Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 18

  • Tổng 1.010.356

Đồng bào Pa Kô, Vân Kiều mang họ của Bác Hồ từ bao giờ ?

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Nơi đại ngàn phía Đông Trường Sơn thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có nhiều dân tộc anh em sinh sống như Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Hy,  K’Tu… Trong đó, đông nhất là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều  với trên 180.000 người; định cư chủ yếu ở các huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Hướng Hóa, Dak Krông (Quảng Trị). Trong lịch sử của cộng đồng các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều đã từng có một nét văn hóa dòng tộc riêng đặt theo biểu tượng của cây cối, muông thú, như Arâl, Târnau, Kê, Pata, Plo, Prung... Thế nhưng, hiện nay  tất cả các tộc người Pa Kô, Vân Kiều đều có chung một họ Hồ. Đây là sự tri ân của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đối với công ơn của Đảng và Bác Hồ đã mang lại cho dân tộc cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vậy, người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều được mang họ Hồ từ bao giờ?

Anh hùng Hồ Đức Vai và Anh hùng Hồ Kan Lịch
Anh hùng Hồ Đức Vai và Anh hùng Hồ Kan Lịch

Ở Thừa Thiên - Huế đã có nhiều văn bản và bài viết cho biết: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai là người Pa Kô đầu tiên mang họ Hồ. Anh hùng Hồ Đức Vai, tức A Vai (SN 1940), là một trong hai người dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (vào năm 1965 là A Vai của TT-Huế và Bi Năng Tăk dân tộc Răg Lai của tỉnh Ninh Thuận), người được gặp Bác Hồ 5 lần. Đặc biệt, A Vai là người đầu tiên tự nguyện mang họ Hồ để về phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số và được Bác Hồ đặt tên là Hồ Đức Vai. Khi Bác mất (tháng 9-1969), đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Thừa Thiên - Huế đã làm lễ để tang Bác và thống nhất theo anh Hồ Đức Vai lấy họ của Bác Hồ làm họ chung cho cộng đồng người dân tộc thiểu số ở phía Tây Thừa Thiên - Huế.

Đối với đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị lại có lịch sử mang họ Bác Hồ xa hơn so với ở Thừa Thiên - Huế: Theo lịch sử cách mạng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của Bác tặng các bản, nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, không để cho kẻ thù phân hóa lợi dụng. Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26-6-1946, được sự tổ chức của mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coc Tăng (Cooc-la-phăng-xông), tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Cụ Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Và trong thẻ cử tri của mình, lần đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ. Thực tế, tuy chưa được gặp Bác Hồ, nhưng rất nhiều thanh niên Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ và tham gia kháng chiến trên mặt trận đường 9 năm 1947 và để lại tên tuổi trong lịch sử kháng chiến chống pháp của quân và dân Quảng Trị như: ông Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Võ Tá Khỉn, Hồ Cam, Hồ Hương… Chính tấm lòng luôn luôn hướng về Cụ Hồ của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, nên năm 1957, khi nghe tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh, chính quyền đã cử đại diện ra gặp Bác để xin được mang họ Bác Hồ. Lịch sử cách mạng huyện Hướng Hóa ghi: “Tháng 6-1957, Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, người Vân Kiều, Pa Kô ở Vĩnh Linh cử đại biểu do ông Hồ Ray đại diện ra gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Kô mang họ của Người. Được Bác Hồ tặng họ, người Vân Kiều, Pa Kô đã cùng nhau kéo lên núi đốt lửa, giết trâu, hướng ra miền Bắc mà thề, đã là con cháu Bác Hồ thì phải thương yêu nhau như tay với chân, phải hết lòng theo Đảng, theo Bác…”. Và sau khi Bác mất, hầu hết bà con Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị đều đã phổ biến mang họ Bác Hồ.

Như vậy xét trên bình diện lịch sử, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị đã được mang họ Bác Hồ rất sớm chỉ một năm sau khi Cách mạng tháng 8-1945 thành công. Tuy nhiên cũng như Thừa Thiên - Huế, sau khi Bác mất, người Pa Kô, Vân Kiều mang họ của Bác mới trở thành phổ biến trong cộng đồng và duy trì phát huy cho đến ngày nay. Có thể, sự khác biệt về thời điểm lịch sử được mang họ Bác Hồ của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều giữa các địa phương là do điều kiện chiến tranh và sự ngăn cách chia rẽ, phá hoại gắt gao của kẻ thù. Nhưng qua đó cũng cho thấy, tấm lòng son sắt thủy chung của bà con dân tộc Pa Kô, Vân Kiều nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đông Trường Sơn nói chung luôn hướng về Đảng và Bác Hồ, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng đất nước ngày nay.

BBT: Nguồn "Báo Điện tử Đắk Lắk"

Các tin khác