Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 369

  • Tổng 1.011.222

Học làm nông dân để giảm nghèo bền vững

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Trọng Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhằm cụ thể thể hóa, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng bộ xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đã xây dựng chương trình hành động với những cánh làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương…

 

 
Lúa nước trĩu vàng trên ruộng bậc thang
 
Cái nắng gay gắt của buổi trưa hè nơi biên giới Việt-Lào vẫn không thể buộc ông Hồ Khiên, người Mày ở  Dộ-Tà Vờng rời khỏi cái chòi canh lúa. Bởi, ông Khiên đang phải canh chừng con chim, con thú không cho chúng phá hoại những bông lúa nước trĩu vàng trên các thửa ruộng bậc thang của mình.   
 
Đây là vụ lúa nước trên ruộng bậc thang thứ 2 của gia đình ông Hồ Khiên. Ở vụ lúa trước, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ xã Trọng Hóa, ông Hồ Khiên đã trồng thử nghiệm thành công mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang.
 
Cụ thể, trên diện tích 688m2, ông Khiên gieo cấy giống lúa TH6 và chăm sóc theo phương thức hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng cây lúa vẫn bảo đảm các chỉ tiêu sinh trưởng và cho năng suất khá cao (50 tạ/ha). 
Đồng chí Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa hướng dẫn ông Hồ Khiên, người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.
Đồng chí Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa hướng dẫn ông Hồ Khiên, người Mày ở bản Dộ-Tà Vờng trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.
Từ thành công của mô hình, cùng với sự chấp thuận, hỗ trợ tối đa của UBND huyện Minh Hóa, xã Trọng Hóa đã xây dựng đề án, nhân rộng mô hình. Theo đó, vụ đông-xuân 2020-2021, diện tích ruộng bậc thang ở xã Trọng Hóa đã được tăng lên 26 sào (tương đương 1,3ha) với 13 hộ đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 bản Dộ-Tà Vờng và K Oóc tham gia thực hiện.
 
Đất không phụ công người, những ngày này, 13 hộ người Mày, người Khùa đang rất vui mừng, khi lần đầu tiên trong đời được tự tay cầm liềm thu về những hạt lúa chắc mẩy từ thửa ruộng bậc thang của mình với năng suất ước tính đạt trên 50tạ/ha.
 
Đồng chí Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang là một trong nhiều mô hình mà Đảng bộ xã Trọng Hóa đã cụ thể hóa trong chương trình hành động của nhiệm kỳ 2020-2025, để triển khai thực hiện nhằm hướng tới mục đích bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững của xã.
 
Theo đồng chí Hồ Thị Thoi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Trọng Hóa bao đời nay vốn quen trồng lúa rẫy bằng phương thức “phát, đốt, cốt, trỉa” theo kiểu nhờ trời. Những năm mưa thuận gió hòa, lúa rẫy được mùa thì bà con đủ ăn được khoảng nửa năm. Những năm hạn hán, bão lũ, công phát rẫy cả năm của bà con trở thành “công dã tràng”; cái đói, cái nghèo vì thế mà cứ đeo bám lấy người dân xã Trọng Hóa mãi.
 
Đảng bộ xã Trọng Hóa hiện có 275 đảng viên, phần lớn trong đó là người DTTS; các đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã đều là người Khùa. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất biên cương này, hơn ai hết, chính những người đang giữ trọng trách lãnh đạo ở xã Trọng Hóa hiểu rõ những phong tục tập quán, tiềm năng, thế mạnh, cũng như những nguyên nhân của đói nghèo…
 
Vậy Đảng bộ xã phải làm gì? Nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Hồ Thị Thoi trăn trở: Muốn giúp đồng bào DTTS trong xã thoát nghèo, trước hết cán bộ, đảng viên trong xã phải đi học cách làm giàu từ các mô hình hay, hiệu quả ở các xã bạn. Nói thẳng ra là đi học “cách làm nông nghiệp trong thời kỳ mới”…
 
Cán bộ, đảng viên đi học để làm… nông dân
 
Đồng chí Hồ Thị Thoi bảo, mấy chục năm qua, mình là nông dân; hầu hết đảng viên, cán bộ trong xã cũng là nông dân, nhưng lại là nông dân lạc hậu, quanh quẩn xó rừng, quanh năm chỉ biết “phát, đốt, cốt, trỉa”, nay phải đi học làm "anh nông dân mở cửa với bên ngoài", để có “cái vốn” làm ăn và bày cách cho bà con làm theo.
 
Thế nên, trong nhiệm kỳ vừa qua, hễ nghe ở đâu mở lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, ở đâu có mô hình hay, phù hợp với điều kiện địa phương, Đảng ủy xã đều tìm cách cử cán bộ, đảng viên đến đó để học tập, tham quan.
 
