Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 517

  • Tổng 999.293

Báu vật của người Ma Coong

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Nhấp ngụm rượu cần rồi ngước nhìn lên ngọn núi phía trước mặt, "nghệ sỹ" Đinh Đì của tộc người Ma Coong tay cầm cây đàn 3 dây (đàn Cha pi) để chơi nhạc, miệng hát một khúc ca bằng ngôn ngữ của đồng bào bản địa: "Xây dua lờ, Rờ pa, Pờ rôốc… chi păn. Xây dua lờ, pờ riết, cờ tao… la iết…". Rồi ông Đinh Đì tự dịch nghĩa nôm na, rằng "Mùa xuân đến, hoa Rờ pa, Pờ rôốc… nở đỏ rực cả góc rừng, rất đẹp. Mùa xuân đến, cây chuối, cây mận… ở trên rừng cũng bắt đầu cho nhiều quả ngọt…".

 Năm 2019, Lễ hội đập trống Ma Coong, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) được Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó như một cơ duyên để những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, chúng tôi ngược lên xã miền núi Thượng Trạch để tìm hiểu sâu hơn về kho tàng nhạc cụ của người Ma Coong. Từ nhiều năm qua, các loại nhạc cụ của người Ma Coong chính là những "báu vật" góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân nơi đây…

Ông Đinh Đì, bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) giới thiệu về các loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong do chính anh làm ra.
Ông Đinh Đì, bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) giới thiệu về các loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong do chính anh làm ra.
Vừa thể hiện xong bản nhạc mang bản sắc dân tộc mình, ông Đinh Đì (52 tuổi) ở bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch, lấy tiếp một loại nhạc cụ có tên gọi kền (thuộc bộ hơi, còn gọi là khèn, gồm 14 ống nứa nhỏ được ghép lại với nhau có cài những lá đồng hoặc bạc rất mỏng…) ra thổi một hồi rồi dừng lại giải thích với chúng tôi: "Đối với bài hát bằng tiếng Ma Coong mà tôi vừa biểu diễn cùng cây đàn Cha pi, nếu có thêm người biết chơi đàn Roa (thuộc bộ dây, hao hao giống cây đàn nhị của người miền xuôi) và thổi kền, sáo Pi… đệm vào thì bài hát mới tăng thêm phần hân hoan, rộn ràng, sâu lắng, dịu êm và mềm mại."
 
Hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống của người dân bản địa ở xã Thượng Trạch hiện có đều có nét giống với những loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong sinh sống tại nước bạn Lào và người Bru-Vân Kiều khắp dãy Trường Sơn đang sử dụng.
 
"Trước đây, ở xã Thượng Trạch có khá nhiều người Ma Coong vừa biết làm và chơi được các loại nhạc cụ truyền thống. Giờ đây, nhiều người trong số họ đã mất hoặc theo gia đình sang sinh sống ở nước bạn Lào. Số còn lại như tôi nay còn rất ít. Đã thế, đại đa số lớp trẻ lớn lên lại đam mê với những nhạc cụ hiện đại mà lơ là với nhạc cụ truyền thống, nên rất khó để truyền nghề...", ông Đinh Đì chia sẻ.
 
Bấm đốt ngón tay, ông Đinh Đì giới thiệu thêm với chúng tôi: "Hiện nay, ở xã Thượng Trạch, ngoài tôi thì có thêm Đinh Tôốc (bản 51), Đinh Xon và Đinh Kim (bản Cà Roòng 1), Đinh Nựu (bản Cu Tồn), Đinh Mì (bản Nịu)… là những người biết làm và chơi được một số loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong. Sở dĩ bản thân tôi biết làm và chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống là do hồi nhỏ có sang Lào sinh sống một thời gian dài và may mắn gặp được những người lớn tuổi tích cực giảng dạy, truyền nghề để lưu giữ cho tới tận hôm nay…".
 
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về các loại nhạc cụ truyền thống trong kho tàng đời sống văn hóa, tâm linh của người Ma Coong, anh Đinh Tôốc (SN 1980, trú tại bản 51) rụt rè vào trong góc nhà sàn của mình lấy ra một vài loại nhạc cụ do chính tay anh làm được, biểu diễn cho chúng tôi thưởng thức từng thứ một.
 
Đinh Tôốc tiết lộ: "Sở dĩ tôi biết làm và chơi được một vài nhạc cụ truyền thống là do "học mót" được từ người anh rể Đinh Đì ở bản Cờ Đỏ. Để chơi được các loại nhạc cụ này đã khó, việc chế tạo chúng còn gặp khó khăn gấp bội phần.
 
Chất liệu để phục vụ cho việc chế tạo hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong đều có sẵn ở bản địa, nhưng để "buộc" từng loại nhạc cụ phát ra âm thanh thật chuẩn lại không hề đơn giản. Trong tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong, khó nhất vẫn là việc chế tạo và chơi được kền, tiếp đến là Cha pi, Roa… ".
Anh Đinh Tôốc, bản 51, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) thổi pi cho chúng tôi nghe thử.
Anh Đinh Tôốc, bản 51, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) thổi pi cho chúng tôi nghe thử.
Già làng Đinh Xon, bản Cà Roòng 1 (người được đông đảo đồng bào Ma Cong ở xã Thượng Trạch tôn vinh làm chủ lễ hội đập trống từ nhiều năm nay) tâm sự, bản thân ông làm và chơi không được nhiều các loại nhạc cụ truyền thống của người Ma Coong, nhưng am hiểu khá nhiều âm nhạc của tộc người Ma Coong. Cụ thể, đối với các loại nhạc cụ truyền thống thuộc bộ gõ thì người Ma Coong hiện có: trống, chiêng, mõ; về bộ dây có: Cha pi, Roa…; bộ hơi có: kền, sáo Pi, pi…
 
Bất cứ nhạc cụ truyền thống nào cũng đều có thể "bắt chước" diễn tả được phần nào những thanh âm trong tự nhiên, đời sống sinh hoạt của người dân bản địa theo từng mùa, nhịp điệu và cảm xúc của con người… Hầu hết các loại nhạc cụ của người Ma Cong đều được sử dụng vào trong hoạt động kết nối, thể hiện tình cảm giữa con người với nhau; giữa con người với đất trời, thần linh; trong các dịp cưới hỏi, giao duyên; khi lên nương rẫy để lao động sản xuất…
 
"Đặc biệt, tại lễ hội đập trống, những loại nhạc cụ không thể thiếu trong phần lễ là trống, chiêng và pi. Còn tại phần hội, mọi người có thể thoải mái dùng các loại nhạc cụ truyền thống khác để tăng phần vui vẻ, hòa đồng hơn. Bản thân tôi hiện làm chủ lễ hội đập trống, nên việc bắt buộc am hiểu, sử dụng các loại nhạc cụ trống, chiêng và pi là điều cần thiết để đứng ra tổ chức phần lễ cho trọn vẹn với thần linh, tổ tiên…", già làng Đinh Xon cho biết thêm.
 
Box: "Song hành với việc chú trọng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa về vật thể và phi vật thể của người Ma Coong, hiện nay, xã Thượng Trạch đang tích cực đề xuất với cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương sớm xây dựng, đưa vào sử dụng công trình nhà văn hóa cộng động cấp xã. Khi có được công trình này, xã sẽ bố trí một không gian hợp lý để sưu tầm và trưng bày các hiện vật về nghề đan lát, nhạc cụ truyền thống của đồng bào nơi đây nhằm giới thiệu với du khách thập phương một cách hiệu quả.", ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch chia sẻ.
 
QH: Nguồn "Báo Quảng Bình"

Các tin khác