Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 185

  • Tổng 963.638

TÔ B'RĂU AREM - Bài 2: Tôi là người Arem!

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Từ một tộc người nhỏ bé, ẩn trong các hang đá giữa rừng sâu, người Arem giờ đây đã có một bản làng đông vui. Được sự quan tâm về mọi mặt của Nhà nước và các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào đã ổn định và có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, đến nay, bản Arem vẫn còn 80% hộ nghèo. Đặc biệt, tri thức bản địa và các giá trị văn hóa là vốn quý của người Arem theo thời gian đang dần bị quên lãng. Làm sao để tạo sinh kế cho người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa để Arem phát triển bền vững- Đó là điều mà các nhà nghiên cứu tâm huyết muốn đi tìm để chung tay cùng Nhà nước và các cấp chính quyền có những quyết sách phù hợp, mang lại cuộc sống ấm no và an vui cho đồng bào.

 Dưới chân núi đá

 
Bản của người Arem nằm dưới chân những ngọn núi đá vôi sừng sững. Có cảm giác như những ngôi nhà sàn đang được bao bọc, che chở bởi những người khổng lồ. Nhà được gia cố bằng cột bê tông, mái lợp bằng tồn đỏ, nổi bật giữa màu xanh của núi rừng. Đường vào bản được bê tông phẳng lì. Những công trình dân sinh, như: trường học, trạm y tế, công trình điện mặt trời, giếng khoan… ngày càng hoàn thiện để bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho bà con. Người Arem đau ốm được đưa đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Bà con đã bỏ dần những tập tục lạc hậu. Con em của đồng bào được học và nói tiếng phổ thông, cách ăn mặc, cư xử đã “văn minh” như cách các em được tiếp thu trong trường học. Bản có 5 học sinh học hết trung học phổ thông.
 
Đinh Chai, sinh năm 1996 là một trong số đó, hiện đang theo học đại học và vừa được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch. Tộc người Arem năm 1956 được bộ đội Biên phòng Quảng Bình phát hiện trong hang Va và các hang đá giữa rừng sâu chỉ có 18 người nay đã có 89 hộ, 389 nhân khẩu. Cùng với cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện, người Arem được cấp 186 ha đất canh tác. Được mùa rẫy, có nhà trữ được vài tạ thóc/mùa.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Chai
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Chai
Tuy nhiên, theo con số thống kê mới nhất, có đến 80% hộ dân ở bản Arem thuộc diện hộ nghèo, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Đặc biệt là về mùa mưa lũ, “thung lũng” Arem thường bị “cô lập” do bị ngập lụt và sạt lở đất làm tắc dường.
 
Những năm trước, đến Arem vào lúc chưa thấy mặt trời hay khi con gà rừng đã đi ngủ, người ta vẫn thấy người Arem tụ tập uống rượu, say rượu. Có những ngày chỉ thấy người Arem quanh quẩn ở bản. Những gương mặt phụ nữ nhìn qua khung cửa thăm thẳm buồn. Trẻ em thì trần truồng, lấm lem. Lợn, gà thả rong chạy khắp nơi. Còn đường bê tông phẳng lì thì đầy phân trâu, bò.
 
Bây giờ ít nhìn thấy cảnh đó hơn, nhưng bà con vẫn chưa bỏ được những thói quen cũ.
 
Hãy hiểu để thương, đừng nên áp đặt
 
Nếu chỉ đến Arem một hoặc vài lần nhìn ngó rồi đi, bạn, như nhiều người khác sẽ nghĩ người Arem lười biếng, thụ động, trông chờ, ỷ lại. Nhưng, nếu bạn đủ kiên nhẫn, lưu lại vài ngày, trở lại vài lần và đủ chân thành để dân bản tin, họ sẽ cởi mở chia sẻ nỗi niềm với bạn.
 
Năm trước, Đinh Cu đã dẫn tôi về nhà em, chỉ cho tôi thấy những tảng đá nhiều kích cỡ, có tảng lộ thiên, có tảng ẩn dưới đất xung quanh nhà: “Nhà em toàn đá giàn, em trồng cây mãi mà nó không lên được. Trồng chuối xuống là nó chết, em muốn chuyển nhà đi nơi khác...".
 
Ông Đinh Lầu (ngoài 60 tuổi) buồn bã: “Ở đây nắng thì nắng lắm, mưa thì mưa nhiều nên thường xuyên mất mùa; đã thế rẫy lại xa bản, thú rừng hay phá nên có mùa, cả bản chỉ được vài nhà có thu hoạch, còn lại thì mất trắng”.
 
Y Hương cũng buồn: “Ở đây khổ nhất là xa nguồn nước, mùa hè giếng khoan không đủ cấp nước nên không có nước để tắm giặt, đi làm rẫy thì uống chung vũng nước trâu bò uống”.
 
Trở lại Arem những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Chai vui mừng chỉ cho tôi nhà Đinh Cu đã được chuyển về nơi ở mới sát chân núi, cùng nhiều hộ gia đình khác của bản. Một nơi thoáng rộng và có đất để trồng cây. 
 
Hỏi già làng Đinh Rầu, ông mong muốn điều gì cho dân bản, già làng không một chút đắn đo: “Nước với nhà”. Rồi ông giải thích: “Đói thì còn chịu được chơ thiếu nước thì không sạch sẽ con cháu rồi sinh bệnh tật". Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm đường ống dẫn nước về bản nhưng vì nguồn nước quá xa bản, đường ống phải đi qua nhiều địa hình đồi núi cao nên bị hư hỏng không khắc phục được. Còn nhà thì già làng nói là thanh niên Arem lấy vợ, sinh con, không thể ở chung trong căn nhà chật chội mà họ không đủ khả năng để làm nhà nên cũng chỉ biết trông chờ vào Nhà nước.
 
