Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 690

  • Tổng 964.143

Vài nét khái quát về đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số: dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt, với 5.607 hộ, 24.499 nhân khẩu, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Dân tộc Bru - Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Các dân tộc thiểu số còn lại với số dân không nhiều như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa cô... 

 Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình có dân số không nhiều, lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như A Rem, Rục..., sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Tuy vậy, trong quá trình sinh tồn và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Bình đã cố gắng sáng tạo và gìn giữ rất nhiều giá trị văn hoá vật chất, tinh thần độc đáo, đồng thời cũng đóng góp nhiều công sức, xương máu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng bản làng, xây dựng quê hương Quảng Bình yêu dấu.

 I. Dân tộc Chứt  
Dân tộc Chứt ở Quảng Bình thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Tính đến 31/12/2016 dân số của dân tộc Chứt có 1.551 hộ, 6.694 khẩu. Địa bàn cư trú thuộc một số xã miền núi, vùng cao của các huyện Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá.  
1. Địa bàn cư trú và phân bố dân cư (theo các tộc người) 
- Tộc người Sách: Địa bàn cư trú chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện Minh Hoá và sống rải rác ở một số xã miền núi của huyện Tuyên Hoá, Bố Trạch.
Ở huyện Minh Hoá: Tộc người Sách cư trú tập trung theo cộng đồng ở các xã Thượng Hoá (bản Phú Minh, Yên Hợp), Hoá Sơn (bản Hoá Lương, Lương Năng), ngoài ra người Sách sống xen ghép với dân tộc Kinh ở các xã: Hoá Tiến, Hoá Hợp, Hoá Thanh, Dân Hoá, Trung Hoá, Hồng Hoá, Xuân Hoá, Thị trấn Quy Đạt...
Ở huyện Tuyên Hoá: Tộc người Sách sống xen cư với dân tộc Kinh ở các xã: Lâm Hoá, Sơn Hoá, Lê Hoá, Thanh Hoá, Thị trấn Đồng Lê.
Ở huyện Bố Trạch: Tộc người Sách sống xen cư với các dân tộc khác ở các xã: Thượng Trạch, Tân Trạch.
- Tộc người Rục cư trú theo cộng đồng, chủ yếu là ở xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá.
- Tộc người A Rem cư trú chủ yếu ở 2 bản thuộc xã Tân Trạch, Thượng Trạch huyện Bố Trạch.
- Tộc người Mày cư trú ở 11 thôn bản thuộc các xã Dân Hoá, Hoá Tiến, Hoá Thanh, Thượng Hoá huyện Minh Hoá.
- Tộc người Mã Liềng cư trú theo cộng đồng ở 6 bản thuộc các xã Trọng Hoá (huyện Minh Hoá), Thanh Hoá, Lâm Hoá (huyện Tuyên Hoá).
        2. Đặc điểm kinh tế 
Sinh sống ở địa hình núi cao, hiểm trở, trước Cách mạng Tháng Tám, các tộc người của dân tộc Chứt vốn sống bằng nông nghiệp nương rẫy du canh, chăn nuôi và săn bắt, hái lượm. Hoạt động sản xuất của họ theo mùa mưa và mùa khô. Mùa khô người ta trồng ngô, sắn, đậu đỗ và thuốc lá. Việc phát đốt nương và trồng trỉa ngô, sắn, đậu đỗ và thuốc lá kéo dài từ tháng Chạp năm trước tới tháng Giêng năm sau. Đến tháng 5 thì thu hoạch ngô, đỗ, thuốc lá, còn tháng 8 thì thu hoạch sắn. Mùa mưa đồng bào chỉ trồng lúa và ngô, việc đốt nương và trồng, trỉa làm trong tháng 4 hoặc tháng 5. Tới tháng 8 ngô được thu hoạch, còn lúa thì vào tháng 10.
Ngày nay, ngoài canh tác trên nương rẫy, một số tộc người của dân tộc Chứt đã biết canh tác lúa nước, biết sử dụng sức kéo của trâu, bò để cày, bừa, dùng phân bón trong trồng trọt như người Sách, Mã Liềng. Cho đến nay, về cơ bản các tộc người của dân tộc Chứt đã thoát khỏi cuộc sống săn bắt và hái lượm, tuy nhiên với nền kinh tế chủ yếu là tự cấp, tự túc, nên hái lượm còn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào.
Các tộc người của dân tộc Chứt không biết trồng bông, dệt vải, trước kia đàn ông đóng khố, ở trần, phụ nữ mặc váy; khố và váy được làm bằng vỏ cây rừng. Ngày nay, các tộc người của dân tộc Chứt sử dụng y phục như người Kinh và một số tộc người khác trong vùng.
 3. Tổ chức cộng đồng 
Phần lớn các tộc người của dân tộc Chứt cư trú theo cộng đồng làng bản (cavel), nhưng thường phân tán thành nhiều điểm dân cư, mỗi bản (cavel) có già làng do dân suy tôn, thường là người đứng đầu một dòng họ có uy tín nhất trong làng. Trước Cách mạng Tháng Tám, các tộc người của dân tộc Chứt không có họ, ngày nay các tộc người của dân tộc Chứt thường nhận mình là họ Cao, họ Đinh, họ Phạm, họ Hồ... Mỗi dòng họ đều có người tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung. Hiện nay, ở các thôn bản của dân tộc Chứt, ngoài già làng do dân suy tôn, còn có trưởng bản được nhân dân bầu theo quy định. 

