Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 354

  • Tổng 1.011.207

Ngát xanh Rào Trù

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Men theo con đường độc đạo từ Nam Long qua dốc Ba Nang, sông Rào Đá…, thung lũng Rào Trù hiện ra ngát xanh trong trời thu tháng Tám lịch sử. Nơi đây, chiến khu Rào Trù-khu căn cứ kháng chiến lâu dài của quân và dân huyện Quảng Ninh trong những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ giờ đã lên xanh màu của ấm no, hạnh phúc…

 Chiến khu kiên trung


Trong những câu chuyện kể của các cụ cao niên ở xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Rào Trù vốn là vùng thung lũng rộng lớn, bốn bề được bao bọc bởi rừng, núi đá dựng đứng; xung quanh có nhiều hang động nằm dưới các dãy núi đá vôi kiên cố.

Hang Giao thông nơi chiến khu Rào Trù.
Hang Giao thông nơi chiến khu Rào Trù.

Đầu năm 1947, khi thực dân Pháp chiếm ưu thế về sức mạnh quân sự, quyết tâm đè bẹp sự kháng cự của nhân dân ta bằng khẩu hiệu “Giết sạch đốt sạch”, nhân dân Quảng Bình đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, làng xóm. Trước thế giặc đang mạnh, chúng ta buộc phải tạm rút khỏi vùng đồng bằng, lùi sâu vào vùng rừng núi, xây dựng chiến khu phòng ngự, cầm cự.

Cùng với các chiến khu: Cao Mại (Tuyên Hóa), Trung Thuần (Quảng Trạch), Trộ Rớ, Bồng Lai (Bố Trạch), Thuận Đức (Đồng Hới), Bang Rợn (Lệ Thủy)..., đầu năm 1947, Ủy ban hành chính huyện Quảng Ninh gấp rút tổ chức xây dựng chiến khu Rào Trù thành khu căn cứ kháng chiến lâu dài.

Từ chiến khu này, huyện Quảng Ninh vừa xây dựng, củng cố lực lượng, vừa tăng gia sản xuất, vừa tổ chức chống càn quét. Ủy ban kháng chiến Quảng Ninh thống nhất với chỉ huy lực lượng du kích 13 xã quán triệt chủ trương tiêu thổ kháng chiến, phục vụ kháng chiến khi chiến sự bùng nổ, sẵn sàng đón các cơ quan tỉnh, đồng bào thị xã Đồng Hới sơ tán lên. Phương châm tác chiến lúc bấy giờ là đánh du kích, đánh nhỏ, đánh lẻ... góp gió thành bão, tích lũy vũ khí, đạn dược, lấy vũ khí địch tự trang bị cho mình.

Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quảng Ninh ghi lại: Thực dân Pháp quyết tâm đánh chiếm, triệt phá chiến khu Rào Trù, an toàn khu của quân và dân huyện Quảng Ninh và một số trụ sở cơ quan tỉnh. Đêm 15-7-1947, địch từ đồn Vạn Xuân tấn công vào vùng Rào Đá, Bến Cùng, bắn chết nhiều người từ thôn Thu Thừ (xã An Ninh) tản cư. Trận càn này làm 24 người chết, hầu hết là phụ nữ, trẻ em và 3 du kích.

Ngày 24-7-1947, lính lê dương ở hai đồn Xuân Dục, Vạn Xuân chia làm hai hướng tấn công chiến khu Rào Trù. Tại đây, quân Pháp đốt kho lương thực của ta, dùng súng bắn vào Bệnh viện huyện Quảng Ninh đóng tại hang Giao thông làm 25 người hy sinh gồm cán bộ, chiến sỹ, bệnh nhân, y tá, hộ lý.

Sau khi tấn công bệnh viện, địch tiếp tục đánh vào vọng gác công an cướp đi một số tài liệu quan trọng của huyện. Phán đoán hướng địch rút đi, lực lượng vũ trang huyện Quảng Ninh cài bom ở Bãi Bưởi, bom nổ làm chết 14 tên và làm bị thương 20 tên khác. Sau trận đánh này, lính Pháp rất hoảng sợ mỗi lần tiến quân lên chiến khu Rào Trù.

