chất phong tục tập quán, quan hệ dòng họ.

 Đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, người phụ nữ đảm nhận hầu hết các công việc liên quan đến sản xuất, tái sản xuất, trong khi nam giới tham gia các hoạt động cộng đồng và xã hội là chính. Do đó, người phụ nữ DTTS bị đặt lên vai nhiều gánh nặng nhưng vai trò quyết định trong cộng đồng bị hạn chế và không được đề cao. Để tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới, tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025”.

Quảng Bình thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bà con dân tộc thiểu số người Mày ở bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Nguồn: TTXVN.

 Phạm vi của đề án được triển khai tại vùng đồng bào DTTS của các huyện: Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; tập trung vào các gia đình DTTS rất ít người, già làng, người có uy tín, cán bộ thôn, bản công tác trên địa bàn huyện, xã vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống. Đề án phấn đấu 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng DTTS có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Phấn đấu 80% số hộ đồng bào DTTS rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới. Kết quả thực hiện giai đoạn 2018-2021, đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục bình đẳng giới cho cán bộ cơ sở và cộng đồng với 9 lớp tại địa bàn 7 xã có đông đồng bào DTTS rất ít người sinh sống; 526 học viên là cán bộ cơ sở, giáo viên và người dân trên địa bàn các xã tham gia lớp học.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết: “Để đạt được các mục tiêu đề ra, đề án đã thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán địa phương; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như kinh phí cho đề án còn ít. Địa bàn thực hiện đề án đi lại khó khăn, trình độ dân trí và trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, tỷ lệ người DTTS rất ít người mù chữ còn rất cao. Việc tiếp cận quan điểm về giới, bình đẳng giới ở một số ban, ngành, địa phương chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức”.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình điểm trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, lồng ghép các chính sách có liên quan để tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới; thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, người có uy tín, già làng, trưởng bản vùng có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống...

Ban Biên tập: Nguồn "Báo Quân đội nhân dân"

Các tin khác