Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 524

  • Tổng 999.300

Cuộc sống của đồng bào là mối quan tâm lớn nhất

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Là “lõi nghèo” của cả nước nên vùng DTTS và miền núi hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24: “Cuộc sống của đồng bào tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất”.

 Phát biểu tại Hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc – tiếp tục nhấn mạnh đến quan điểm của Đảng đối với vấn đề dân tộc. Đó là: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”. Trong đó, Nghị quyết số 24–NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc là văn bản mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, vùng DTTS và miền núi đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

cuoc song cua dong bao la moi quan tam lon nhat
Các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến với mục tiêu xây dựng chính sách thiết thực, hiệu quả

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đến từ 15 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Dân tộc thẳng thắn chỉ ra những bất cập, tồn tại trong xây dựng, triển khai chính sách, bao gồm: Chính sách còn dàn trải, nguồn lực không đáp ứng được nhu cầu, việc bố trí cán bộ là người DTTS còn hạn chế, nhiều chính sách chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, thiếu những chính sách mang tính đặc thù để tạo đột phá…

Đến từ tỉnh Điện Biên xa xôi, với dân số có trên 80% là đồng bào DTTS, ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên, cho rằng: Ở cấp Trung ương chỉ xây dựng chính sách khung, còn cụ thể thì để địa phương tính toán vì đặc thù một khác. Cụ thể như với các tỉnh miền núi, đồng bào sống gần rừng, vậy nên rất cần chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp để bà con sống được bằng nghề rừng. “Mức chi trả khoanh nuôi, bảo vệ rừng hiện là hơn 400.000 đồng/héc-ta/năm, cộng với các khoản chi trả khác là hơn 1 triệu đồng/héc-ta rừng/năm – con số này không đủ sức thuyết phục để người dân có ý thức gìn giữ và gắn bó với rừng” – ông Tiến khẳng định.

Bàn về di cư tự do – một trong những vấn đề tồn tại dai dẳng ở vùng DTTS và miền núi, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Từ sau giải phóng, việc tăng dân số cơ học của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là cực lớn. Đắk Lắk hiện có 1,9 triệu dân, nhưng có đủ dân của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Di cư tự do đã dẫn tới việc thiếu đất sản xuất, tác động tiêu cực tới quản lý đất đai, tiềm ẩn bất ổn về an ninh chính trị… Để ổn định dân cư, Đắk Lắk cần một nguồn lực rất lớn (khoảng 700.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực để khảo sát, đo đạc, cấp quyền sử dụng đất… nên hiện có tới 50% diện tích đất của Đắk Lắk chưa được đo đạc bản đồ địa chính. Thậm chí, một số lượng không nhỏ đồng bào DTTS hiện đang sống trên đất rừng nên không thể đăng ký hộ khẩu ổn định, dẫn tới việc nhiều địa phương không có cơ sở pháp lý để áp dụng các chính sách, ưu đãi của nhà nước dành cho đồng bào.

Trả lời câu hỏi, vì sao chúng ta có hàng trăm chính sách, cả gián tiếp, cả trực tiếp dành cho đồng bào DTTS, nhưng đến nay, đây vẫn là vùng “lõi nghèo” của cả nước? - ông Hầu A Lềnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ví dụ: Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng cộng các chế độ, chính sách được hưởng, một người DTTS được khoảng hơn 20 triệu đồng/năm. Vậy nhưng kết quả đạt được lại không đáng kể. Một phần nguyên nhân là vì có quá nhiều chính sách, mỗi người dân, mặc dù nhận tiền nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ là khoản rất nhỏ… nên có đồng nào tiêu hết đồng ấy.

Trước những góp ý, chia sẻ của các đại biểu tham dự hội nghị, bà Trương Thị Mai – Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 khẳng định: Mục tiêu của chính sách trước hết là phải rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, hướng tới phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi. Trong đó, cuộc sống của đồng bào tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất. Để đồng bào không đứng ngoài cuộc, thay vì hỗ trợ, chính sách tới đây sẽ phải chú trọng tới việc đầu tư, tăng chính sách tín dụng, tạo điều kiện để bà con có cơ hội phát triển bình đẳng. Đặc biệt, với mỗi chính sách, thay vì chỉ quan tâm đến “đầu vào”, sẽ phải quan tâm hơn đến “đầu ra” – tức là hiệu quả của chính sách.

QH: Theo "Báo Công Thương Điện tử"