“Để triển khai thực hiện mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang, Đảng ủy xã đã cử đồng chí Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Hồ Khiên, Trưởng bản Dộ-Tà Vờng đi tham quan một số mô hình làm ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Bản thân đồng chí Bắc cũng chăm chỉ nghiên cứu, học tập qua sách báo, thực tiễn nên khi triển khai mô hình đã có nhiều thuận lợi, bước đầu có thể nói là thành công và có thể nhân rộng…”, đồng chí Hồ Thị Thoi chia sẻ.
 
Cũng theo đồng chí Hồ Thị Thoi, nhờ những chuyến đi tập huấn, tham quan, học tập của cán bộ, đảng viên mà Đảng bộ xã Trọng Hóa đã xây dựng chương trình hành động nhiệm kỳ 2020-2025 sát đúng với thực tế địa phương, nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.
 
Những bài học kỹ thuật từ các lớp tập huấn, những mô hình hay ở các xã bạn, đã được cán bộ, đảng viên xã Trọng Hóa mang về hướng dẫn cho bà con làm, trước hết biết cách chọn các giống cây, con nào để trồng trọt, chăn nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng của gia đình. 
Đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa trồng rừng bằng giống cây bản địa (lim, dổi…) để nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường.
Đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa trồng rừng bằng giống cây bản địa (lim, dổi…) để nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường.
“Trước đây, người Khùa, người Mày ở xã Trọng Hóa trồng lúa, trỉa ngô cứ mãi điệp khúc “phát, đốt, chọc lỗ, tra hạt”; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà thì thả rông khắp bản, khắp rừng…, gây ô nhiễm môi trường mà hiệu quả mang lại không cao. Khi cán bộ, đảng viên trong xã được cử đi tham quan, học tập làm “nông dân mới” trở về, được Đảng bộ phân công cụ thể về từng thôn, bản hướng dẫn bà con trồng rừng kinh tế bằng các giống cây gỗ lớn, cây bản địa để có giá trị kinh tế cao hơn. Chăn nuôi phải tập trung vào con chủ lực, dựa vào thế mạnh của xã, đó là đàn bò, trâu, lợn bản… Người Mày, người Khùa thấy cán bộ hướng dẫn đúng, nhiều mô hình có hiệu quả nên phấn khởi làm theo.”, đồng chí Hồ Thị Thoi cho biết thêm.
 
Ông Hồ Đăm (54 tuổi), người Khùa, ở bản La Trọng 1, bao nhiêu năm phát nương, làm rẫy, không biết đã làm “tổn hại” bao nhiêu hécta rừng mà vẫn không đủ no, vẫn là hộ nghèo. Những năm gần đây, nhờ được Nhà nước giao đất, giao rừng, cho vay vốn ưu đãi và được cán bộ xã Trọng Hóa hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, gia đình ông Đăm đã áp dụng và rất thành công.
 
Hiện tại, gia đình ông Đăm đã trồng được hơn 8ha rừng kinh tế, có đàn trâu, bò gần 20 con. Từ một hộ nghèo quanh năm thiếu ăn, hiện nay, gia đình ông Đăm đã vươn lên hộ khá, có cuộc sống sung túc, con cái được ăn học đến nơi, đến chốn.
 
Gia đình anh Hồ Lâm ở bản Hưng, mặc dù tuổi còn trẻ nhưng cũng đã tạo dựng được một cơ ngơi khá vững chắc nhờ trồng rừng kinh tế và chăn nuôi trâu, bò.
 
“Gia đình tôi hiện có 7ha rừng, hàng chục con trâu, bò, lợn bản…mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Có được thành quả này, gia đình tôi biết ơn Đảng và Nhà nước qua các chương trình, dự án (135, 30a) đã hỗ trợ cây, con giống từ bước đầu “khởi nghiệp”; cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất và đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện tối đa của chính quyền xã Trọng Hóa…”, anh Lâm chia sẻ.  
 
Đồng chí Hồ Phin, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng với những đổi thay về nếp nghĩ, cách làm của cả Đảng bộ và nhân dân nên công tác giảm nghèo ở Trọng Hóa thời gian qua đã có những thành quả đáng khích lệ.
 
Riêng năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Trọng Hóa đã giảm gần 13%, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 81,5% (đầu năm) xuống còn 67,8% theo chuẩn mới. Đặc biệt, năm 2020, toàn xã có 18 hộ làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện ý chí tự vươn lên mạnh mẽ của đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa.
 
Đây cũng là tiền đề, nền móng vững chắc để Đảng bộ xã Trọng Hóa làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững trong nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Box: Chương trình hành động của Đảng bộ xã Trọng Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng gỗ lớn và phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thông qua đó để tạo thêm nhiều sinh kế, việc làm ổn định cho người dân, nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4-5%/năm; đến năm 2025, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 50%.
 
Ban Biên tập

Các tin khác