Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 3229

  • Tổng 1.005.881

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Ngày 27/8/2019 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình”; Ngày 3/2/2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL về công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều”, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

 

1. Lễ hội đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Lễ hội đập trống là nét văn hóa đặc sắc của bà con đồng bào dân tộc Ma-Coong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều sống tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hàng năm, khi dịp tết Nguyên đán vừa kết thúc cũng là lúc đồng bào người dân tộc Ma Coong lại náo nức tổ chức “Lễ hội đập trống” để mừng mùa trăng mới. Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày 16 tháng Giêng (Âm lịch), đây là lễ hội truyền thống vô cùng độc đáo và được xem như là lễ hội quan trọng nhất của người dân nơi đây, được tổ chức mỗi năm một lần để tưởng nhớ công lao vị già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho bốn mùa mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.

Phần Lễ:

 Nghi thức trong Lễ hội đập trống

Ngay từ sáng sớm, người Ma Coong cả già lẫn trẻ diện những bộ áo quần đẹp nhất ở khắp các bản gần xa, thậm chí đồng bào Ma Coong ở tận nước bạn Lào cũng kéo nhau về bản Cà Roòng I để tham gia lễ hội đập trống. Bà con của 18 bản làng men theo những con suối mang theo lễ vật về đây dâng lễ, ai cũng vui tươi, háo hức chuẩn bị cho Lễ hội, giữa khoảng đất rộng nhất trước ngôi nhà truyền thống của bản cũng chính làm nơi hành lễ, mâm lễ với đầy đủ hương sắc của núi rừng gồm rượu hiêng, thịt gà, cá suối, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác và một ít gạo nếp được bày ra sẵn sàng để cúng thần linh và chiếc trống được treo trang trọng nhất trong gian nhà. Bộ phận chủ lễ thường có năm người, là những người đứng đầu năm dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma Coong đang sống hiện nay, họ được quyền cha truyền con nối để làm chủ lễ hằng năm, thành viên ban chủ lễ trong bộ lễ phục truyền thống, áo màu đen cài khuy bạc, váy màu đen gấu viền đỏ, vòng bạc... (bộ lễ phục này chỉ được mặc trong dịp lễ hội đập trống và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác), với tâm niệm thành kính, khẩn cầu thần linh phù hộ, che chở cho con cháu của tộc người Ma Coong.

Khi các công việc đã được chuẩn bị xong, mọi người dân bản cùng chờ trăng lên để cúng lễ, khi trăng vừa nhú lên trên rặng núi, các mâm cúng và rượu được mang ra sắp đặt sẵn. Sau khi đầy đủ bà con trong dân bản, trăng lên đỉnh đầu là lúc vào giờ khai lễ. Mở đầu buổi lễ, già làng thắp sáng những cây nến làm bằng sáp ong bước vào lễ tế cúng Giàng, cúng tổ tiên và khấn cầu cho trời đất mưa thuận gió hòa, Giàng và tổ tiên phù hộ cho dân bản sống yên lành, đoàn kết, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu và tất cả mọi người khỏe mạnh, không đau ốm, bệnh tật, các thành viên khác của ban chủ lễ lần lượt thay nhau vào cầu khấn. Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía để cầu mong một năm lúa thóc đầy bồ, đầy nương, sau khi cúng khấn, già làng phát lệnh Lễ hội đập trống chính thức được bắt đầu.

Phần Hội:

Trai, gái người Macoong đang đập trống

Phần Lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội vang lên, từng nhịp trống dồn dập vang xa, vọng vào vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng Trường Sơn. Mọi người bắt đầu xúm lại với nhau bên những ché rượu cần, rượu hiêng cùng mời khách thưởng thức món rượu đặc sản của bản làng. Tiếng trống và men rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia lễ hội, những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và cùng trổ tài đánh trống nhanh theo tiếng nhạc, tiếng chiêng dưới ánh trăng, vừa đánh trống, thanh niên làng bản vừa la vang “Roa lữ Giàng ơi!”.