Bắt đà nhịp sống mới

Dẫn chúng tôi theo con đường độc đạo vào thung lũng Rào Trù, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang hồ hởi chia sẻ: “Rào Trù vẫn kiên trung trong lòng dân. Chiến khu xưa giờ chính là nơi định cư của người Kinh, người Vân Kiều anh em các bản Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn và thôn Rào Trù. Năm 1990, Nhà nước đầu tư xây dựng hồ thủy lợi Lòng Đèn dẫn nước phục vụ sản xuất, bà con thôn Rào Trù, bản Khe Dây và Khe Ngang đã mạnh dạn sản xuất, cầm chắc 2 vụ lúa nước."

Ông Trần Hữu Duyết, Trưởng thôn Rào Trù chia sẻ: thôn có 87 hộ với 357 nhân khẩu. Hàng chục năm gắn bó cùng cây lúa, dẫu không ít lần “chông chênh” vì thời tiết nhưng người dân nơi đây vẫn bám chắc ruộng đồng. Ngoài sản xuất nông nghiệp với 17ha lúa hàng năm, hiện người dân thôn Rào Trù đã phát triển thêm chăn nuôi tổng hợp theo quy mô gia trại; làm dịch vụ cho các công ty khai thác đá.

Điều đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, xã Trường Xuân thực hiện giải pháp giảm nghèo bằng hình thức hỗ trợ xuất khẩu lao động. Nhờ đó, nhiều người dân thôn Rào Trù và bà con Vân Kiều ở các bản đã mạnh dạn xuất khẩu lao động ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… với mức thu nhập 18-20 triệu đồng/người/tháng, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế và làm giàu quê hương.

Bà con dân tộc Vân Kiều bản Khe Dây được giao đất, giao rừng phát triển kinh tế.
Bà con dân tộc Vân Kiều bản Khe Dây được giao đất, giao rừng phát triển kinh tế.

Cũng theo lời chỉ dẫn của ông Duyết, chúng tôi tìm đến bản Khe Dây. Từ thôn Rào Trù theo con đường bê tông kiên cố, phẳng lì, bản Khe Dây hiện ra với những ngôi nhà còn nguyên màu ngói mới. Nhấp ngụm nước chè ngọt mát, già Hồ Thành, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận bản Khe Dây phấn khởi cho biết, không chỉ trồng lúa, đồng bào Vân Kiều nơi đây còn trồng thêm tiêu, sắn, ngô, lạc.

Từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đến nay, 40/40 hộ dân ở bản Khe Dây đều được nhận đất, trồng rừng. Đây chính là giải pháp quan trọng để bà con ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững; cũng là cách để dân bản quan tâm chăm sóc rừng, phát triển rừng tốt hơn.

Theo tính toán của già Hồ Thành, bình quân mỗi ha keo, tràm sau khi thu hoạch sẽ cho khoản lãi từ 32-35 triệu đồng; đây là khoản thu nhập không hề nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi thung lũng Rào Trù này.

Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau về vốn, nguồn giống cây trồng và kỹ thuật, bà con dân bản đã kết hợp trồng các loại cây keo, tràm với chăn nuôi trâu, bò, phát triển kinh tế; đời sống nhờ đó dần khá lên, thoát được đói nghèo.

Kinh tế ổn định, con em bản Khe Dây đều được bố mẹ cho đến trường học chữ. Đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi huy động vào mầm non đạt 100%; nhiều học sinh của bản đang theo học ở các trường nội trú của tỉnh, huyện. Các thiết chế văn hóa ngày càng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Bằng tình yêu son sắt với Đảng, với cách mạng cùng với sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, giờ đây cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang thực sự hiện hữu giữa ngát xanh chiến khu Rào Trù.

QH: Theo "Báo Quảng Bình"