 

4. Hôn nhân gia đình
Chế độ hôn nhân của dân tộc Chứt là hôn nhân một vợ một chồng có tính bền vững, hiếm xảy ra bất hoà. Gia đình là tiểu gia đình phụ quyền, con trai khi lấy vợ ra ở riêng, con gái lấy chồng về ở nhà chồng. Con trai, con gái dân tộc Chứt đến tuổi dậy thì là có quyền tự do tìm hiểu nhau. Tuy nhiên, trong hôn nhân có những nguyên tắc bắt buộc: Gia đình và dòng họ không chấp nhận hôn nhân giữa những người cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời, đến đời thứ 4 mới có thể quan hệ hôn nhân, không phân biệt bên nội hay bên ngoại. Luật tục cấm kỵ những người cùng dòng họ trong phạm vi 3 đời lấy nhau, bị cộng đồng, dòng họ xử phạt rất nặng nếu vi phạm. Trong hôn nhân, lễ tiết bao gồm các bước: Lễ làm dấu (Lễ chạm ngõ), lễ dạm hỏi, lễ cưới, lễ xin dâu, lễ lại mặt. Tuy nhiên, ở mỗi tộc người các bước tiến hành cũng có sự khác nhau nhất định; người Mày lễ cưới được tổ chức làm 2 lần (lần 1: đoong tan, lần 2: đoon téc), người Sách thì có lễ chạm ngõ, không có lễ xin ở rễ. Người Sách chịu nhiều ảnh hưởng hình thức hôn nhân của người Việt (Nguồn) trong vùng, thể hiện ở các bước trong hôn nhân, vai trò phụ quyền đậm nét. Còn người Mày, Rục,
A Rem, Mã Liềng bảo lưu nhiều yếu tố cổ hơn. Trong quá trình hôn nhân, vai trò của ông cậu và thách cưới, tập tục ở xú (ở rễ) còn tồn tại.
 

5. Nhà cửa
Trước đây, nhà cửa của dân tộc Chứt vốn chỉ là những túp lều tạm, đơn sơ hoặc chiếm cứ các hang đá làm nơi cư trú. Nếu ngôi nhà sàn gắn với người A Rem, Mã Liềng, Mày, thì ngôi nhà đất (nhà trệt) lại gắn liền với người Sách, Rục. Dù nhà trệt hay nhà sàn, ngôi nhà của dân tộc Chứt có hai gian và hai cửa ra vào. Gian chính là nơi thờ tự và tiếp khách. Lối đi vào gian này được xem là cửa chính của ngôi nhà. Gian thứ 2 là nơi đặt bếp lửa, buồng ngủ. Lối đi vào gian này được xem là cửa phụ. Cũng giống hầu hết các tộc người thiểu số khác ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, vật liệu làm nhà của đồng bào Chứt là những nguyên liệu sẵn có trong rừng, chủ yếu là gỗ táu (cà chăm). Kết cấu ngôi nhà đơn giản, kỹ thuật kết nối giữa các bộ phận của ngôi nhà chủ yếu là khắc ngoàm, buộc dây, vách lợp bằng tranh hoặc đan bằng phên nứa.
Ngày nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, ngôi nhà của đồng bào Rục, Sách có sự thay đổi, tường nhà xây bằng gạch, mái lợp ngói hoặc bằng Phibrô-xi măng; ngôi nhà của đồng bào A Rem, Mày, Mã Liềng vẫn là những ngôi nhà sàn, nhưng cột bằng gỗ trước đây nay thay thế bằng cột bê tông. 
6. Tục lệ ma chay
Việc ma chay của dân tộc Chứt đơn giản, người Sách chịu nhiều ảnh hưởng của người Kinh trong vùng. Theo nếp chung, tang gia thường tổ chức trong 3 ngày, sau đó đưa đi chôn; người chết được quấn bằng lá tro (lá cọ) hoặc bằng phên nứa (ngày nay phần lớn áo quan được làm bằng gỗ). Mộ được đắp thành nấm đất, không có nhà mồ bên trên. Sau ba ngày, tộc trưởng làm lễ gọi hồn người chết về ngụ trên bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng, từ đó người thân không ai lai vãng chăm sóc phần mộ của người đã khuất. Đối với đồng bào Chứt, tín ngưỡng vật linh khá phổ biến, họ quan niệm ở rừng có ma rừng, ở suối có ma suối, ở không trung có ma lơ lững, dưới đất có ma đất... Do đó, trong đời sống sinh hoạt, đồng bào Chứt có tục lệ cúng ma. Vị thần cao nhất trong các thần là thần trông coi, bảo vệ đất rừng, người và vật của cavel.  
7. Văn hoá
Trong quá khứ, dân tộc Chứt có đời sống tinh thần khá phong phú, họ có một số nhạc cụ truyền thống như: đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc... có điệu dân ca Kà tưm, Kà lềnh và nhiều chuyện kể về buổi khai thiên lập địa, về sự sinh ra của các dân tộc trong vùng...
Tuy nhiên, ngày nay các làn điệu dân ca mai một dần, ít người biết đến; các loại nhạc cụ không còn, do không có người chế tác...  

II. Dân tộc Bru - Vân kiều
Dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - khmer gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Tính đến 31/12/2016 dân số của dân tộc Bru - Vân Kiều có 3.992 hộ, 17.619 khẩu. Địa bàn cư trú thuộc các xã vùng cao của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hoá.  
1. Địa bàn cư trú và phân bố dân cư (Theo tộc người)
- Tộc người Vân Kiều: Địa bàn cư trú chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh và sống rải rác ở một số xã miền núi, vùng cao của huyện Bố Trạch.
Ở huyện Lệ Thuỷ: Người Vân Kiều cư trú tập trung theo cộng đồng ở các xã Kim Thuỷ (10 bản), Lâm Thuỷ (6 bản), Ngân Thuỷ (5 bản).
Ở huyện Quảng Ninh: Người Vân Kiều sinh sống theo cộng đồng ở các xã: Trường Sơn (15 bản), Trường Xuân (5 bản).
Ở huyện Bố Trạch: Người Vân Kiều cư trú tập trung theo cộng đồng ở các xã, thị trấn, như: Sơn Trạch (1 bản), Tân Trạch (1 bản), Thị trấn Nông trường Việt Trung (1 bản), ngoài ra có một số hộ xen cư với các tộc người khác ở Thượng Trạch, Tân Trạch, huyện Bố Trạch là điểm dừng chân cuối cùng của người Vân Kiều từ Nam ra Bắc.
- Tộc người Ma Coong: Đồng bào cư trú theo cộng đồng ở xã Thượng Trạch (18 bản) và một bộ phận sống xen cư với người A Rem ở Tân Trạch, huyện Bố Trạch.
- Tộc người Khùa: Đồng bào cư trú chủ yếu ở xã Dân Hoá (8 bản), Trọng Hoá (15 bản) của huyện Minh Hoá, một số hộ xen cư với dân tộc khác ở xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá. Bản thuộc xã Tân Trạch, Thượng Trạch huyện Bố Trạch.

 

- Tộc người Trì: địa bàn cư trú ở xã Thượng Trạch (bản Cờ Đỏ, Nồng Mới, Troi) của huyện Bố Trạch.  
2.2. Đặc điểm kinh tế 
Người Bru - Vân Kiều sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy và ruộng nước. Trồng trọt nương rẫy là hoạt động kinh tế đem lại nguồn thu nhập chính. Ruộng nước đã xuất hiện nhưng diện tích và quy mô nhỏ bé. Trước đây, thích ứng với điều kiện đất rộng, người thưa là kỹ thuật luân canh khoảnh đất rẫy theo chu kỳ khép kín. Mỗi hộ gia đình trồng nhiều đám rẫy, mỗi đám trồng 1-2 năm rồi bỏ hoá để chuyển sang đám khác, 5-10 năm sau mới khai phá trở lại. Do đó đất hưu canh thường lớn hơn nhiều lần so với đất đương canh. Ngày nay, do áp lực của gia tăng dân số thời gian hưu canh ngắn nên đất đai dễ thoái hoá. Kỹ thuật canh tác nương rẫy vẫn chủ yếu là “phát, đốt, cốt, trỉa" với công cụ sản xuất thô sơ nên năng suất thấp. Hoạt động khai thác các nguồn lợi từ rừng như săn bắt, đánh cá, thu hái các loại rau, củ, quả là nguồn cung cấp thức ăn hết sức quan trọng.
Bên cạnh nương rẫy và khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng, chăn nuôi, thủ công và trao đổi chỉ là hoạt động kinh tế phụ; chăn nuôi gia súc, gia cầm trước hết phục vụ cho các lễ cúng, rồi sau đó mới cải thiện bữa ăn. 
3. Hôn nhân gia đình 
Con trai, con gái Bru - Vân Kiều được tự do yêu nhau, cha mẹ thường tôn trọng sự lựa chọn bạn đời của con. Hình thức hôn nhân là ngoại hôn, một vợ một chồng và cư trú bên chồng, tuy nhiên vẫn còn mang tàn dư của thời mẫu hệ. Trong họ hàng, ông cậu có quyền quyết định khá lớn đối với việc lấy vợ, lấy chồng của các cháu. Nhà trai tổ chức cưới vợ cho con phải biếu đồ sính lễ cho nhà gái, trong đó có 3 thứ bắt buộc phải có là thanh kiếm, nồi đồng và 8 đồng bạc trắng. Khi về nhà chồng, cô dâu phải qua một số lễ nghi bắt buộc như: bắc bếp, rửa chân, ăn cơm chung với chồng... Sau lễ cưới, đôi vợ chồng còn phải làm "lễ cưới" lần thứ 2 khi có điều kiện về kinh tế, gọi là lễ khơi, để người vợ chính thức được coi là thành viên dòng họ nhà chồng. Tục lệ này vẫn còn tồn tại ở tộc người Khùa, trong trường hợp bố mẹ chết, chưa kịp tổ chức "lễ cưới" lần 2, con cái có trách nhiệm tổ chức lễ cưới lần 2 cho bố mẹ.
Trong nhà, người đàn ông già nhất (người cha hoặc chồng) làm chủ gia đình, nắm quyền quyết định mọi công việc; người mẹ (hoặc người vợ) chịu trách nhiệm chính trong việc nội trợ và dạy dỗ con cái. Gia đình tuy có sự phân biệt vai trò theo giới, song giữa các thành viên là mối quan hệ tôn trọng, thương yêu và đùm bọc nhau. Khi chủ gia đình chết, quyền hành và tài sản được trao cho người con trai cả, con gái không được chia tài sản, nếu có cũng chỉ rất ít so với con trai. 
4. Nhà cửa, làng bản 
Người Bru - Vân Kiều ở nhà sàn nhỏ, phù hợp với quy mô gia đình thường gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng. Làng bản nằm dọc theo bờ sông, suối hay lưng chừng những quả đồi thấp hoặc trong thung lũng màu mỡ. Nếu ở gần bờ sông, suối, các nhà trong làng (bản) tập trung thành một khu trải dọc theo dòng chảy. Nếu ở chỗ bằng phẳng rộng rãi, các ngôi nhà trong làng xếp thành vòng tròn hay hình bầu dục, ở giữa là nhà công cộng. Ngày nay, làng của đồng bào ở nhiều nơi đã có xu hướng ở nhà trệt. 
5. Trang phục 
Ngày trước, đàn ông để tóc dài, búi tóc, ở trần, đóng khố; khố và áo được làm từ vỏ cây si. Trang phục của nữ, nếu gái chưa chồng búi tóc về bên trái, sau khi lấy chồng búi tóc trên đỉnh đầu, phụ nữ thường ở trần, mặc váy. Áo của nữ giới có loại chui đầu, không tay, cổ khoét hình tròn hoặc hình vuông, có loại áo cánh xẻ ngực, dài tay màu chàm, cổ và hai mép trước áo có đính các đồng bạc nhỏ màu sáng. Ngày nay, y phục kiểu người Kinh đã trở nên phổ biến, nhưng tập quán mặc váy ở phụ nữ vẫn còn tồn tại. 
6. Văn hoá 
Người Bru - Vân Kiều yêu văn nghệ và có vốn văn nghệ cổ truyền quý báu. Nhạc cụ có nhiều loại: trống, thanh la, chiêng núm, kèn (amam, ta-riêm, khơ-lúi, pi), đàn (achung, pư-kua...). Đồng bào có nhiều làn điệu dân ca khác nhau: chà chấp là lối vừa hát vừa kể rất phổ biến; "sim" là hình thức hát đối giữa nam và nữ. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ các loại của đồng bào rất phong phú. 
III. Một số dân tộc thiểu số khác.  
Ngoài hai dân tộc Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt, ở các xã miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Bình còn có mặt của 9 dân tộc, tộc người dân tộc thiểu số khác: Thổ, Mường, Tày, Êđê, Thái, Pacô, Giẻ Triêng, Cao Lan, Krai nhưng với số dân không nhiều. Tính đến 31/12/2016 các dân tộc thiểu số nói trên có 64 hộ, 186 khẩu, sống xen ghép với các dân tộc khác, phân bố ở các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Phần lớn trong số họ là bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân nông, lâm trường đã công tác ở Quảng Bình và ở lại mảnh đất này sinh cơ lập nghiệp.
Một số hình ảnh
 
Nhà ở của người Mày
 
 
Phụ nữ Vân Kiều
 
 
Phụ nữ Arem
 
                                                                                               Nhà ở truyền thống của người Khùa                
                                                               
                                                                                                                                                                      Minh Phương

Các tin khác