Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 436

  • Tổng 1.010.774

Các chính sách an sinh xã hội đã tạo động lực giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vùng đặc biệt khó khăn là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố lòng tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Vùng miền núi tỉnh Quảng Bình có 64 xã và th trấn, có diện tích 6.579 km2, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh, dân số 288.430 người (chiếm 29,6%), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 6.145 hộ, 25.707 nhân khẩu bao gồm các dân tộc: Dân tộc Bru-Vân kiều (gồm các tộc người Vân kiều, Khùa, Ma coong, Trì), dân tộc Chứt (Sách, Mày, Rục, A rem, Mã liềng), các dân tộc thiểu số khác: Tày, Nùng, Mường, Thổ, Pa cô, ..

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã giành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống chính sách ASXH đối với khu vực này được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, nguồn lực đầu tư lớn, cơ bản đã phát huy được hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc, miền núi. Chỉ tính riêng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh giai đoạn 2012-2018 là 662.312 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, chính sách khác như: định canh định cư, chính chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hộ nghèo khó khăn, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt là hơn 126.221 triệu đồng; các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... Công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả quan trọng. Từ năm 2003 đến 2018, các sở, ngành, đoàn thể có liên quan đã phối hợp với các chi nhánh, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách và Xã hội xây dựng được 917 tổ tiết kiệm cho gần 33.000 lượt hộ vay vốn, tổng số dư nợ đạt trên 115 tỷ đồng; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tín dụng cho gần 13.000 lượt hộ vay trên 120 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhờ các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nên ASXH của đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tăng từ 10 triệu đồng năm 2016  lên 12 triệu đồng năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK giảm nhanh (từ 37,7% năm 2016, xuống còn 23,90% năm 2018, bình quân mỗi năm giảm 4,6%; hộ nghèo DTTS bình quân hàng năm giảm 4 - 5%; 100% người dân ở vùng DTTS, vùng  đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT. Đến nay, cơ bản không còn hộ đói trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ đồng bào dân tộc có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số toàn tỉnh có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó có trên 500 hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng trở lên/năm, gần 200 hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/năm. Đến nay, 100% số xã ở vùng dân tộc thiểu số có điện sinh hoạt (02 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời), trên 70% số dân được dùng nước sạch; tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đạt 97,16%, học sinh trung học cơ sở trên 99,7%; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có trạm y tế xã và đã có bác sỹ.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi được chú trọng; công tác phòng, chống và kiểm tra dịch bệnh được tăng cường và quan tâm kịp thời. Trạm y tế đã được đầu tư xây dựng mới trên tất cả 64/64 xã vùng dân tộc và miền núi. Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia ngày càng cao, tỷ lệ xã có bác sỹ 100%; 100% thôn, bản có cán bộ y tế; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh cũng như hố xí hợp vệ sinh đều tăng hàng năm. Người dân vùng DTTS, vùng ĐBKK và miền núi của tỉnh được cấp 100% thẻ BHYT thông qua các kênh như (người nghèo, người có công, người DTTS, người dân thuộc xã, thôn ĐBKK, trẻ em dưới 6 tuổi,..). Tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước đã được giải quyết, giúp cho nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong giai đoạn 2015-2018 tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện giao hơn 2.401 ha đất sản xuất cho 1.954 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc và bảo vệ được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện các chính sách ASXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cũng còn những tồn tại hạn chế, đó là: kinh tế vùng miền núi, dân tộc thiểu số chậm phát triển so với tiềm năng của vùng; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và yếu; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng dân tộc và miền núi còn cao; kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp; một số chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược lâu dài, còn chồng chéo về đối tượng, địa bàn thụ hưởng; các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy hiệu quả của chính sách chưa thực sự bền vững; nhiều chính sách khi hết hiệu lực nhưng không đạt được mục tiêu đề ra, do thiếu vốn, thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cac chương trình trợ giúp xã hội còn phân tán về đối tượng, kinh phí, tổ chức thực hiện; chính sách xuất khẩu lao động đối với lao động dân tộc thiểu số chưa hiệu quả; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách an sinh xã hội ở một số địa phương còn yếu.

Để thực hiện có hiệu quả công tác ASXH trong vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công ASXH, công tác dân tộc trong tình hình mới; đặt công tác ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hai là, thực hiện tốt công tác qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện chính sách đã có; nghiên cứu ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc miền núi và nhiệm vụ công tác dân tộc trong tình hình mới.

Ba là, thực hiên tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Già làng, Trưởng bản, Trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo được ban hành; huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trước hết tập trung cho các vùng đặc biệt khó khăn (vùng “lõi nghèo”), tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Thực hiện nghiêm chỉnh việc phân cấp cho cơ sở, công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư,... để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện; điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn. Thống nhất đầu mối cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc.

Năm là, kiện toàn tồ chức bộ máy và cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở.

Sáu là, thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện; điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn. Thống nhất đầu mối cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện chính sách đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở vùng dân tộc và miền núi.

Bảy là, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc và các chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đối với vùng miền núi, dân tộc thiểu số, chính sách định canh, định cư; làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng./.

                                                                                       Minh Phương

Các tin khác