Học giả Nguyễn Hữu Thông lý giải: “Phải hiểu đồng bào, phải đặt mình vào họ để biết nhu cầu vật chất, tinh thần của họ là gì và phải cùng họ bắt đầu chứ không phải đưa ra lời khuyên hay bắt buộc họ phải theo mình. Có những cái mình cho là tốt, chưa hẳn đã là cái bà con cần. Phải để cho đồng bào thấy được quyền của họ và những cái chúng ta mang lại thật sự phù hợp cho cuộc sống mà họ mong muốn”.
 
Tiến sĩ nhân chủng học Peter Bill Larsen cũng cho rằng: “Người Arem đã được Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm đặc biệt, rất nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống, sức khỏe cho bà con, nhưng gần như vẫn thiếu sự quan tâm làm thế nào để bảo tồn các kiến thức bản địa (kiến thức để người Arem tự bảo đảm cuộc sống của mình), làm thế nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của họ và làm thế nào để giữ lại các quyền sử dụng tài nguyên của họ trong khu rừng mà họ gắn bó từ lâu đời”.
 
Chia sẻ quyền lợi, bảo tồn văn hóa
 
“Hiện nay, UNESCO đã có chính sách mới là phải bảo vệ quyền của những con người sống trong các vùng di sản thiên nhiên thế giới, chia sẻ quyền lợi với họ và bảo tồn giá trị văn hóa của họ. Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng đang phát triển du lịch, rất nhiều công ty du lịch đầu tư khai thác vùng này, mang lại nhiều lợi nhuận. Những người ở xa người ta đến đây sẽ đặt câu hỏi: tại sao ở một vùng phát triển mà người dân sống trong khu vực đó lại khó khăn như vậy. Bài toán chia sẻ quyền lợi và tạo sinh kế cho người Arem phát triển bền vững cần phải được đặt ra và tìm lời giải ”-Tiến sĩ Peter Bill Larsen nói. 
Bản Arem như một thung lũng giữa 4 bề núi đá
Bản Arem như một thung lũng giữa bốn bề núi đá
Và, không chỉ nói, vị tiến sĩ người gốc Đan Mạch rất yêu đất nước, con người Việt Nam như ông từng chia sẻ đã cùng các cộng sự của mình trong “Nhóm nghiên cứu và phát triển cộng đồng bền vững” thuộc Đại học Quảng Bình tiến hành nhiều chuyến điền giã, nghiên cứu, hội thảo chuyên đề về việc bảo tồn, phát huy kiến thức bản địa và giá trị văn hóa của tộc người Arem.
 
Điều tiến sĩ Peter lo lắng nhất là già làng Đinh Rầu và những người già ở Arem đã bước qua tuổi 70, 80. Họ là những người còn lưu giữ kiến thức bản địa quý giá của người Arem. Già làng Đinh Rầu cũng là thầy thuốc của bản. Ông thuộc hàng trăm cây thuốc quý để chữa hầu hết các loại bệnh thông thường cho dân bản. Những bài hát của người Arem trầm buồn, mênh mang thăm thẳm giữa núi rừng giờ cũng chỉ có người già mới thuộc và hiểu nghĩa của nó. Già làng Đinh Rầu buồn bã: “Con nít hắn đi học ở trường giờ chỉ nói tiếng phổ thông, quên tiếng mẹ đẻ rồi!” .
 
Phải bắt đầu từ người Arem và chính họ phải biết mình cần gì, làm gì để đảm bảo cuộc sống trong một môi trường mới. Sau đó mới là “chúng ta” cần giúp gì, hỗ trợ như thế nào. Đồng thời, phải chia sẻ quyền lợi bằng cách cho họ những quyền trong vùng di sản theo luật mới của UNESCO để họ có thể mưu sinh bằng chính những kiến thức sinh tồn trong khu rừng mà họ cho là nhà của mình. Trước mắt, cần có một dự án dạy tiếng Arem, sau đó là dạy và thực hành các kiến thức bản địa của chính người Arem cho học sinh ở đây. Phải dạy cho các em hiểu và yêu quý văn hóa của tổ tiên mình, bên cạnh  những giá trị văn hóa khác mà các em được tiếp thu... Phải bằng cách nào đó bảo tồn văn hóa Arem, nếu không, dù giữ được một tộc người khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhưng lại để họ đánh mất vốn quý nhất của mình là văn hóa thì những nỗ lực của chúng ta cũng sẽ mất đi nhiều giá trị- Học giả Nguyễn Hữu Thông và Tiến sĩ Peter Bill Larsen đã gặp nhau trong quan điểm ấy khi cùng dành hết tâm huyết để nghiên cứu về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tộc người Arem ở Quảng Bình.
 
“Tô b'rău Arem. Tô b'rău Arem!”- Chỉ khi đứng trên ngọn núi cao giữa rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng, già làng Đinh Rầu của bản Arem mới thốt ra những lời này. Lời của già làng như được cất lên từ trong sâu thẳm tâm hồn ông và trầm vọng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
 
Tộc người Arem thuộc dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình. Năm 1956, bộ đội Biên phòng Quảng Bình phát hiện người Arem trong các hang đá ở núi rừng Trường Sơn, lúc đó đồng bào chỉ có 18 người. Đến nay, Arem đã có 89 hộ, 389 khẩu. Bản Arem thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, ở cây số 39, đường 20 Quyết Thắng, trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Hiện, cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh ở đây cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, bản có đến 80 % hộ nghèo.
                                                                                         QH: Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác