Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 510

  • Tổng 1.011.363

Nữ Bí thư đảng ủy xã đầu tiên của người Khùa

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Vùng quê này chiếm phần lớn là những đồi núi có mặt đất dốc. Con đường xóa đói, giảm nghèo ở đây cũng khó khăn, ghập ghềnh giống như những con dốc lên núi Cô Pi. Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thoi, sinh năm 1983 là người luôn nỗ lực để đưa người dân vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống.

 

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi (thứ nhất bên phải sang) trao quyết định kết nạp Đảng cho đảng viên mới. Ảnh: Văn Chương

Tại bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa vang lên tiếng nhạc, tiếng cười nói vui vẻ. Đó là đám cưới của anh Hồ Khăm và chị Hồ Thị Ngạnh. Ở miền xuôi, khi về già thì các cặp đôi tổ chức đám cưới vàng, đám cưới bạc để hâm nóng tình cảm. Còn ở vùng cao này sau khi cưới lần 1 thì tổ chức thêm 2 lần nữa. Việc tổ chức đám cưới thường rất vui, không tốn kém quá nhiều.

Trong đám cưới, bà con thường nhắc những chuyện vui mà ai cũng nhớ như chuyện Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thoi rất giỏi trồng rừng, có đàn gia súc, gia cầm phong phú, nhờ đó mà phát triển được kinh tế gia đình ổn định, bà con cần phải học theo cách làm này.

Chị Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa sinh ra trong gia đình người Khùa (dân tộc Bru Vân Kiều) dưới chân núi Giăng Màn. Nhiều năm trước đây, khi chưa có con đường thông thương từ miền xuôi, xã Trọng Hóa chìm trong giấc ngủ vùi của núi rừng. Mặt trời thường đến muộn, vì màn sương mù dày đặc xuyên qua cánh rừng già, ban đêm thường đến sớm, khi mặt trời lặn sau đỉnh núi. Đường đi cách trở đã khiến đời sống đồng bào trở nên khó khăn, nhiều hủ tục ngàn đời cứ thế mà đeo đẳng mãi.

Khi chị Thoi lớn lên, hình ảnh những người lính quân y BĐBP cắm bản đã trở thành ấn tượng đẹp trong lòng chị, để rồi chị cứ theo đó mà phấn đấu. Chị trở thành cán bộ y tế thôn bản, hằng ngày lặn lội khắp các bản làng xa xôi để chữa bệnh cho đồng bào. Cán bộ y tế ở vùng cao là người luôn dành được nhiều sự kính trọng hết mực của đồng bào. Người cán bộ y tế thôn bản cũng chính là người sát dân, nắm sâu, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương, hiểu từng ngõ ngách sâu kín nhất của mọi gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi là cá nhân điển hình trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2019, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số.

Những ngày mang túi thuốc đến với dân bản là quãng thời gian chị Thoi làm công việc giống như những người lính Biên phòng. Đó là tuyên truyền cho đồng bào bỏ các hủ tục lạc hậu, dọn dẹp vệ sinh gia đình, không vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thậm chí có lúc, cán bộ y tế còn phải “gánh” thêm những công việc của một người cán bộ mặt trận, như việc giải thích, tuyên truyền cho dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Trong quá khứ, chị Thoi đã lặn lội đi hết 18 bản của xã Trọng Hóa, khi thì phải trèo đèo, lội suối, băng qua thác nước, có lúc vào đến bản thì phải ngủ lại, cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ nỗi khó khăn với đồng bào. Có lẽ vì hiểu rõ đời sống của đồng bào, nên khi trở thành lãnh đạo địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thoi luôn sâu sát với đồng bào trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy con em đến trường để nâng cao mặt bằng dân trí ở vùng sâu vùng xa, trở thành nguồn nhân lực giúp địa phương phát triển bền vững.

Gặp những cán bộ ở thôn bản, nhiều người vẫn nhắc đến Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thoi thời còn làm cán bộ y tế với tính cách năng nổ, nhiệt tình. Từ năm 2003 đến năm 2010, làm cán bộ phụ nữ xã cũng vẫn giữ tinh thần trách nhiệm ấy, chị vào từng nhà, từng bản để tuyên truyền, vận động. Năm 2015, cán bộ Thoi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong kỳ Đại hội vừa qua, chị tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chứ Bí thư Đảng ủy xã. Người Khùa ở vùng cao này luôn tự hào nhắc về người con gái đầu tiên của dân tộc mình vinh dự giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã.

Hiện nay, Quốc lộ 12 A đã được xây dựng, đi xuyên qua xã Trọng Hóa. Có đường, có điện, đời sống của người dân ở vùng cao này đã nhanh chóng bắt nhịp với sự tiến bộ. Bà con đã không còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước mà đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển các mô hình trang trại.

Chị Thoi cho biết, để đồng bào không còn sống nhờ vào săn bắn, giao đất cho người dưới xuôi lên thuê để trồng rừng, cán bộ xã phải làm gương trước, sau đó, chỉ vào mô hình đã thực hiện thành công để nói với dân bản rằng: “Nuôi con dê, con bò rất có lãi, trồng rừng sau 5-10 năm sẽ có thu hoạch, lấy tiền làm nhà...”.

Mô hình trồng rừng được cán bộ xã và cán bộ BĐBP hỗ trợ giúp bà con thực hiện. Ảnh: Văn Chương

Để làm gương, chị Thoi đã đi đầu trong việc trồng rừng keo, tràm, lim, trám. Sau 8 năm ròng rã canh tác, chị đã phát triển được 2ha rừng, kết hợp với nuôi gia súc. Số tiền vay ngân hàng được chị xoay vòng trả nợ để tiếp tục mở rộng chăn nuôi đàn gia súc. Người Khùa, người Mày ở địa phương nhìn vào trang trại của chị và trầm trồ, tính chuyện làm theo. Hiện nay, có 600 hộ dân trong xã đã vay vốn để phát triển sản xuất, với số tiền lên đến 13 tỷ đồng. Nhiều mô hình của các hộ dân trong xã bắt đầu phát triển tốt, như gia đình Hồ Thị Thanh, Hồ Thị Thoa...

Có một con số biết nói được thể hiện rõ trong báo cáo về thành tích xóa đói, giảm nghèo của địa phương, đó là năm 2019, toàn xã Trọng Hóa có 85 hộ thoát nghèo, trong đó, có 7 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

QH: Theo "Báo Biên phòng"

Các tin khác