Lễ hội kéo dài cho đến khi chiếc trống hội được đập vỡ và người Ma Coong quan niệm rằng trống phải được đánh vỡ trước khi trời sáng, vì năm nào khi trời sáng mà mặt trống chưa vỡ thì chứng tỏ Giàng không thương, khó lòng yên ổn, năm đó sẽ mất mùa đói kém, ngược lại tiếng trống đánh vang to, chắc nịch và vỡ sớm thì năm đó dân bản sẽ gặp nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu. Khi mặt trống bị đánh vỡ cũng là lúc các cặp đôi yêu nhau mà không đến được với nhau hoặc thanh niên trai gái lâu nay đã thầm để ý nhau được phép dắt nhau ra suối, vào rừng chuyện trò, tâm sự, thổ lộ những điều nhớ nhung thầm kính, không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch, mà cả người nước bạn Lào ở các bản lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt tay nhau lẩn vào rừng tình tự. Một đêm không có sự ghen tuông, không có sự giận hờn, chỉ có tình yêu thương nồng nàn của đôi lứa... khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc “Lễ hội đập trống” của người Ma Coong kết thúc, mọi người mới bịn rịn rời nhau trở về nhà trước khi gà gáy sáng để quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình với niềm hy vọng của sự may mắn mà lễ hội thiêng liêng mang lại cho họ và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau. Sau đêm hội, chủ lễ làm lễ xin Giàng được hạ trống xuống và đem tang trống, nồi đồng cất nơi trang trọng tại gia đình ông chủ đất, cũng là chủ lễ để chờ đến mùa hội năm sau.

2. Lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn huyện Qwuangr Ninh, tỉnh Quảng Bình

Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều nơi đây diễn ra từ ngày 11 đến 14/7 âm lịch. Đây là công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy như chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch.

Dân bản xin thần ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ... khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu, người dân bản no ấm.

Theo người dân ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn kể lại, Lễ hội Trỉa lúa ở bản luôn được tổ chức ở nơi gò cao dưới chân núi Chồng, nơi đó có nhiều cây cổ thụ, trên đỉnh có 3 ngọn núi cao vút. Khám thờ đặt tựa lưng vào hướng núi Chồng, mặt hướng qua núi Khe Cát mà dân gian bản xứ gọi là núi Vợ.

Phần Lễ:

Nghi thức trong Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn.

 

 

Đúng 7 giờ 30 khi mặt trời chiếu xuống vùng đất lễ, 2 thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn trắng đặt xuống cạnh khe nước chảy. Việc trước tiên là làm lễ tế sống (hiến sinh) lợn. Lúc này già làng sẽ báo lệnh khai lễ và dân bản đứng khép vòng quanh con lợn, hướng mắt về giữa. Già làng ở giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly thủy tinh nâng lên rót đầy rượu rồi miệng cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe.

 

Khấn xong, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu lợn, thân lợn. Tưới rồi, vẫn chiếc ly ấy, già lại rót rượu trong chai ra đầy và chuyền vòng từ trái sang phải theo vòng người cùng đứng để uống hưởng lễ. Người được đón ly uống xong, lại chấp tay hướng về con lợn vái với ý nghĩa cám ơn con lợn đã thay họ làm vật hiến sinh cho các vị thần nhân dịp lễ.

Khi rượu đã uống hết vòng thì các đồ tể bắt đầu múc nước bên khe dội rửa lợn cho sạch, xóc đòn đưa lợn lên cao, dùng cây dao nứa sắc chọc tiết, hứng vào một chiếc chậu lớn. Chọc tiết xong thì cạo lông và mổ lợn rồi luộc chín. 

Khi lợn đã được luộc chín, các đồ tể chia làm hai phần đặt lên hai tầng của khám thờ. Tầng cao thờ thần trời, thần núi, tầng thấp thờ thần đất, thần sông. Ở hai bên khám thờ là hai chiếc gươm đẽo bằng gỗ một dài, một ngắn tạo nên vẻ oai linh. Một vò rượu cần đặt ở dưới đất trước khám thờ, 5 chiếc cần chọc lên vươn về 5 phía như biểu tượng của các vía vũ trụ là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Từ xa cách 5 mét cắm dựng xuống đất mấy chiếc dùi chọc lỗ vạt một đầu nhọn, mấy cái gùi nứa thấp một quai mang bên hông đựng hạt giống và mấy que lấp lỗ chừng bốn gang tay như chờ sẵn, đợi lệnh thần ban để cùng người xuống rẫy.

Chuẩn bị xong lễ, già làng lại bước vào đứng trước khám thờ để làm lễ thứ tiếp. Lúc này dân bản xếp hàng đứng về phía phải khám thờ. Bốn lão bản khác cùng với già mặc đồng phục lễ đứng nghiêm túc trước khám thờ. Già bước tách hàng lên trước và cất lời khấn cầu mong thần phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ… khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu người dân bản no ấm.

Phần Hội:

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, đồng bào cùng nhau nhảy múa.

Sau lời khấn, một số dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một cái nia trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhảy như người sảy thóc, vừa tiếp tục khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt.

Sau khi cúng xong tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Họ cũng cùng nhau bước vào phần hội với các trò chơi và cùng nhau hát những các làn điệu dân ca truyền thống.

QH: Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình

Các tin khác